(Tổ Quốc) - Cá nhân, tổ chức của một loạt bộ, tỉnh tiếp tục bị "gọi tên" các sai phạm dù đã về hưu hay đương chức. Năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra các bản thông báo đanh thép khiến lòng dân vui mừng, còn cán bộ, đảng viên vi phạm thì lo lắng.
- 28.12.2019 Vụ án AVG: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận mức án chung thân
- 24.12.2019 Nói lời sau cùng, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son gửi lời xin lỗi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- 09.12.2019 Dự án TISCO II: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật nhiều cá nhân
- 23.10.2019 Tại sao cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố Đô đốc Nguyễn Văn Hiến?
Cùng báo điện tử Tổ Quốc điểm lại một số nội dung nổi bật của năm 2019.
Quan chức các tỉnh "bay" chức
Đầu năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai và thông báo tổ chức này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ; để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự.
Trong thông cáo báo chí phát đi kỳ họp sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đối với Đại tá Lý Quang Dũng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh; thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh và 4 Phó Giám đốc Công an khác.
Tại tỉnh Khánh Hòa, xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông: Lê Đức Vinh (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và các Phó Chủ tịch tỉnh do để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước…
Về hưu hay đương nhiệm, nhiều Thứ trưởng, Bộ trưởng bị kỷ luật
Tháng 4/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông, vận tải đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc bộ này.
Theo đó, Nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và Bộ Giao thông, vận tải. Cá nhân ông Đinh La Thăng vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Các Thứ trưởng Bộ Giao thông khi đó là các ông Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và ông Nguyễn Nhật sau đó đã bị kỷ luật cảnh cáo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giao thông, vận tải nhiệm kỳ 2011 – 2016 và ông Nguyễn Hồng Trường.
Liên quan tới vụ việc này, trong thời gian giữ cương vị Phó Thủ tướng, ông Vũ Văn Ninh có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị… Ông Vũ Văn Ninh đã bị kỷ luật cảnh cáo.
Không riêng gì ở Bộ Giao thông, vận tải, một loạt quan chức của Bộ Công Thương cũng đã bị nêu tên trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Cuối năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án TISCO II.
Cụ thể, ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007 – 2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương; ông nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng: Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II...
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vướng vòng lao lý: Đấu tranh với sai phạm không có vùng cấm
Trong năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẳng định, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, để một số cán bộ, đảng viên trong Quân chủng bị xử lý hình sự.
Trong đó có Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng.
Tới tháng 10/2019, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Một loạt quan chức các tỉnh bị cảnh cáo, vướng tù tội vì để xảy ra những sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018
Tại Sơn La, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, nhất là công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018. Nhiều quan chức của tỉnh này đã bị cảnh cáo,
Riêng tại Hà Giang, nhiều quan chức đã phải hầu tòa với mức án vài năm vì để xảy ra những sai phạm tại kỳ thi này.
Trong đó, ông Triệu Tài Vinh, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Hai cá nhân này có người thân nhờ nâng điểm trái quy định cho thí sinh trong Kỳ thi nêu trên, vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Ông Sơn chịu hình thức khiển trách còn Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh.
Hai Bộ trưởng cùng ra hầu tòa, một chung thân, một 14 năm tù tội
Những ngày cuối cùng của năm 2019, dư luận tập trung vào vụ xét xử sơ thẩm hai lãnh đạo từng là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn liên quan tới vụ AVG.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị HĐXX tuyên sơ thẩm tù chung thân sau khi gia đình đã nộp lại số tiền 3 triệu đô la do Phạm Nhật Vũ (AVG) đưa hối lộ. Bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) có tổng mức án là 14 năm tù.
Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn./.