• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhức nhối nạn “tín dụng đen” biến tướng thời Covid

Kinh tế 24/03/2021 10:50

(Tổ Quốc) - Thời gian gần đây đã xuất hiện các thủ đoạn cho vay tiền thông qua những ứng dụng trực tuyến từ các cá nhân, đơn vị không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đây chính là một hình thức biến tướng tinh vi của các tổ chức tín dụng đen, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường với người vay và xã hội.

Tín dụng đen biến tướng

Để tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận khoản vay, ngành tài chính ngân hàng đã áp dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến. Trong đó, việc xây dựng các ứng dụng trực tuyến cho các giao dịch mở thẻ, cho vay trở thành xu hướng tất yếu. Đặc biệt là khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong bối cảnh giãn cách xã hội thì các ứng dụng này trở thành một giải pháp hữu hiệu cho các khách hàng có nhu cầu vay, thanh toán.

Lợi dụng tình hình đó, nhiều tổ chức tín dụng đen đã sử dụng công nghệ để tạo ra các ứng dụng cho vay tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến, nhắm đến nhóm khách hàng có nhu cầu vay "nóng" và không đủ điều kiện để vay vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính thống. Thông thường, khi vay qua các kênh tín dụng đen này, khách hàng có thể được giải ngân rất nhanh và dễ dàng. Tuy nhiên, đằng sau đó là những hệ lụy khó lường như phải gánh chịu lãi suất "cắt cổ", hoạt động thu hồi nợ mang tính chất côn đồ, đe dọa về an toàn tính mạng… Trong trường hợp này, các giao dịch vay vốn qua các kênh cho vay bất hợp pháp sẽ không được pháp luật thừa nhận. Do đó, nếu có phát sinh rủi ro từ hoạt động vay-trả, quyền và lợi ích của người đi vay sẽ không đươc bảo vệ bởi pháp luật.

Đầu tháng 03/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM cho biết đang thụ lý vụ việc cho vay lãi nặng thông qua ứng dụng UVAY do đối tượng Meng Bin (sinh năm 1977, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú quận Bình Thạnh) cùng đồng bọn thực hiện.

Qua xác minh, Công an TP. HCM nhận thấy ứng dụng này trực thuộc Công ty Wandering Earth Company (viết tắt là WEC, trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc) do Meng Bin làm đại diện tại Việt Nam. Công ty WEC đã thực hiện việc cho vay lãi nặng với lãi suất 30%/tháng bằng ứng dụng UVAY và trên 2 trang web thông qua Công ty EFVN, Công ty Hoàng Kim Cát. Công an TP. HCM đã lấy lời khai của 31 người từng vay tiền qua ứng dụng UVAY của các công ty nói trên. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục thu thập thông tin, củng cố chứng cứ để mở rộng điều tra vụ án.

Nhức nhối nạn “tín dụng đen” biến tướng thời Covid - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để ngăn chặn hiện tượng biến tướng tín dụng đen, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang rà soát lại hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động này vì bản chất tín dụng đen là hoạt động phi pháp, các tổ chức tín dụng đen đều không được phép kinh doanh tiền tệ, không được huy động, cho vay. Ngoài ra, NHNN cũng phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn về kỹ thuật để giúp cho người dân nhận biết được đâu là kênh cho vay hợp pháp, đâu là kênh cho vay không chính thức.

Bộ Công an cũng cho biết, trong một năm qua, lực lượng Công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến "tín dụng đen", khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan; điển hình tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 41 đối tượng thiết lập 03 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng (lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm), khởi tố đối với 05 bị can về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến "tín dụng đen", nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên làm biến tướng hoạt động "vay qua app" trên các thiết bị điện tử.

Tỉnh táo nhận dạng biến tướng của tín dụng đen

Để tránh sập bẫy khi vay tiền qua các ứng dụng này thì người dân cần tìm hiểu, lựa chọn các công ty tài chính được cấp phép hoạt động thông qua tra cứu Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… trước khi quyết định vay tiền qua ứng dụng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương lưu ý và khuyến cáo người tiêu dùng không vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có những dấu hiệu sau: các tổ chức, cá nhân không giới thiệu rõ chức năng của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay; không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch, không gửi trước mẫu hợp đồng vay tiền và các nội dung chi tiết để người vay tìm hiểu trước khi giao dịch.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty FE CREDIT – một doanh nghiệp có thâm niên 10 năm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cho biết, người dân cần tỉnh táo tìm đến các công ty tài chính được cấp phép hoạt động, cẩn thận với các ứng dụng, website cho vay tràn lan trên mạng không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay, FE CREDIT đã cho ra mắt ứng dụng cho vay $NAP, ứng dụng này đã giải quyết hầu hết những hạn chế của mô hình cho vay truyền thống và mang đến những trải nghiệm đột phá cho người dùng như tiếp nhận hồ sơ một cách bảo mật, định danh khách hàng bằng nhiều công nghệ thuộc nhóm giải pháp định danh điện tử eKYC tiên tiến.

Có thể thấy, biến tướng của tín dụng đen đang trở nên ngày càng phức tạp với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi để câu dẫn người dùng sa bẫy bằng những thông tin hấp dẫn. Do vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo trong việc phân biệt, lựa chọn thông tin, chỉ vay tiền đối với ngân hàng, các công ty tài chính được cấp phép hoạt động.

Văn Vinh

NỔI BẬT TRANG CHỦ