• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Nhốt quyền lực vào lồng” và Chính phủ kiến tạo

Thời sự 22/04/2018 07:59

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải đưa hình ảnh nàng Kiều bán mình vào bài phát biểu, để khái quát một cách đầy ám ảnh về tệ nhũng nhiễu trong xây dựng.

Nỗi bức xúc của “Vua hầm đường bộ Việt Nam”

Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vừa qua, và đã có những thông điệp hết sức mạnh mẽ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát. Từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, nghiên cứu dự án, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu... đều có hình bóng của tiêu cực. Chúng ta phải chống cái này cho bằng được.

Có lẽ nhờ tinh thần quyết liệt của Thủ tướng là “cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan, đơn vị nào ngâm hồ sơ đầu tư xây dựng”, “nói thẳng ra những thông tư, nghị định nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia để tháo gỡ”, nên tham luận của một số doanh nghiệp, cũng tỏ ra không e ngại với vùng cấm.

 Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Trong văn bản chính thức gửi đến Hội nghị, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả - doanh nghiệp được mệnh danh “Vua hầm đường bộ Việt Nam” đã chỉ đích danh tên nhà quản lý và các thông tư, quyết định có dấu hiệu “ngâm hồ sơ đầu tư xây dựng”.

Đó là việc Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 4255 ngày 01/12/2015 sau đó đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì đây chỉ là văn bản hành chính thông thường nhưng lại chứa đựng các quy định mang tính quy phạm pháp luật.

Cũng chính Quyết định này có nhiều nội dung “vi phạm nghiêm trọng”, can thiệp vào hoạt động của Nhà đầu tư trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.

Mặc dù cơ quan liên quan đã thừa nhận sai sót, sẽ rút kinh nghiệm và xử lý trong thời gian sớm nhất nhưng đến nay đã gần 2 năm trôi qua mà văn bản này vẫn “ngang nhiên tồn tại, gây cản trở, khó khăn, thiệt hại rất nhiều về tiền của, thời gian cho doanh nghiệp Đèo Cả - một đơn vị đang tranh thủ từng giờ quyết tâm về đích trước thời hạn các công trình trọng điểm quốc gia”, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Đèo Cả cho biết.

Theo quan điểm của doanh nghiệp Đèo Cả, tên gọi Bộ Giao thông vận tải sinh ra là để giải quyết ách tắc giao thông, góp phần khơi thông huyết mạch kinh tế, nhưng thật đáng tiếc, tiến trình giải quyết ách tắc ở Bộ này lại đang… bị tắc.

Bộ này đã ban hành Thông tư số 35 ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh nhưng lại bỏ lọt đối tượng áp dụng là các dự án hầm đường bộ nói chung trong đó có Dự án hầm đường bộ Đèo Cả. 

"Ai ngâm lâu hồ sơ, đúng quy chế kỷ luật thì phải xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Ta chống cái làm chậm, ngâm lâu, phải yêu cầu làm nhanh nhưng không được làm ẩu, trái pháp luật" (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).

Sự “lọt lưới” khó hiểu này khiến Bộ Giao thông vận tải bắt doanh nghiệp Đèo Cả chỉ được thu phí với giá ngang bằng với giá các dự án đường quốc lộ và đường cao tốc (trong khi đây là dự án hầm đường bộ có quy mô lớn, suất đầu tư cao hơn rất nhiều so với các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc).

Và lẽ dĩ nhiên, sự áp chế này sẽ tác động tiêu cực đến nguồn thu, gây thiệt hại cho Nhà đầu tư, buộc Nhà nước phải tính toán bù ngân sách.

Câu chuyện bỏ quên một loại dự án quan trọng đã khó hiểu, nhưng càng khó hiểu hơn khi người có trách nhiệm chính lại tỏ ra đủng đỉnh với việc sửa đổi thông tư.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì “Cần đánh giá lại tổng thể dự án trong bối cảnh khó khăn về thu phí và hệ quả của việc thu hồi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, sự khác biệt về tính chất, quy mô đầu tư của hầm so với đường để xác định giá thu phù hợp”, nhưng nhiều tháng qua, người được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vẫn chưa đưa ra được phương án cuối cùng, dù Bộ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, lấy ý kiến.

Trong bản tham luận của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã đề xuất với Chính phủ một vấn đề thẳng thắn rất hiếm thấy trong một môi trường kinh doanh mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng luôn nghĩ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”:  “Với thực trạng vô cảm trước lãng phí, đùn đẩy trách nhiệm của nhiều lãnh đạo chỉ đạo các dự án BOT trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, chúng tôi thiết nghĩ cần có sự xem xét đánh giá của Chính phủ về việc thực thi công vụ của Bộ Giao thông vận tải tại các dự án bị chậm để tháo gỡ, tránh thất thoát lãng phí kéo dài. Nếu tranh chấp tại tòa án thì đề nghị người trực tiếp điều hành dự án gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường…”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

“Nhốt quyền lực vào lồng” và Chính phủ kiến tạo

Nhiều chuyên gia đã phân tích: Phía sau việc “hành là chính” của cơ quan công quyền, có bóng dáng của tiêu cực hoặc năng lực kém, hoặc cả hai.

Chuyện tiêu cực, cửa quyền đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới nhiều lần.

“Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được”.

Việc thúc đẩy Chính phủ kiến tạo, chính là việc tạo ra thể chế, cơ chế để “nhốt” quyền lực vào lồng.

Khi quyền lực bị kiểm soát thì người dân và doanh nghiệp mới được kiến tạo thực sự để cống hiến cho đất nước.

Khi những nhân vật năng lực kém phải dẹp sang một bên, nhường chỗ cho người làm thực, thì con đường phát triển sẽ hanh thông.

Dù việc giữ ghế để cửa quyền hay thiếu năng lực vẫn cố bám ghế, đều là biểu hiện rất rõ của tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực không chỉ làm tổn thất tiền bạc của dân mà còn lãng phí cơ hội phát triển của đất nước.

Việc một doanh nghiệp dám góp ý bằng giấy trắng mực đen dấu đỏ, chỉ rõ bất cập của cơ quan quản lý lẫn cá nhân nhà quản lý, trong một hội nghị trực tuyến rộng rãi, đã chứng minh rất rõ một điều: Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo, và cái kiến tạo đầu tiên chính là kiến tạo một môi trường bình đẳng, dân chủ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra".

Khi môi trường bình đẳng, dân chủ được thiết lập, thì tham nhũng quyền lực sẽ không còn đất sống, các công bộc mờ ám sẽ không thể ra giá như ngày xưa đã ra giá lo lót cho Thúy Kiều: “Tính bài lót đó luồn đây. Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Trong một hội nghị rất nhiều con số và các vấn đề cần tháo gỡ, câu lẩy Kiều của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất ngắn gọn nhưng đã gói ghém đủ cả một vấn nạn cần giải quyết lẫn nỗi khổ chờ dài cổ, thiệt hại đủ đường của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngọc Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ