(Tổ Quốc) - Ít tai biết được rằng, đằng sau những tiếng cười, tràng pháo tay tán thưởng, ánh đèn sân khấu lung linh là cả một quá trình nỗ lực vất vả với biết bao nhọc nhằn của các nghệ sĩ xiếc ngay từ lúc bước chân vào nghề.
Tự lập lúc lên 10
Vào một ngày cách đây hơn 10 năm, cô bé Hồ Thị Thu Thùy (SN 1999, Gia Lai) được bố mẹ dẫn đi xem chương trình xiếc của đoàn nghệ sĩ Trung ương về diễn tại địa phương. Sau lần xem đó, những hình ảnh của các nghệ sĩ xiếc lúc nào cũng ẩn hiện trong tâm trí của Thùy.
Nghệ sĩ Xiếc trẻ Hồ Thị Thu Thùy đang miệt mài tập luyện cho tiết mục của mình. Ảnh: Minh Khánh |
Năm 9 tuổi, cô gái người Tây Nguyên đã có một quyết định mà ở tuổi của em, chắc chắn những bạn đồng trang lứa không bao giờ có thể nghĩ đến. Rời mảnh đất đầy nắng gió, Thùy khăn gói ra Hà Nội thi vào Trường Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ để theo đuổi đam mê của mình.
Thời điểm đó, Xiếc vẫn đang là một nghề rất “hot”, được xã hội quan tâm và đón nhận, mỗi một chương trình được tổ chức thường thu hút rất nhiều khán giả đủ mọi lứa tuổi. Nhớ lại quá trình 10 năm khổ luyện, Thùy chia sẻ: “Những ngày đầu ra Hà Nội, nỗi nhớ nhà, bố mẹ, bạn bè khiến em khóc suốt, nhiều lần muốn bỏ cuộc. Rồi kể cả những khi đau ốm, phải nghỉ do chấn thương cũng khiến em không biết bao phen nản lòng.”
Không phải xa gia đình như Thùy, thế nhưng chàng trai Tạ Đình Huy (SN 2000, Gia Lâm, Hà Nội) cũng phải tập cho mình một cuộc sống tự lập ngay từ năm 11 tuổi. Đã hai lần gãy tay phải nghỉ hàng tháng trời, thế nhưng tình yêu với nghề xiếc đã tiếp thêm sức mạnh để em có thể tiếp tục đến ngày hôm nay.
Rủi ro có thể ập đến bất kỳ lúc nào
Có thể khẳng định, đằng sau những ánh hào quang, sự hy sinh, mất mát của nghệ sĩ Xiếc Việt Nam là cả một câu chuyện rất dài với biết bao cay đắng. Những rủi ro có thể đến bất kỳ với nghệ sĩ nào kể cả khi đã trưởng thành. Trong lịch sử nghệ thuật xiếc Việt Nam, từng có không ít nghệ sĩ đã gặp những tai nạn cả khi tập luyện cũng như khi diễn trước khán giả.
Chỉ mới 7 năm theo nghề, thế nhưng nghệ sĩ Xiếc trẻ Tạ Đình Huy (Hà Nội) cũng đã hai lần gãy tay phải bó bột, nghỉ hàng tháng trời. Ảnh: Minh Khánh |
Điển hình phải kể đến là trường hợp của nghệ sĩ Lê Hương (Đoàn Xiếc TP.HCM) biểu diễn tiết mục nhào lộn, chị không may bị quật văng gãy xương vai phải bỏ nghề vĩnh viễn. Hoặc như nghệ sĩ đu dây Hồng Vân với cú ngã kinh hoàng từ trên đỉnh rạp xuống đất dẫn tới chấn thương đầu, mất trí nhớ trong một thời gian dài và phải từ bỏ nghề.
Đến ngay cả NSND Vũ Ngoạn Hợp – từng là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, dù đã có thâm niên và giỏi nghề nhưng ông cũng từng có gần 10 lần bó bột do khi tập luyện, bị gãy tay, chân khi còn là một diễn viên xiếc tung hứng, nhào lộn, ảo thuật.
Cũng phải kể thêm một trường hợp theo nghề xiếc nữa rất tiêu biểu, và chị phải bỏ nghề, đó chính là NSƯT Tuyết Hoàn. Cách đây vài năm, sau một cú ngã trong quá trình tập luyện, NSƯT Tuyết Hoàn đã bị chấn thương và cuộc đời chị từ đó phải ngồi trên chiếc xe lăn.
Nhọc nhằn tuyển chọn nghệ sĩ Xiếc trẻ
Phải nói rằng, với cái giá đánh đổi quá lớn để trở thành nghệ sĩ Xiếc chuyên nghiệp, như thời điểm của xã hội hiện nay, ít ông bố, bà mẹ nào có thể chấp nhận để cho con mình theo đuổi nghề khắc nghiệt và đầy rủi ro này.
Công tác tìm kiếm, đào tạo nghệ sĩ Xiếc trẻ có đủ lòng kiên nhẫn, đam mê với nghề đang ngày một khó khăn. Ảnh: Minh Khánh |
NSƯT, TS Hoàng Minh Khánh – Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ cho biết: “Nghệ thuật biểu diễn xiếc đối với xã hội trong giai đoạn hiện nay không còn là một nghề "hot" nữa, học sinh trường xiếc hiện nay chủ yếu là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Do vậy, công tác tuyển sinh hằng năm kéo rất dài về thời gian, thông thường từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 7.”
Cùng với đó, công tác đào tạo đối với các em học sinh trường Xiếc cũng có một đặc thù rất riêng. Đối với các lĩnh vực đào tạo khác thì mỗi giáo viên có thể giảng dạy cho 40 – 50 em một lần, học sinh trường xiếc phải học với sự tham gia giảng dạy của 10 giáo viên. Có một thực tế rằng, nghệ sĩ xiếc càng ngày càng ít, về lâu về dài thì việc tìm kiếm được giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề là một điều được dự báo rất khó khăn.
Ở thời điểm hiện tại, tuy xiếc không còn “hot” nhưng số lượng các bạn trẻ đam mê nghề Xiếc vẫn không phải là ít. Theo ông Hoàng Minh Khánh, mùa tuyển sinh năm học 2018 – 2019 đang được Nhà trường triển khai. Trong số 5.764 em đăng ký dự tuyển thì đã có 540 em qua vòng tuyển sơ tuyển. Dự kiến ngày 15/7 tới chúng tôi sẽ tuyển tiếp để lựa chọn lấy 35 em vào học chính thức của năm nay. Tuy nhiên, để đào tạo được 35 em này trở thành nghệ sĩ Xiếc chuyên nghiệp với tỷ lệ 100% đó là chuyện không hề đơn giản.
Thế Công