• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những bài học về hiếu, lễ, nghĩa thông qua Tết truyền thống

Văn hoá 29/01/2017 14:00

(Tổ Quốc) -Tết là một ngày lễ quan trọng nhất trong năm đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người từ bao đời nay. Và mỗi dịp Tết đến, những bài học về hiếu, lễ, nghĩa lại được bồi đắp.

Ý niệm về Tết truyền thống được bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cúng ông Táo về chầu trời. Ngày này, các gia đình thường sửa soạn lễ vật và mâm cơm để cúng tiễn những vị thần cai quản, trông coi cho gia đình suốt một năm qua. Sau ngày này, những công việc của Tết bắt đầu được mọi người dần chuẩn bị.

Tết là còn dịp sum họp, đoàn tụ gia đình để những người quanh năm dù có đi xa nhà cũng tự nhắc lòng mình phải mua một chiếc vé, ngồi trên chuyến xe chật chội để trở về quê hương, nơi các thành viên trong gia đình đang đón đợi. Nếu vì một lý do nào đó không kịp trở về đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết truyền thống thì sẽ thấy mình như mắc nợ, như lạc lõng “thiếu quê hương” với chính bản thân và gia đình.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

“Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn” khiến cho hành trình trở về quê hương ăn Tết không chỉ là sự góp mặt đầy đủ mà còn hướng về cội nguồn với lòng biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Ngay từ trước Tết, con cháu thường chuẩn bị quà biếu dành cho cha mẹ, những người cao tuổi, có vai vế trong họ hàng. Còn trong Tết, người cao tuổi trong dòng họ lại được con cháu chúc thọ với lòng thành kính, biết ơn và mong muốn đó là “cây cao bóng cả” để chỉ bảo, truyền lại những kinh nghiệm sống quý báu cho con cháu, là điểm tựa tinh thần cho người đi xa …

Còn với người đã khuất, con cái dù có thành danh đến đâu, giàu hay nghèo thì cũng trở về cúi đầu bên ban thờ tổ tiên để tiếp nối truyền thống dòng họ. Dù bận đến mấy thì trước Tết mọi người cũng dành ra thời gian để trang hoàng lại phần mộ. Vào ngày cuối năm, mâm cơm tất niên lại được sửa soạn để các thành viên trong gia đình cung kính thắp nén hương mời hương linh những người đã khuất cùng sum họp trở về đón Tết với con cháu. Trong ba ngày Tết, trên bàn thờ mỗi gia đình thường có mâm cỗ cúng gia tiên như một nghi lễ bắt buộc cho đến khi tàn hương thì con cháu mới được thụ hưởng. Quan niệm tâm linh cho rằng vào dịp Tết Nguyên đán, hương hồn của tổ tiên sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu và phù hộ cho con cháu những điều tốt đẹp, may mắn.

Ảnh minh họa. Nguồn vietq.vn

Không chỉ dành những nén hương trên ban thờ gia tiên mỗi gia đình mà ngày Tết người người còn đi lễ đình, chùa, đền… để biết ơn các vị thần linh, người có công gây dựng, mở đất và mong các vị tiếp tục cai quản công việc trần gian, phù hộ cho muôn người.

“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” là một truyền thống từ bao đời nay để thể hiện sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với những người có công sinh thành dưỡng dục trong dịp Tết cổ truyền “uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo”. Theo đó, “Mồng một tết cha” là nhắc nhở ngày đầu tiên của năm mới gia đình họ hàng bên nội tập trung để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. “Mồng hai tết mẹ” là họ hàng gia đình nhà ngoại tập trung đông đủ để cúng bái gia tiên và chúc Tết. Riêng với “Mồng ba tết thầy” là dịp học trò đến nhà thầy cô giáo chúc Tết, thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ nên người.

Chúc Tết đầu xuân là một nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Đây là thời điểm để họ hàng, làng xóm đến thăm hỏi, chúc tụng nhau để mối các quan hệ thêm gắn bó đoàn kết. Nhà nào có thêm thành viên mới vào những dịp chúc Tết đầu năm sẽ được giới thiệu và ra mắt kỹ hơn với họ hàng, làng xóm. Nhìn lại một năm đã qua xem những gì đã làm được và chưa làm được để rút kinh nghiệm, cùng nhau tiếp tục phấn đấu. Trong những lời chúc Tết, biết bao lời chúc tốt đẹp luôn được mọi người dành cho nhau trong không khí vui vẻ, hồ hởi... Nhờ chúc Tết đầu năm mọi người biết gia cảnh của nhau, dễ thông cảm, chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Tết Nguyên đán ai ai cũng mong ước về một tương lai tốt đẹp. Những chuyện cũ, những điều chưa tốt đều bị gác lại. Mọi người vào dịp Tết luôn dành lời chúc tốt đẹp, yên lành, an vui cho nhau. Những khoản nợ (thường là nợ tiền) trong năm sẽ được trả hết. Đồ dùng trong nhà sẽ được cọ rửa sạch sẽ, hoặc mua mới. Quần áo mới cũng được các bà, các mẹ chuẩn bị cho từng người, nhất là trẻ con để được tinh tươm trong ngày năm mới.

Mừng tuổi là một tục lệ trong dịp Tết dành cho người già và trẻ em được duy trì từ trước đến nay mỗi dịp Tết cổ truyền về. Mừng tuổi với ý nghĩa mang lại điều may mắn, tốt lành, xua đuổi ma quỷ, trẻ em thì hay ăn chóng lớn, học giỏi. Với người già khi được con cháu mừng tuổi là mừng thêm tuổi thọ, chúc sức khỏe dồi dào. Mừng tuổi thường là tiền mới để trong bao màu đỏ. Tuy nhiên, không nhất thiết và không nặng nề ý nghĩa vật chất. Có thể thay tiền mừng tuổi bằng những món quà khác nhau phù hợp với lứa tuổi. Người được mừng tuổi thấy mình được quan tâm, nỗ lực cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của mọi người.

Nhiều năm trở lại đây, Tết còn là dịp tạo mỹ tục mới với các chương trình từ thiện, quan tâm, san sẻ khó khăn với tinh thần “tương thân tương ái” “lá lành đùm lá rách” tới người nghèo, người khuyết tật… để ai ai cũng có Tết.

Những bài học hiếu, lễ, nghĩa mỗi dịp Tết truyền thống hình thành và được nuôi dưỡng từ bao đời nay, tự nhiên ăn sâu bám rễ đi vào tiềm thức mỗi người, không cần phải cao giọng nhắc nhau, cứ đến dịp Tết Nguyên đán về là những nét đẹp truyền thống lại được khơi dậy, tiếp nối và phát huy.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ