• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những bảo vật quốc gia của xứ Thanh - Bài 3: Cây đèn đồng hình người quỳ

10/03/2016 15:12

(Cinet)- Cây đèn đồng hình người quỳ là một hiện vật độc đáo tiêu biểu vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, nằm trong số 30 bảo vật quốc gia đợt 1, năm 2012 và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Cây đèn đồng hình người quỳ là bảo vật quý giá

hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bài liên quan

>Bài 1: Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn

>>Bài 2: Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi

(Cinet)- Cây đèn đồng hình người quỳ là một hiện vật độc đáo tiêu biểu vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, nằm trong số 30 bảo vật quốc gia đợt 1, năm 2012 và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Năm 1935, tại Lạch Trường, Thanh Hóa, nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse với tư cách là cộng sự của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã bất ngờ phát hiện ra một bảo vật quý giá: “Cây đèn đồng hình người quỳ”. Cây đèn được tìm thấy trong khi đoàn khảo cổ Olov Janse và cộng sự khai quật tại một khu mộ cổ lớn có khoảng 6 ngôi mộ cổ từ thời nhà Hán. Cũng trong đợt khai quật này, đoàn khảo cổ còn phát hiện một lượng lớn đồ gốm Trung Hoa, một thanh kiếm sắt và nhiều chũm chọe. Đây là những cổ vật hiếm và không theo kiểu chôn đồ tế lễ dưới thời Hán.

Theo hồ sơ bảo vật lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia thì tượng cây đèn hình người quỳ có niên đại  cách nay khoảng 2.000 - 1.700 năm. Chiều cao 40cm, dài 30cm và rộng 27cm, nặng 1,9kg. Cây đèn được tạo dạng tượng tròn hình người đàn ông mình trần, đóng khố, tư thế đang quỳ hai tay nâng đĩa đèn. Tượng có khuôn mặt thon dài, mắt mở to, miệng hơi mỉm cười. Hai vai và trên lưng có 3 cành chữ “S”. Mỗi nhánh chữ “S” này đỡ một bát đèn dầu. Mỗi một cành lại có một hình người hai tay ôm lấy ở phần cuối. Giữa mỗi cành lại có một hình người nhỏ đang quỳ. Tay của những hình người này đang chắp lại vái hướng vào nhau. Cử chỉ của hình người này cho thấy họ là những vũ công. Ngoài ra, trên chân của những tượng này có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ. Hai nhạc công là người thổi sáo và hai nhạc công khác đang chơi một loại nhạc cụ chưa rõ.

Vành khăn trên trán bức tượng cho thấy dấu hiệu của bậc vương giả. Con mắt không nhìn xuôi mà có tỷ lệ lớn và mở rộng. Theo văn hóa Hy Lạp cổ đại, điều này chứng tỏ sắc đẹp của người được miêu tả. Hình trên các cánh tay cũng được trang trí tinh tế. Vòng bụng đầy đặn thể hiện sự sung túc của chủ nhân. Trên hai vai và ngực mang đồ trang sức có thể hình dung là một chuỗi hoa sen hoặc đồ trang sức được trang trí hoa văn hoa sen. Các cánh tay đeo vòng và xung quanh bụng có đeo thắt lưng. Những vật trang sức này đều mang mô típ hoa sen.

Đèn Lạch Trường nhìn ngang và bản vẽ đèn hình người quỳ Lạch Trường. Ảnh: internet



Các học giả đều cho rằng, cây đèn kỳ bí này là một bảo vật vô cùng quan trọng đối với các buổi tế lễ diễn ra vào ban đêm tượng trưng cho những hào quang chói lọi. Chính hào quang ấy đem lại cho con người lòng tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tử.

Mặc dù hình tượng người được tạo ra ở tư thế quỳ nhưng đây không phải là người có vị trí thấp hèn. Vòng trên đầu và những vật trang điểm cho thấy đây là bức tượng thể hiện một bá tước hoặc một vị thần vì trong thần thoại Hy Lạp các vị thần thường được mô tả ở tư thế quỳ - Olov Janse cho biết.

Tuy nhiên, TS.Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trong quá trình nghiên cứu bộ sưu tập hơn 20 cây đèn cùng niên đại với “Cây đèn hình người quỳ” lại đưa ra một giải thích khác: những cây đèn hình người với nhiều tư thế quỳ khác nhau về vẻ mặt và cách cầm đèn; những đèn hình thú: linh thú, bò, hươu, voi… đa dạng và phong phú được diễn tả sinh động với nhiều kiểu dáng khác nhau; những đèn treo, đèn móc, đĩa đèn ba chân quỳ và móc đèn hình rồng dễ làm người ta liên tưởng đến những loại đồ đồng thời đầu Công Nguyên được du nhập vào. Không đặt cây đèn vào khuôn khổ để so sánh với nhiều nền văn hóa khác, ông đã chỉ ra từng chi tiết trên cây đèn chứng tỏ rằng cây đèn Lạch Trường không hề Tây, không hề Hán. Ông cho rằng cây đèn thuộc nền văn hóa “Hậu Đông Sơn”. Đây là sản phẩm của Đông Sơn, mang nguồn gốc và đậm chất Đông Sơn.

Mặt sau cây đèn đồng hình người quỳ. Ảnh: internet



Về lối tạo hình, có thể thấy rằng, cây đèn tượng người này thể hiện tính phức tạp và đa dạng. Đây là loại đèn hiếm gặp và có giá trị nghệ thuật cao trong số những đèn đồng tìm được phản ánh trình độ của nghệ nhân Đông Sơn. Loại hình đèn có chân kiểu tượng người gắn liền với việc phát triển nghệ thuật tượng tròn. Một số đèn tiêu biểu cho dạng này gồm có: đèn hình người quỳ và đèn người ôm linga cùng ở mộ số 3 Lạch Trường (Hậu Lộc, Thanh Hóa); đèn Đông Tác (Thanh Hóa), đèn người cầm gậy Mạo Khê (Quảng Ninh)… Cơ bản, đèn gồm có một hình người quỳ làm chân đèn, tay cầm ngõng đèn, hoặc đội ngõng đèn trên đầu và đĩa đèn. Hình tượng con người trên đèn đồng được thể hiện với số lượng khá lớn kể cả những tượng đơn được sử dụng như chân đèn hay những tượng nhỏ được gắn trên các giá đèn, quai đèn. Chúng có những đặc điểm khá thống nhất trong phong cách tạo hình. Hầu hết các tượng đang trong dáng quỳ, tay bưng giá đèn, trên đỉnh đầu có đội một vật lạ có cấu tạo tựa cái trống đồng nhỏ.



Riêng tượng người quỳ ở Lạch Trường hai tay đang bưng khay, sau lưng và hai bắp tay có gắn 3 cần cong hình chữ S để đỡ đĩa đèn và được trang trí hết mực cầu kỳ. Đó là những pho tượng đúc liền khối thể hiện dáng điệu hồn nhiên mang màu sắc nguyên thủy. Từ gương mặt hài hước, vui tươi, cái cổ ngắn, vai u, cái bụng phình tới lối diễn đạt tay chân ước lệ ta nhận thấy chúng cực kì gần gũi với các tượng người tìm thấy trên các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn. Trong số những tượng đèn này, nổi bật lên hình ảnh tượng người quỳ Lạch Trường như là sản phẩm nổi trội đạt đến lối tạo hình chuẩn mực, cổ điển.

Với vị trí ngã ba đường của các nền văn hóa, nghệ thuật Đông Sơn muộn - thuộc văn hóa Lạch Trường đã tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng mới. Tượng cây đèn hình người quỳ là hiện vật độc đáo trong số ít những cây đèn cùng loại thuộc thời kỳ hậu Đông Sơn, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa khác. Cây đèn với hình khối tạo tác và hoa văn trang trí đã thể hiện tài năng nghệ thuật cũng như tư duy thẩm mỹ và khả năng tiếp nhận, thích ứng của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước.

Tổng hợp (Ảnh: internet)
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ