(Tổ Quốc) - Đó là tâm trạng chung của những vị khách mời đặc biệt khi đến dự chương trình Như hoa mùa Xuân do Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức vào sáng 24/3 nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2019).
Những vị khách mời này đều là các cán bộ, chiến sĩ đã từng có thời gian công tác và thân nhân của những người lính đang ngày đêm canh giữ tại các vị trí trọng yếu thuộc quần đảo Trường Sa. Trong buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa này, họ đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vô cùng xúc động về cuộc sống của những người lính đảo.
Các khách mời đến dự tại Chương trình.
"Khổ mọi mặt nhưng quân và dân luôn đồng lòng"
Nhớ lại những ngày đầu xây dựng cơ sở hạ tầng trên quần đảo Trường Sa, Thiếu tá Trần Văn Toàn (Giáo viên Trường Trung cấp nghề số 10, Bộ Quốc Phòng – nguyên chiến sĩ Trường Sa từ năm 1992 - 1994) cho biết, thời đó, để xây dựng được những công trình ở ngoài đảo các anh đã vô cùng vất vả.
"Việc vận chuyển các trang thiết bị, vật liệu xây dựng từ tàu vào đến đảo là một thử thách hết sức gian nan. Thậm chí, nhiều lúc còn phải dầm trong nước cả ngày để chuyển từng bao xi măng vào đến khu vực đảo. Những kỷ niệm đó không bao giờ chúng tôi có thể quên được" – Thiếu tá Toàn chia sẻ.
Mới đây, sau 26 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân ra đảo Trường Sa, anh Toàn cùng đồng đội của mình đã có cơ hội được quay lại nơi này. "Cảm xúc của tôi trước chuyến đi đó rất khó diễn tả, cả mấy ngày không ngủ được vì sắp được ra thăm những đồng đội đã nằm lại nơi đây. Khi đặt chân lên đến đảo, việc đầu tiên tôi làm đó là thắp hương cho đồng đội của mình. Cảm xúc của tôi lúc đó giống như được quay lại mấy chục năm về trước" – chiến sĩ Trường Sa này kể lại.
Nguyên là Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, Thượng tá Đỗ Thế Tuyến (hiện đang là cán bộ Cục Quân Huấn, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc Phòng) chia sẻ, nhiệm vụ của lính đảo Trường Sa thời bình cũng rất gian nan và vất vả.
"Ngoài việc giữ chủ quyền để nhân dân Việt Nam ra khai thác và đánh bắt hải sản, quân và dân Trường Sa còn có nhiệm vụ hỗ trợ, cấp cứu ngư dân khi gặp nạn. Hằng năm, tại đảo Trường Sa lớn, chúng tôi đã cấp cứu cho hàng ngàn ngư dân và tàu cá khi gặp sóng to gió lớn" – Thượng tá Tuyến cho hay.
Thượng tá Tuyến cho biết thêm, cuộc sống ngoài đảo của quân và dân Trường Sa đó là tình cảm sẻ chia. Giữa quân và dân đồng lòng như một, lúc dân đi đánh được cá cũng biếu tặng các chiến sĩ. Ngược lại, khi chiến sĩ tăng gia sản xuất được bó rau cũng biếu lại cho người dân.
Phía sau những người lĩnh đảo là hậu phương vững chắc
Rất nhiều vị khách mời đã tặng lại cho Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam những kỷ vật liên quan đến đảo Trường Sa.
Được Tổ quốc, nhân dân yêu thương, bao bọc là như vậy, thế nhưng điều mà những người lính đảo buộc phải chấp nhận đó là việc xa người thân, xa gia đình. Để cho họ có thể yên tâm canh giữ bầu trời tổ quốc, đằng sau đó là sự hi sinh, chấp nhận của biết bao người mẹ, người vợ.
Chị Phùng Thị Ánh Nguyệt, giáo viên Trường THCS Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội – vợ của Thượng úy Vũ Văn Đại, Trung đội trưởng đảo Đá Tây A thuộc quần đảo Trường Sa chia sẻ, buồn nhất là những lúc sinh con mà không có chồng ở bên cạnh để quan tâm, chăm sóc.
Chị Nguyệt và anh Vũ có hai đứa con, đứa 5 tuổi và đứa mới 2 tháng tuổi. Khi đứa lớn hỏi về bố, chị Nguyệt nhiều lúc không giấu được cảm xúc của mình. Ấy vậy mà, để chồng mình được yên tâm công tác, phục vụ bình yên cho bầu trời tổ quốc, chị đã phải kìm nén hết tất cả. "Những lúc anh gọi về, mẹ con luôn phải vui tươi để anh quên đi nỗi nhớ" – chị Nguyệt kể trong xúc động.
Tương tự như hoàn cảnh của chị Nguyệt và anh Vũ, chị Đỗ Thị Thơm (giáo viên Trường Mầm non Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) và Trung úy Nguyễn Viết Tưởng (Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải Quân, Trường Sa, Khánh Hòa) đã có 8 năm về chung sống với nhau nhưng anh Tưởng chỉ về thăm nhà vẻn vẹn được 4 lần.
Dẫu vậy, chị Thơm vẫn chưa bao giờ giận hay trách chồng dù nhiều đêm cả mấy mẹ con ôm nhau khóc vì nhớ bố. Khi người dẫn chương trình đọc dòng chia sẻ của chị trên mạng xã hội mà nhiều người đã không cầm được nước mắt. Ở dưới những bức ảnh bố đang tập bơi cho con, bố đến trường đón hai mẹ con đó là dòng trạng thái rất xúc động của chị Thơm: "Đến bao giờ mới được như thế này nữa nhỉ?".
Khách mời đến dự chương trình "Như hoa mùa Xuân" cũng đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện hết sức cảm động về gia đình hay cuộc sống của cá nhân những người lính đảo. Chắc chắn rằng, những đoàn viên thanh niên, tất cả mọi người có mặt tại chương trình khi được nghe những chia sẻ này sẽ biết quý thêm nữa cuộc sống bình yên mà gia đình, cá nhân những người lính đảo đang ngày qua ngày hi sinh để đổi lấy.