(Tổ Quốc) - Bất cứ ai cũng nên đi tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo có những người cần nên tiêm ngay lúc này càng sớm càng tốt.
Bộ Y tế thông báo, thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh cúm mùa tăng mạnh. Đặc biệt trong thời điểm từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số ca nhập viện cúm A có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Do đó dẫn đến nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A).
Trước tình hình dịch cúm có nhiều diễn biến mới phức tạp, việc tiêm phòng cúm mùa vào thời điểm này là điều cần thiết giúp bạn phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm, biến chứng nguy hiểm của bệnh. Vậy những ai nên tiêm phòng cúm ngay lúc này?
Các chuyên gia nhận định, bất cứ ai cũng nên đi tiêm phòng cúm. Nếu bạn không nhớ rõ đã bao lâu rồi mình chưa tiêm phòng cúm thì nên tìm lại sổ tiêm chủng để biết chính xác cần đi tiêm ngay hay chưa. Ngoài ra có một số đối tượng cần phải tiêm phòng cúm mùa càng sớm càng tốt.
Những ai nên tiêm phòng cúm ngay lúc này?
1. Trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em ở độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi đang trong thời gian xây dựng hệ miễn dịch. Sức đề kháng của trẻ còn yếu nên rất dễ mắc bệnh.
Cha mẹ cần chú ý cho con đi tiêm phòng cúm sớm. Tuyệt đối không quên tiêm phòng cúm nhắc lại theo yêu cầu của bác sĩ để con giảm nguy cơ lây nhiễm cũng như mắc biến chứng nặng.
2. Người từ 50 tuổi trở lên
Đây là những đối tượng nằm trong nhóm người cao tuổi nên sức đề kháng yếu. Nếu chẳng may nhiễm bệnh cúm mùa thì sức khỏe rất khó lường. Chính vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo nhóm người trong độ tuổi này nên đi tiêm phòng cúm sớm.
3. Người bị bệnh mãn tính
Nhóm người bị bệnh mãn tính như bệnh phổi, hen suyễn, mắc bệnh tim mạch, bệnh gan, thận, thần kinh, huyết học hoặc rối loạn chuyển hóa như tiểu đường... đều cần tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt.
Những người có bệnh lý nền nói chung thường có hệ miễn dịch yếu. Nếu chẳng may bị cúm thì tình trạng dễ diễn biến nguy hiểm hơn người bình thường. Do đó, nhóm người này cũng nên đi tiêm phòng cúm trong thời điểm hiện tại.
4. Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh 2 tuần
Điều này giúp chị em tránh tối đa nguy cơ rủi ro biến chứng bệnh cúm sang cho con mình. Do đó, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm phòng cúm. Đối với phụ nữ sau sinh chỉ cần đợi qua 2 tuần đầu là cũng nên tiêm ngay.
5. Nhân viên y tế
Đây là những người khám chữa bệnh trực tiếp cho nhiều bệnh nhân trong bệnh viện. Nếu để bị nhiễm cúm thì tình trạng rất khó lường. Do đó, nhân viên y tế là đội ngũ cần đảm bảo tiêm phòng cúm sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người xung quanh.
6. Người hay đi du lịch
Dù bạn hay đi du lịch giữa các nước hay di chuyển từ vùng này sang vùng khác tại nước mình thì tiêm phòng cúm luôn được khuyến cáo ngay lúc này. Việc đi lại nhiều làm tăng mối nguy cơ lây nhiễm bệnh nên tiêm phòng cúm càng sớm càng giúp tránh rủi ro.
Phòng chống bệnh cúm mùa như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, ngoài tiêm vắc-xin cúm mùa, mọi người cần hiện tốt các biện pháp sau theo khuyến cáo của Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Ăn uống đủ chất, uống nhiều nước để nâng cao thể trạng.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.