(Tổ Quốc) - Sau 3 năm hoàn thành sứ mệnh quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam tại Đức, hơn 300 Báu vật khảo cổ Việt Nam sẽ trở về nước và ra mắt công chúng trong một triển lãm quy mô lớn.
Đây là lần đầu tiên một trưng bày có quy mô lớn, với trên 300 hiện vật- số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 12/4 đến hết tháng 7/2018. Đáng chú ý, đây là những bảo vật vừa “trở về” sau 3 năm được triển lãm ở các bảo tàng lớn của Đức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (23/9/1975-23/9/2015) và 25 năm ký kết Hiệp định văn hóa (10/5/1990- 10/5/2015).
Triển lãm sẽ giới thiệu theo các nội dung: Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam; Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam (gồm Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Đồng Nai); Khảo cổ học lịch sử (gồm Báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên, Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn, Văn hóa Óc Eo- Phù Nam, Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam).
Trống sao vàng- một trong những hiện vật khảo cổ được trưng bày trong Triển lãm |
Trong đó, phần Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam tập trung giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học Tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình như: công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm…được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam.
Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc Rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh hóa), thuộc thời đại Đá cũ; những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình như: công cụ hình đĩa, rìu ngắn, công cụ 1/4 cuội tìm thấy tại hang Muối - Hòa Bình năm 1965; Phác vật rìu di chỉ Núi Voi (Đông Sơn -Thanh Hóa), sưu tầm năm 1965; Công cụ chặt đập di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ) do Bảo tàng Lịch sử khai quật năm 1969; những hình ảnh về cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964 cũng được trưng bày ở phần này.
Ở phần Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam, các hiện vật cũng được chia theo sự hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam thời kim khí: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở miền Nam .
Các hiện vật của Văn hóa Đông Sơn gồm Vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai chất liệu đá thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu; Trống đồng Sao vàng- Thanh Hóa, thạp đồng, chuông đồng thuộc văn hóa Đông Sơn; Vũ khí như: rìu đồng gót vuông, qua đồng , mũi tên đồng (Cổ Loa- Đông Anh-Hà Nội) và các công cụ làm nông nghiệp như: lưỡi cày đồng, mai, cuốc, lưỡi hái…
Văn hóa Sa Huỳnh là nền văn hoá có táng thức chủ đạo dùng chum, vò gốm có kích thước lớn làm quan tài với những tích mộ táng - những khu mộ địa đôc lập trên sườn cồn cát, đồi gò ven sông, trên những giồng đất cao. Đồ tuỳ táng giàu có từ nhiều chất liệu khác nhau bằng sắt, gốm, thuỷ tinh, mã não… với những loại hình độc đáo. Đây là một nền văn hoá đồng đại - đồng mức với văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc (thế kỷ 6, 5 TCN đến thế kỷ 1,2 SCN) và là một trong ba trung tâm văn hoá khảo cổ thời đại kim khí Việt Nam.
Các hiện vật của văn hóa này gồm Chuỗi hạt bằng thủy tinh tìm thấy tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi; Mộ chum có nắp khai quật tại di chỉ Đồng Cườm - Bình Định năm 2003; một số hiện vật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam khai quật tại Hòa Diêm - Khánh Hòa năm 2011: Đèn gốm, hạt chuỗi bằng thủy tinh…
Gạch trang trí |
Nền văn hóa Đồng Nai với những khám phá mới gần đây cả về di tích cả về di vật của giai đoạn Tiền Óc Eo ở Gò Cây Tung (An Giang), Gò Cao Su (Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh), Gò Ô Chùa (Long An)…. các nhà khảo cổ học Việt Nam cho rằng có một hay nhiều con đường tiến lên văn hoá Óc Eo từ những di chỉ thời đại kim khí, đặc biệt là các di chỉ thời đại sắt ở Nam Bộ. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng đã xác lập được truyền thống văn hóa Đồng Nai thời đại kim khí qua các giai đoạn phát triển Cầu Sắt – Bến Đò – Dốc Chùa và Phú Hòa.
Tại trưng bày lần này sẽ tập trung giới thiệu những hiện vật ở một số di tích do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham gia nghiên cứu khai quật như Nhóm hiện vật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994: Vòng tay, khuyên tai hai đầu thú bằng đá, mã não và thủy tinh; cá loại hạt chuỗi, nhẫn, lá vàng là những hiện vật bằng vàng sớm nhất ở Việt Nam; các loại đồ gốm như nồi, cà ràng (chân kiềng). Nhóm hiện vật di tích Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu); Nhóm hiện vật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An), là di chỉ khảo cổ học tiền sử ở Nam bộ, do chính các nhà khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phát hiện và khai quật năm 1997.
Trưng bày cũng giới thiệu một số trống đồng Đông Sơn phát hiện tại Phú Chánh –Bình Dương, thể hiện sự giao lưu rộng rãi giữa các trung tâm văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam.
Phần Báu vật khảo cổ học lịch sử sẽ giới thiệu Báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên với một số hiện vật được tìm thấy trong những ngôi mộ gạch thế kỷ 1 - 3, những chứng tích của các cuộc nổi dậy chống phong kiến phương Bắc. Chứng minh những yếu tố văn hoá Đông Sơn truyền thống vẫn được bảo tồn, phát triển bên cạnh sự giao lưu, tiếp nhận những thành tố văn hoá mới. Tiêu biểu mô hình nhà, mô hình bếp lò bằng đất nung, được tìm thấy tại Thiệu Dương - Thanh Hóa, Nghi Vệ - Bắc Ninh, Cầu Giấy – Hà Nội.
Báu vật của Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn giới thiệu những tác phẩm điêu khắc đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu- Quảng Nam, Tháp Mẫm- Bình Định như: Sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, Phù điêu tu sĩ, bia Ponaga… trong đó có những hiện vật đặc sắc do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Bảo tàng Bình Định khai quật.
Nhóm hiện vật thuộc di tích Cấm Mít - Đà Nẵng với mảnh vàng hình voi, hạt chuỗi thủy tinh. Đặc biệt đại diện cho những phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam cũng được trưng bày dịp này là tượng Mukhalinga đá sa thạch phát hiện năm 2012 tại Mỹ Sơn- Quảng Nam.
Vàng lá hình voi |
Văn hóa Óc Eo- Phù Nam với hiện vật gồm một số nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí vishu, mảnh vàng trang trí mặt trời … có niên đại thế kỷ III - thế kỷ VI được khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) năm 1993; Tượng phật bằng gỗ, tượng vishu bằng đá niên đại khoảng thế kỷ V, khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) năm 1997.
Phần Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam giới thiệu những hiện vật là những dấu tích thành cổ như: ngói trang trí uyên ương (Hoa Lư - Ninh Bình), gạch xây thành…. Đặc biệt giới thiệu những hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Giới thiệu những hiện vật gốm Chu Đậu (thế kỷ XV-XVI), đồ thủy thủ đoàn … khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997-1999.
Trước đó, các hiện vật của Triển lãm này đã được giới thiệu tại các bảo tàng của Liên bang Đức gồm: Bảo tàng Khảo cổ học bang Westfalen tại Herne (7-10-2016 đến 26-2-2017), Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz tại Chemnitz (30-3 đến 20-8-2017) và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim (16-9-2017 đến 7-1-2018).
Triển lãm đã được tổ chức hết sức thành công góp phần đẩy mạnh hơn nữa chương trình hợp tác, trao đổi văn hóa, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Đức. Đồng thời triển lãm là dịp để người dân Đức hiểu biết hơn nữa về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Trong dịp khai mạc trưng bày tại Herne, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã có ý kiến chỉ đạo: Các hiện vật với nội dung phong phú, được công phu tập hợp từ nhiều cơ quan, bảo tàng trong cả nước là một dịp hiếm có vì vậy, sau khi kết thúc trưng bày tại Đức, nên đưa toàn bộ số hiện vật này về và tổ chức một trưng bày đặc biệt tại Việt Nam để phục vụ nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Triển lãm Báu vật khảo cổ Việt Nam được tổ chức dịp này là thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, đồng thời là dịp để giới thiệu đến đông đảo bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước về một di sản văn hóa đồ sộ được hình thành trong tiến trình phát triển của các cộng đồng người Việt./.