• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhu cầu học tiếng Anh tại Việt Nam gia tăng: Cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài

Kinh tế 30/06/2023 10:10

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu học tiếng Anh tại Việt Nam ngày càng được tăng cường. Do đó, mảng dạy tiếng Anh đang là một thị trường lớn cho các công ty nước ngoài gia nhập, theo Vietnam-Briefing.

Nhiều động lực thúc đẩy nhu cầu học tiếng Anh

Đầu tiên, Vietnam-Briefing kể đến bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Ước tính có khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới nói tiếng Anh. Đây là ngôn ngữ chính thức ở 67 quốc gia và là ngôn ngữ thứ hai ở 27 quốc gia. Hơn nữa, với sự mở rộng của nền kinh tế kỹ thuật số, tiếng Anh càng trở nên quan trọng hơn khi phần lớn thông tin trực tuyến được viết bằng ngôn ngữ này.

Tiếng Anh cũng rất quan trọng khi đi du lịch, với khoảng 350 triệu người giao tiếp bằng tiếng Anh trong tổng số gần 7 tỷ người sinh sống trên thế giới ngày nay. Đặc biệt, tiếng Anh cũng đóng vai trò là ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp kinh doanh nên việc biết Tiếng Anh là một kỹ năng thiết yếu cho các chuyên gia trên toàn thế giới.

Thêm vào đó, môn tiếng Anh cũng là một yêu cầu để vào đại học. Khung trình độ quốc gia Việt Nam, được đưa ra vào năm 2016, đặt ra các tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ để vào đại học. Yêu cầu tối thiểu là trình độ ngoại ngữ đạt 3 trên 6, tương đương với Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu cấp độ B1.

Nhu cầu học tiếng Anh tại Việt Nam gia tăng: Cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh 1.

Nhu cầu về Tiếng Anh tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Ảnh: Vietnam Briefing.

Hầu hết các trường đại học hiện nay đều đang hướng tới sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL và APTIS. Nhiều tổ chức cũng yêu cầu trình độ thông thạo Tiếng Anh cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến ngoại ngữ, các chuyên ngành "hot", chương trình liên kết và một số ngành nhất định trong lĩnh vực kinh tế.

Ngưỡng điểm Tiếng Anh cũng đang khác nhau giữa các trường, tuy nhiên, thường yêu cầu IELTS từ 5,5 đến 6,0 và TOEIC từ 450 đến 550. Các tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ này được coi là công cụ có giá trị để sinh viên tự tin gia nhập thị trường việc làm sau khi tốt nghiệp và theo đuổi các vị trí được trả lương cao hơn và để được tuyển dụng trong các doanh nghiệp đa quốc gia. Bên cạnh đó, trong thị trường việc làm, những người có kỹ năng tiếng Anh cũng được trả nhiều tiền hơn. Theo Lương Tú Anh, CEO công ty chuyên về hỗ trợ thuê ngoài nhân sự Mắt Bão BPO, cho biết kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và trình độ tiếng Anh tối thiểu B2 là rất quan trọng khi ứng tuyển vào một số vị trí.

Hơn nữa, một cuộc khảo sát do Navigos Group thực hiện cho thấy 60% cơ hội việc làm yêu cầu kỹ năng ngoại ngữ, trong đó 31% yêu cầu kỹ năng giao tiếp cơ bản, 22% yêu cầu khả năng đọc hiểu và 13% yêu cầu thông thạo tất cả các kỹ năng.

Khảo sát này cũng tiết lộ rằng 95% ứng viên không có kỹ năng ngoại ngữ có mức lương dưới 10 triệu đồng (424 USD), trong khi 37% ứng viên có kỹ năng ngoại ngữ thông thạo kiếm được mức lương trên 10 triệu đồng (424 USD). Những phát hiện này cho thấy rằng nhân viên có trình độ ngoại ngữ có triển vọng thu nhập tốt hơn.

Một yếu tố nữa là chính phủ cũng đang rất khuyến khích phát triển ngoại ngữ. Chính phủ đã triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Anh. Dự án nhằm mục đích tăng cường dạy và học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, ở tất cả các cấp học. Đề án hiện được điều chỉnh, bổ sung và kéo dài đến năm 2025 với mục tiêu 100% sinh viên Đại học không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Cơ hội nào gia nhập thị trường tiếng Anh tại Việt Nam?

Theo Vietnam Briefing, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của thị trường công nghệ giáo dục (Edtech). Thị trường EdTech toàn cầu được dự đoán sẽ vượt mức 181 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 85,8 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam, nơi tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi như ngôn ngữ thứ hai, có nhu cầu học tiếng Anh đáng kể vì phần lớn dân số dưới 35 tuổi và trình độ tiếng Anh mặt bằng chung vẫn chưa cao. Điều này tạo cơ hội cho sự phát triển của thị trường EdTech, đặc biệt là các ứng dụng dạy tiếng Anh. Đáng chú ý, 3% người dùng hoạt động hàng ngày của ứng dụng Duolingo đến từ Việt Nam.

Một ứng dụng phổ biến khác là Monkey, được phát triển vào năm 2014. Đây là một trong những ứng dụng được người học tiếng Anh tại Việt Nam sử dụng rộng rãi nhất. Đến tháng 7 năm 2021, ứng dụng đã vượt mốc 10 triệu người dùng.

Các ứng dụng khác, chẳng hạn như ELSA Speak, cũng rất phổ biến.

Thêm vào đó, một số trung tâm tiếng Anh nước ngoài cũng đang tạo được ấn tượng tốt với thị trường Việt. Có thể kể đến nhiều cái tên như Anh ngữ Apollo từ năm 1995 – nơi được công nhận là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đào tạo tiếng Anh lâu đời nhất tại Việt Nam, ILA Việt Nam với 43 trung tâm tại 12 thành phố lớn. ILA cũng luôn nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của mình là đội ngũ hơn 700 giáo viên bản ngữ có trình độ và kinh nghiệm. Tất cả các giảng viên được yêu cầu phải có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ cùng với các chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh được quốc tế công nhận.

Một cái tên khác là Hội đồng Anh - tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và giáo dục của Vương quốc Anh. Kể từ khi hiện diện tại Việt Nam vào năm 1993, Hội đồng Anh đã đóng góp đáng kể vào việc giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nhiều sáng kiến văn hóa và hợp tác giáo dục nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Trong bối cảnh thị trường giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam mang đến cơ hội đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài thì các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường này nên đánh giá cẩn trọng khung pháp lý và đảm bảo họ hiểu đầy đủ các yêu cầu để mở một trung tâm đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ