Những bóng hồng gìn giữ các thước phim quý
(Tổ Quốc) - Phim, tư liệu hình ảnh động là những di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn. Tại Viện Phim Việt Nam có những người phụ nữ âm thầm làm công việc bảo tồn, gìn giữ những thước phim quý giá của dân tộc.

Viện Phim Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hiện nay có hệ thống kho phim tại Hà Nội và TP.HCM, đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa 35mm, 16mm, hơn 20 ngàn tên phim và hàng chục ngàn băng video. Danh mục phim đang lưu trữ tại kho phim Hà Nội và TP.HCM của Viện Phim Việt Nam hiện khá phong phú.

Đó là các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là khối lượng lớn tư liệu phản ánh các thời kỳ chiến tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong Kho lưu trữ của Viện có nhiều tác phẩm điện ảnh quý giá của dân tộc. Ngoài ra, những thước phim vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sưu tập phim điện ảnh Cách mạng những năm đầu tiên, phim tư liệu về Đông Dương do Viện lưu trữ phim Pháp trao tặng…

Việc lưu trữ phim tại Viện luôn đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt với nhiệt độ 10°C+-2, độ ẩm 35% +-5 cùng hệ thống giá phim di động hiện đại. Phim được kiểm tra, xếp loại tiêu chuẩn kỹ thuật, tu sửa, phục chế các khuyết tật cơ học, làm sạch trên các thiết bị hiện đại: rửa siêu âm, lau ẩm, rửa nước… đóng gói, hút chân không, kết hợp đặt zeolite, đặt thuốc chống mốc… Phim tới hạn sẽ được in chuyển sang bản phim mới. Viện Phim Việt Nam có quy trình bảo quản bản gốc phim nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn quốc tế và Viện Phim Việt Nam là một trong những cơ sở lưu trữ, bảo quản bản gốc phim tốt nhất Đông Nam Á.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện Phim Việt Nam là nhận nộp lưu chiểu vật liệu gốc, nộp lưu trữ đối với các tác phẩm điện ảnh, các tài liệu kèm theo phim và tư liệu chưa dựng thành tác phẩm.

Các tài liệu, như quyết định sản xuất, kịch bản, ảnh, bài báo, bài phân tích đánh giá cũng được lưu trữ cùng tại phòng tư liệu để có đầy đủ thông tin nhất về cuộn phim, thước phim đang lưu trữ.

Những người phụ nữ ở Viện Phim Việt Nam đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong công tác lưu trữ nên thường tìm thấy rất nhanh những tư liệu khi được yêu cầu tìm kiếm.

Hiện ở Viện Phim Việt Nam cũng đang lưu trữ nhiều poster phim quý hiếm, là poster giới thiệu về các bộ phim được công chiếu trong hay triển lãm nước ngoài, các bản poster này được vẽ tay hoặc in, có những bản từ thời đầu của những phim kinh điển của nền điện ảnh nước nhà.

Poster bằng tiếng Nhật phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến khi công chiếu tại Nhật Bản. Công việc bảo quản các tài liệu hiện vật đi kèm của phim rất quan trọng, giúp khán giả có cái nhìn trọn vẹn hơn về những thước phim quý.


Hiện nay ngoài lưu trữ bảo quản phim nhựa gốc tại kho, Viện Phim Việt Nam đã tiến hành số hóa phần lớn các phim. Sau khi số hóa các phim sẽ được kiểm tra, nếu có lỗi sẽ tiến hành phục chế. Công việc có sự hỗ trợ của máy tính hiện đại nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ cần thận, xử lý bụi, mốc, vết xước dăm, vết loang.

"Sau khi số hóa phim nhựa công việc của chúng tôi sẽ là phục chế từng Fame hình. Vừa xử lý bụi mốc xước dăm vết loang qua thời gian sử dụng. Công nghệ xử lý phim giờ khá tốt tuy nhiên với những vết lớn chúng tôi đều phải làm bằng tay. Mỗi một giây sẽ có 24 hình nên chúng tôi phải xử lý từng hình một. Thông thường để xử lý một bộ phim tư liệu 40 phút sẽ mất khoảng hơn 4 tháng làm việc. "- Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Các bộ phim được kiểm tra thường xuyên tại phòng Hồ sơ Phim mục nhằm phát hiện các lỗi để tiến hành phục chế.

Các cuộn phim được chạy kiểm tra nhằm tìm kiếm phát hiện các lỗi. Công tác kiểm tra phim được tiến hành cẩn thận, ghi chép từng lỗi để có phương án xử lý tối ưu.

Công tác lập hồ sơ phim mục của Viện được thực hiện theo hệ thống dữ liệu chuẩn quốc tế của Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF). Phim lưu trữ tại Viện được phân loại, lên danh mục theo từng thể loại phim: phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình…và theo từng loại vật liệu. Việc lập hồ sơ chi tiết theo phân cảnh hoặc theo chuyên đề, nhân vật, sự kiện và lưu trữ dữ liệu trên máy vi tính, số hóa hệ thống dữ liệu phục vụ nhu cầu tra cứu, in trích tư liệu được thuận tiện và chính xác.

Dù được bảo quản ở nhiệt độ, độ ẩm tối ưu, nhưng sau thời gian, các thước phim cũng không tránh khỏi những hư tổn, đặc biệt là mốc và bụi, do đó, công tác tu sử, kiểm tra kỹ thuật của phim nhựa luôn được chú trọng. Nhất là với các thước phim có giá trị lịch sử, các tư liệu quý hiếm. Tại Phòng Bảo quản phim chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Liên đang miệt mài bên bàn kiểm tra phim nhựa.

Với hơn 25 năm làm công việc bảo quản bảo quản những thước phim tư liệu quý của nước nhà. Bà Liên chia sẻ: "Công việc hàng ngày của tôi là kiểm tra lại những thước phim lịch sử này. Hàng ngàn, hàng vạn những thước phim lịch sử của dân tộc đã qua tay tôi xử lý. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ yêu nghề lắm"

"Công việc rất kén người làm, phim mang đi chiều về cần phải kiểm tra rất tỉ mỉ, ghi chép lỗi đến từng hình một. Cùng với đó phải có một bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường mới có thể nhìn ra lỗi một cách nhanh chóng." - Bà Liên chia sẻ thêm.

Bà Liên hay đùa rằng hầu hết những tư liệu lịch sử của quốc gia đều đã phải "qua tay" tôi. Rách, hỏng, bung...đều được bàn tay tôi xử lý lại như mới.

Từng giây hình được kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Mỗi lần gặp các phim bị lỗi, đứt, vấp răng phim trong quá trình chiếu hay khai thác nhân viên phải dùng loại băng dính đặc biệt để cố định, khắc phục.

Bà Liên đang truyền lại kinh nghiệm cho những bạn trẻ làm công việc đặc biệt này. Hai thế hệ, cách nhau hơn 30 năm tuổi đời nhưng cùng nhau chia sẻ công việc thầm lặng bảo quản những thước phim quý của thời đại.

Với những đặc thù về công việc, khó khăn trong việc đào tạo, do đó không nhiều người làm công việc này, đặc biệt là người trẻ, đây cũng là khó khăn lớn của Viện Phim Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nhân viên đối soát phiếu xuất kho với các cuộn phim để lấy đúng phim, đúng số cuộn phục vụ cho công tác kiểm tra, bảo dưỡng.

Công việc thầm lặng nhưng đầy tự hào của những người phụ nữ chép sử bằng phim tại Viện Phim Việt Nam luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các đồng nghiệp nam.