• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những bảo vật quốc gia của xứ Thanh - Bài 1: Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn

08/01/2016 08:12

(Cinet)- Thanh Hóa - mảnh đất anh hùng và văn hiến đã lưu giữ được những bảo vật vô cùng giá trị, góp phần tạo nên sự đa dạng cho diện mạo văn hóa nước nhà. Một trong những bảo vật quý giá, “độc nhất vô nhị” đó là Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn.

Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn

(Cinet)- Thanh Hóa - mảnh đất anh hùng và văn hiến đã lưu giữ được những bảo vật vô cùng giá trị, góp phần tạo nên sự đa dạng cho diện mạo văn hóa nước nhà. Một trong những bảo vật quý giá, “độc nhất vô nhị” đó là Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn.

Pho tượng này chính thức được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 1, năm 2012, tại Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong các nền văn hoá tiền Đông Sơn đã phát hiện được nhiều pho tượng, nhưng chỉ đến văn hoá Đông Sơn thì tượng mới thực sự nở rộ với số lượng lớn và phong phú về chủng loại cũng như chức năng sử dụng. Tổng hợp lại, nghệ thuật tạo tượng Đông Sơn có hai dòng chính: dòng tượng tròn và dòng tượng trang trí. Dòng tượng tròn xuất hiện trước tuy đã có mặt trong các văn hoá tiền Đông Sơn, nhưng đến văn hoá Đông Sơn nó mới trở nên đa dạng hơn hẳn với sự ra đời của những tượng động vật mới và những dáng vóc đặc sắc của hình tượng người. Khối tượng hai người cõng nhau thổi khèn ở đây thuộc dòng tượng tròn, được đánh giá là sinh động nhất trong những khối tượng đã được phát hiện từ trưa đến nay.

Đề tài tạo tượng của văn hoá Đông Sơn rất phong phú. Mỗi sản phẩm đều thực sự là những tác phầm nghệ thuật hội tụ đầy đủ hai yếu tố chất thẩm mỹ và kỹ thuật cao. Nhưng đặc biệt, người Đông Sơn khi miêu tả chính mình thì phần nào có cặp mắt sắc sảo tinh tế hơn.

Cận cảnh Tượng đồng hai người cõng nhau thổi kèn



Theo tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tượng hai người cõng nhau thổi khèn thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại trong khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay và được nhà khảo cổ học O.Janse người Thụy Điển phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch ở Lạch Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Pho tượng được chuyển về Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 1935.

Tượng cao 8,5cm, rộng 9,5cm, miêu tả hai người đầu chít khăn, y phục giản đơn, khuyên tai nổi rõ, mắt và miệng được diễn tả đến từng chi tiết nhỏ, người cõng dáng khom đang nhún nhảy đôi chân theo tiếng khèn, hai tay ôm vòng lấy người ngồi trên lưng. Người được cõng ngồi vững chãi trên lưng đang say sưa thổi khèn. Cả nhạc công và vũ công như hoà nhập thành một thực thể thống nhất ăn ý, hài hoà.

Các nhà nghiên cứu đánh giá toàn khối tượng là một tổng thể xếp chồng với nhiều chi tiết khá phức tạp. Tượng có mảng đặc, mảng thủng nhưng vẫn liên kết với nhau một cách mạch lạc, tạo cho khối tượng vẻ cân đối, vững chắc.

Đây được coi là pho tượng "độc nhất vô nhị" của nền văn hóa Đông Sơn



Giống như mỹ thuật thời Hùng Vương nói chung, bức tượng này có đề tài đều bắt nguồn từ cuộc sống con người. Bức tượng phản ánh vẻ duyên dáng, dịu dàng một sinh hoạt của cộng đồng. Trong sinh hoạt đó, con người rất hiền hòa và tương đương với một con người khác để tạo thành liên kết, cộng đồng. Các nhà khoa học khi nghiên cứu tượng hai người cõng nhau thổi khèn và nhiều tượng đồng cùng thời đã đi đến những nhận định cho rằng, khi miêu tả chính mình, người Đông Sơn thường thể hiện vô cùng sinh động, luôn gắn liền với các hoạt động sinh sống. Chúng luôn phản ánh bản chất cần cù say sưa trong lao động và gắn liền với tính tập thể (đi thuyền, đánh cá, giã gạo...), bản chất hồn hậu, lạc quan yêu đời, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống cộng đồng (hội hè múa hát tập thể...).

Bức tượng này được đánh giá là sinh động nhất trong những khối tượng đã được phát hiện từ trước đến nay. Đây là tiêu bản hiếm hoi về nghệ thuật tượng tròn thời Đông Sơn, phản ánh về sinh hoạt âm nhạc mang đậm yếu tố truyền thống, được khởi nguồn từ nghệ thuật Đông Sơn, đến nay còn đọng lại trong nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Được coi là tác phẩm tượng nghệ thuật cổ độc đáo, như một thông điệp của thời đại Hùng Vương dựng nước gửi lại cho muôn đời sau. Tượng hai người cõng nhau thổi khèn là khối tượng tả thực nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp giản dị, bình yên của một xã hội Đông Sơn phát triển về mọi mặt.

CN (Tổng hợp)

(Ảnh: internet)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ