• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhớ mãi vị Thủ tướng giản dị, để lại nhiều dấu ấn

Thời sự 22/03/2018 22:31

(Tổ Quốc) -Vào ngày 17 tháng 3 năm 2018, thông tin nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từ trần, đã để lại bao ngậm ngùi, thương tiếc trong lòng cán bộ, nhân dân về hình ảnh một vị Thủ tướng không những gần dân mà còn có nhiều dấu ấn, đóng góp cho nền kinh tế nước nhà.

Khi còn giữ trọng trách là Thủ tướng Chính phủ, với gần trọn hai nhiệm kỳ (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xin từ nhiệm trước một năm), ông đã để lại dấu ấn cá nhân đậm nét cho nền kinh tế Việt Nam, với bình quân tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giữ được ổn định, trung bình 7%/năm. Nền kinh tế vừa giữ được tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo được ổn định vĩ mô, vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng. Đóng góp quan trọng không thể không kể đến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vào phát triển kinh tế nước nhà chính là việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999, đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại "giấy phép mẹ", "giấy phép con", là cơ sở, nền tảng cho sửa đổi các chính sách kinh tế sau này.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. ẢnhReuters - Phượng Nguyễn.

Về đối ngoại, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng tạo một “bước ngoặt” lịch sử góp phần cải thiện mối quan hệ giữa Việt - Mỹ, được báo chí trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đó là chuyến thăm của ông tới Hoa Kỳ vào năm 2005. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ mang tính bước ngoặt bởi là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam hội đàm với Tổng thống Mỹ George Bush tại Nhà Trắng kể từ khi kết thúc chiến tranh năm 1975. Dưới thời của ông, Hiệp định Thương mại song phương (BTA) được ký kết, hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO cuối năm 2006…

Ghi nhận những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tại Lễ truy điệu, trong Lời điếu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đoạn: “Trên các cương vị là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị; Phó Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ, Đồng chí luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử”. 

Là Thủ tướng Chính phủ trong suốt 9 năm, để lại nhiều dấu ấn với đất nước như vậy, nhưng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn là người vô cùng bình dị và gần gũi với nhân dân. Nếu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được người dân gọi với cái tên Sáu Dân, thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được người dân gọi bằng cái tên ông Sáu Khải, Hai Khải. Không dễ gì một người từng kinh qua những năm tháng lãnh đạo đất nước lại được người dân gọi bằng cái tên bình dị, thân thương đầy chất “Nam bộ” như thế.

Không phải đến khi ông mất thì những câu chuyện, những cử chỉ gần gũi, giản dị nhưng cao đẹp, nhân ái mới được nhiều người nhắc đến. Mà ngay cả khi ông còn sống, khi ông đã rời cương vị lãnh đạo đất nước để trở về với cuộc sống thường ngày thì những điều chân thành, giản dị và sâu sắc ấy đã hiển hiện như một lẽ tự nhiên. Ông có thể đi xe đạp điện đến hiệu cắt tóc bình dân, có thể ngồi uống cà phê nói chuyện với những người già trong làng… Sự ấm áp và cao đẹp này không ồn ào mà như mạch nước ngầm âm thầm chảy.

Trong hai ngày Quốc tang đã có hàng trăm nghìn lượt người đến tiễn đưa nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Từ Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đoàn Chủ tịch nước; Đoàn Chính phủ; Đoàn Quốc hội; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đoàn đại biểu của các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể của Trung ương, các địa phương trong nước, đến các đoàn quốc tế đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Cùng với đó, tại Hà Nội, tại quê nhà và các đại sứ quán tại nhiều nước cũng diễn ra Lễ viếng.

Và trong số những người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có rất nhiều người dân. Họ có thể là người đã từng được gặp, được nói chuyện với ông, hoặc chưa từng được gặp ông nhưng kính trọng về con người, cốt cách của ông mà đến viếng. Để một người dân áo vải đến bất cứ đám tang nào, nhất là với người từng nắm giữ những chức vụ đã không còn vướng bận quan trường thì không có mệnh lệnh nào ngoài mệnh lệnh và sự hối thúc của trái tim để người còn sống đến đưa tiễn người đã khuất.

Vẫn biết, quy luật sinh, lão, bệnh, tử không tránh khỏi của kiếp người, nhưng dẫu ông có trở về đất mẹ thì những gì ông để lại cho đất nước, hình ảnh ông để lại trong lòng người dân vẫn sẽ còn được nhắc đến nhiều như trong Lời điếu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Anh ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến của Anh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta mãi mãi in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ