• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhớ cây đa làng

10/11/2012 10:27

(Cinet)- Từ ngàn xưa, cây đa, giếng nước, mái đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt, gắn bó thân thiết với người nông dân hiền lành, chất phác. Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng khi nhớ về những kỷ niệm bên gốc đa làng…

(Cinet)- Từ ngàn xưa, cây đa, giếng nước, mái đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt, gắn bó thân thiết với người nông dân hiền lành, chất phác. Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng khi nhớ về những kỷ niệm bên gốc đa làng…

Cây đa đầu làngCây đa đầu làng

Đa dễ trồng và sống lâu tới ngàn tuổi. Trong bão táp, trải qua bao thế hệ, cây vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa trời, ôm cả một góc quê hương. Cành đa vươn tới đâu chùm rễ nổi đến đó. Từ rễ thành thân, để cây đa có thêm nhiều cội. Có cây tới chín cội lừng lững uy nghiêm. Những cội đa đó như những cánh tay khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn nâng những tán cây lên giữa trời xanh. Ngoài những cội chính đó, còn bao nhiêu là những chùm rễ chùm, rễ phụ buông lơ lửng xòe bay trong gió. Trẻ chăn trâu tha hồ ẩn náu dưới từng cội đó, chơi trò đuổi bắt. Lá đa xanh ngắt bốn mùa gọi chim về làm tổ. Trong vòm lá, chim ríu rít gọi bầy.

Cây đa xuất hiện trong ca dao như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời, đôi khi là cả một vòng đời người.

Trǎm nǎm dầu lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò khác đưa.

Cây đa cũ, bến đò xưa

Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ

Hầu như làng quê truyền thống ở Bắc Bộ nào cũng có những cây đa cổ thụ thường ở đầu làng, cuối làng, giữa làng hay ở bên cạnh các di tích. Đa với tấm thân lực lưỡng, trăm cành hiên ngang và những tán lá quanh năm xanh ngắt, để bóng mát cho đời. Đa càng sống lâu càng xum xuê, cao vòi vọi mang giá trị tinh thần không sao tính được, đa là cây cao bóng cả của làng. Chim muông tìm đến cành đa làm tổ, người thương lấy gốc đa làm nơi hò hẹn, đợi chờ. Những trưa hè oi nồng, gốc đa là nơi dừng chân cho bao lữ khách. Quán nước ven đường, bên gốc đa ấy râm ran chuyện làng, chuyện xóm. Bát nước chè xanh hay bát nước vối đặc đã xua đi bao gian khó nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh. Cổng làng bên cạnh gốc đa, nơi thuở thiếu thời ta mong ngóng mẹ đi chợ về, có gió cành đa vỗ về, để đến bây giờ cái cảnh ấy vẫn hoài niệm canh cánh bên lòng… 

Cây đa, bến nước, mái đình

Làng tôi cũng có một cây đa như thế. Mọc ngay đầu làng, gần miếu thiêng, cây đa quê tôi có tán rộng, thân to, phải năm sáu người ôm mới xuể, lá xanh tốt tỏa bóng một vùng. Nhớ những bác nông dân đi cày, dắt trâu qua cây đa không thể không dừng chân, uống bát nước chè xanh của bà hàng nước, châm điếu thuốc lào khoan khoái rồi về. Những chú trâu cũng có cơ hội nghỉ ngơi dưới gốc đa. Nhớ các bà, các mẹ mỗi buổi đi làm đồng về giữa trưa hè oi ả, đều ngồi nghỉ dưới gốc đa cho ráo mồ hôi trước khi về nhà. Nhớ những lần chợ phiên diễn ra tấp nập, đông vui dưới gốc đa làng. Nhớ tuổi thơ chúng tôi thường tụ tập dưới gốc đa vào mỗi trưa hè, mỗi đêm trăng để chơi đánh khăng, đánh đáo, chơi những trò chơi tập thể khá vui nhộn. Mỗi buổi chiều về, dưới tán đa xòe rộng râm mát, lũ trẻ chúng tôi sau khi cho trâu tắm mát thì tụ tập để thả diều. Đôi khi còn mạo hiểm trèo vào lòng cây đa, đu dần lên cao để tìm tổ chim, tổ sáo và hái quả đa chín ăn vừa thơm vừa ngọt. Thời chúng tôi, đứa nào sinh ra cũng quấn quýt với gốc đa, bóng đa, để rồi tuổi thơ mình trói vào đó bao kỷ niệm.

Gốc đa quê tôi còn là nơi hò hẹn và ghi dấu biết bao mối tình. Dưới đêm trăng, bên gốc đa, những đôi trai gái gặp gỡ, thề hẹn và trao nhau mối tình đầu. Họ lấy nơi đây, bên cây đa làng làm nơi bắt đầu cho một tình yêu đẹp. Cây đa như một chứng nhân cho biết bao mối tình của trai gái làng tôi. Rồi mỗi khi về làng, đi qua cây đa, họ đều cảm thấy cần phải cúi đầu kính cẩn, thấy lòng mình rưng rưng một nỗi niềm.

Bố tôi bảo có bao lớp thanh niên làng từ gốc da này lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ông tôi khoác súng từ đây ra đi và không bao giờ trở về. Bố tôi cũng được mẹ tôi tiễn từ gốc đa này. Đến đời tôi, cây đa tiễn tôi vào đại học.

Mỗi lần về quê, từ xa tôi đã thấy cây đa như chiếc ô khổng lồ in trên nền trời. Thấy bóng đa như thấy nhà mình, quê mình và bao người thân mình ở đó.  

Thế nhưng, cây đa ấy giờ không còn nữa! Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, cây đa cổ thụ đã biến mất nhường chỗ cho con đường mới mở. Cây đa làng xưa chỉ còn trong hoài niệm. Nhớ về cây đa làng lòng tôi bỗng quặn lại, có cái gì đau nhói tận con tim…

T.H

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

NỔI BẬT TRANG CHỦ