(Cinet) - Đến những vùng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào Khmer sinh sống trong những ngày này, không khí Tết cổ truyền dân tộc Chôl Chnăm Thmây đang rất nhộn nhịp.
Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của đồng bào Khmer có nghĩa là lễ vào năm mới, được kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16/4 dương lịch hàng năm. Trong giờ giao thừa giữa năm cũ và năm mới, những chàng trai, cô gái, già, trẻ trong trang phục truyền thống của dân tộc Khmer, tập trung đến chùa thỉnh các vị chư tăng tụng kinh để tiễn đưa Têvađa (Chư thiên) năm cũ và đón mừng Têvađa năm mới hay còn gọi là tiễn đưa Maha-song-krane (Đại lịch).
Dâng cơm lên sư sãi trong ngày Tết là một trong những hoạt động chính nhằm hồi hướng quả phúc đến ông bà, tổ tiên và những người đã khuất của người Khmer. Ảnh: giacngoonline. |
Tại điểm đón giao thừa vào đêm 14/4, ở các chùa, sư sãi đánh trống hoặc đánh chuông và tụng kinh để đón Têvađa năm mới. Còn ở nhà, đồng bào phật tử thắp nhang, đốt đèn cầy, bánh trái, nước hoa, để cầu mong cho gia đình năm mới được hưởng nhiều may mắn và mọi sự tốt lành.
Bước vào ngày đầu tiên của Tết Chôl Chnăm Thmây, buổi sáng và trưa đồng bào Khmer ở các phum sóc (tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình) dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường cho các vị chư tăng, làm nghi thức của Phật giáo. Còn tại khuôn viên chùa có tục đắp Phnum-pon (đắp 1.000 núi tháp) bằng đất cát mang tính tượng trưng theo sự điều hành của các vị Achar. Ở một số nơi, người ta đắp núi tháp bằng lúa. Đêm về, nghe các vị sư tụng kinh cầu an năm mới, cầu cho quốc thái dân an và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh), rồi được nghe các vị thuyết pháp về ý nghĩa của lễ Chôl Chnăm Thmây và sau đó thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát rom-wong, sara-vanh trước sân chùa.
Sang ngày thứ hai của năm mới gọi là ngày Virer-vona-both, đồng bào Khmer tiếp tục dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường cho các vị chư tăng. Theo các vị Achar, các ngày lễ phật tử đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo.
Ngày thứ 3 gọi là ngày Lơng-sắk, tức là ngày chuyển sang niên lịch mới. Ở ngày này, từ buổi sáng, trưa đến chiều, đồng bào phật tử dâng cơm, lễ vật, nước hoa, bánh trái đến chùa để cúng Phật và dâng đến các vị chư tăng. Tiếp theo đó, tiến hành làm lễ chắk kompi (tục bốc thăm) và thỉnh các vị chư tăng thuyết pháp theo Satra-slấk ríth (loại thư viết trên lá buông) nói về tiền kiếp của đức Phật (chuyện Prés-vếson-đo).
Trong những ngày diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây, nhà chùa còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phong phú và đa dạng, hấp dẫn. Sôi động nhất là các trò chơi dân gian, như: kéo co, nhảy bao, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, bịt mắt đập nồi đất, đua ghe ngo trên cạn, giấu khăn, đẩy gậy, hát múa… với nội dung đua tài, tranh sắc, hẹn hò với nhau và hy vọng năm mới sẽ tốt đẹp hơn, thu hút nhiều thanh thiếu niên tham gia.
Những ngày này, phum, sóc của đồng bào Khmer rộn ràng trong không khí đón Tết. Ảnh: giacngoonline. |
Việc tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây trên tinh thần vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm, nhưng mang nhiều nội dung, ý nghĩa thiết thực, góp phần và phát huy bản sắc và tôn vinh văn hóa dân tộc càng thêm phong phú, đa dạng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng nói chung và đồng bào Khmer nói riêng.
Đây cũng là dịp để giáo dục con cháu thế hệ mai sau phải có lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, những bậc ân nhân của mình. Và cũng để đồng bào quy tụ, sum họp gia đình, gặp gỡ bè bạn, mừng tuổi, mừng những thành quả qua một năm lao động sản xuất, kinh doanh, học tập… Qua đó, hướng mọi người làm những việc thiện để năm mới bản thân và gia đình được hưởng an vui và hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn. Mặt khác, Tết Chôl Chnăm Thmây còn là ngày hội văn hóa, là dịp để dân tộc Khmer đoàn kết gắn bó, giao lưu với các dân tộc anh em sống trong đại gia đình Việt Nam.
Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, dịp đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, tỉnh Sóc Trăng đã lập nhiều đoàn công tác đi chúc mừng, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sỹ, người uy tín tiêu biểu, gia đình chính sách, có công với nước là người dân tộc Khmer; nhiều công trình, phần việc hỗ trợ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, thắp sáng đường quê… đã được gấp rút hoàn thành, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Sóc Trăng khang trang, sạch đẹp, vui tươi hẳn lên.
Nói về các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nhiều năm qua, Sóc Trăng đã thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào. Các Chương trình 134, 135, 167 đầu tư phát triển vùng đồng bào đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, vốn, con giống cây trồng… ở vùng đồng bào Khmer nhờ đó diện mạo nông thôn của vùng đồng bào Khmer đã có nhiều đổi thay, mức sống, mức hưởng thụ cả về vật chất lẫn tinh thần của bà con ngày một nâng cao...
Lan Anh (tổng hợp)