• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những bất cập trong việc giám định hàm lượng chất ma túy

Thời sự 08/07/2018 14:30

(Tổ Quốc) - Theo thống kê hiện nay có rất nhiều các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan đến việc giải quyết các vụ về án ma túy, lý do vì giữa lý luận và thực tiễn còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Hình minh họa: Nguồn báo Công an nhân dân

Vấn đề được bàn luận, điều chỉnh nhiều nhất xoay quanh việc khi thu giữ được tang vật trong vụ án nghi chất ma túy có bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy, hay không giám định hàm lượng... trừ một số trường hợp đặc biệt.

Mặc dù đã được điều chỉnh, hướng dẫn bằng rất nhiều văn bản dưới luật, nhưng trên thực tế đến nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập; Nội dung ban hành trong văn bản hướng dẫn trái với luật, quy định chung chung nên không thể thực hiện được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử ... dẫn tới có nhiều quan điểm trái chiều khác nhau trong việc áp dụng áp luật.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thành Long, đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh.

PV: Trên thực tế hiện nay một khối lượng chất ma túy bị thu giữ giống nhau nhưng kết quả lại khác nhau trong việc nhìn nhận, giải quyết vụ án, không đảm bảo tính thống nhất trong điều tra, truy tố, xét xử. Luật sư lý giải thế nào về điều này?

LS Nguyễn Thành Long: Trong quy định phần các tội phạm về ma túy theo BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009, nay được thay thế bằng BLHS 2015. Tại các điều luật tương ứng với tội danh cụ thể đều quy định“ Chất ma túy ...” đây là 3 từ rất chung để mô tả, diễn đạt trong luật nhưng cũng làm cho những người thực thi pháp luật có hai quan điểm hiểu khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: cho rằng “Chất ma túy” phải được hiểu là tinh chất, chứ không phải dạng ma túy tổng hợp, do vậy khi giải quyết vụ án về ma túy phải thực hiện trưng cầu giám định hàm lượng đối với chất ma túy bị thu giữ để làm cơ sở để định khung hình phạt đối với bị can, bị cáo. (Nếu hiểu và thực hiện theo cách này bị can được hưởng lợi).

Quan điểm thứ hai lại cho rằng “Chất ma túy” cũng có thể tinh chất, cũng có thể là tổng hợp chất có chứa ma túy (như ma túy tổng hợp) nên khi giải quyết vụ án, không thực hiện giám định hàm lượng, lấy tổng khối lượng ma túy thu giữ được làm căn cứ định khung hình phạt. (Nếu hiểu và thực hiện theo cách này bị can bất lợi).

Rõ ràng cùng một điều luật, một quy định, một khối lượng chất ma túy bị thu giữ giống nhau nhưng kết quả lại khác nhau trong việc nhìn nhận, giải quyết vụ án, không đảm bảo tính thống nhất trong điều tra, truy tố, xét xử.

VD: Một người bị bắt giữ về hành vi mua bán chất ma túy, nếu lấy tổng khối lượng chất ma túy bị thu giữ họ sẽ bị truy tố theo khoản 1. Trường hợp nếu giám định hàm lượng do có tỷ lệ chất ma túy thấp nên họ lại được miễn trách nhiệm hình sự.

PV:  Vậy thì làm thế nào để đảm bảo quyền con người, đồng thời tránh tạo ra các án oan sai thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thành Long:  Để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, phù hợp với công ước quốc tế, đảm bảo quyền con người, đảm bảo nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo, cũng như tránh oan sai trong xét xử.

Ngày 24/12/2007 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTPđược ban hành có nội dung chỉ đạo chung quy định tại phần I, tiểu mục 1.4.

“. ..1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy...”.

Chúng tôi nhận thấy đây là quy định rất đúng đắn, tuy nhiên trên thực tế thực hiện lại vướng mắc. Thực tế cả nước hiện nay chỉ có Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an mới có đủ máy móc, trang thiết bị để thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy, nên không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn tới hậu quả là số lượng vụ án tồn đọng lớn do phải chờ kết quả giám định.

Hình minh họa: Nguồn báo Công an nhân dân

PV: Vậy làm thế nào để giải quyết những vướng mắc trên thưa ông? Các văn bản luật của chúng ta đã có những điều chỉnh hay bổ sung gì về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thành Long: Ngày 14/11/2015 Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi tiểu mục 1.4 trong thông tư 17/2007, có nội dung:

 “1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:

a, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c, Xái thuốc phiện;

d, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật...”

Để thống nhất trong việc ghi kết luận giám định; Ngày 29/8/2016 Bộ Công an ban hành công văn số 2955/CSĐT(C44) về việc giải quyết các vụ án về ma túy, trong đó hướng dẫn chi tiết cách ghi trong kết luận giám định, tại mục 1.

“...1. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, quy định: “1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được.”.

Vì vậy, đối với những trường hợp không bắt buộc phải trưng cầu giám định để xác định hàm lượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp khi ra Quyết định trưng cầu giám định đối với các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đã thu giữ được thì nội dung yêu cầu giám định cần ghi rõ: “Mẫu gửi giám định có phải là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy không? Loại chất ma túy, tiền chất gì? Trọng lượng (khối lượng) của mẫu gửi giám định là bao nhiêu?”.

Đối với cơ quan giám định, trong kết luận giám định phải xác định rõ về chất ma túy để phù hợp với quy định của BLHS; Ví dụ như chất Hêrôin, chất Côcain... Không được kết luận “là chế phẩm Hêrôin” hoặc “có thành phần Hêrôin ...”

Sau khi có văn bản hướng dẫn nêu trên ra đời, số vụ án ma túy tồn đọng đã được giải quyết, dựa trên kết luận giám định của các Tổ chức giám định Công an tỉnh, thành cả nước./.

PV: Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Thành Long!

 

 Vi Phong (thực hiện)

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ