(Tổ Quốc) - Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nghiêm trọng của môi trường tại các thành phố lớn. Hằng năm có 7 triệu người trên thế giới chết , trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. Theo WHO 2018, tại Việt Nam có đến 60.000 ca tử vong trong năm 2016 do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, thuyên tắc động mạch phổi và viêm phổi bị tác động bởi ô nhiễm không khí.
Theo nghiên cứu của ĐH Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại kinh tế từ 9.86-12.45 tỉ đô la vào năm 2013. Riêng TP. Hồ Chí Minh, con số thất thoát do ô nhiễm không khí là 117-183 triệu đô la. Trong những năm gần đây, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã tiến hành đo lường chỉ số PM2.5 và cung cấp dữ liệu cho công chúng. Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội được ghi nhận có nồng độ tập trung của bụi bụi PM 2.5 là 47,9μg/m3. Tại Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số này là 42 μg/m3. Tất cả các chỉ số về chất lượng không khí này đều vượt quá mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí, đôi khi cao gấp 4-5 lần, điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân nơi đây.
Tác phẩm trưng bày "Trung tâm nhiệt điện Miền Bắc"
Hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 5/6 với chủ đề "Ô nhiễm không khí" do chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hiệp Quốc phát động, tour triển lãm ảnh "Cảm nhận không khí" qua các trường đại học trong địa bàn TP.HCM từ ngày 05-14/6 nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng trẻ về vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị lớn của Việt Nam, từ đó kêu gọi sự chung tay hành động, hướng đến một bầu không khí trong lành.
Trong khuôn khổ của chiến dịch "Không khí sạch, Bầu trời xanh", tour triển lãm ảnh "Cảm nhận không khí" là một hoạt động tiếp nối sự kiện triển lãm ảnh "Cảm nhận không khí" đã diễn ra tại Tòa nhà Đức trong thời gian vừa qua. Tour triển lãm mang 34 bức ảnh được chọn từ cuộc thi nhiếp ảnh "Bắt nét không khí, Phơi màu ô nhiễm" trưng bày tại các trường đại học trong khu vực TP.HCM.
"Nhặt rác" - Những người lượm rác làm kế sinh nhai trong những làn khói cháy âm ỉ quanh năm nơi bãi rác
Sau trưng bày tại các trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân Văn TP. HCM, ĐH Ngân hàng TP. HCM, triển lãm tiếp tục được trưng bày tại ĐH Hoa Sen (ngày 10/6), trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM (ngày 12/6) và kết thúc ở Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương- 59 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 vào ngày 14/6.
Song song với triển lãm, tại các điểm dừng chân các sinh viên sẽ được tham gia các hoạt động: "Gieo hạt trồng cây, ươm mầm không khí sạch" - trồng cây trên môi trường giấy cũ tái chế nhằm nâng cao nhận thức về việc lọc không khí thông qua thực vật và tạo cơ hội cho mọi người đóng góp sức lao động vào công cuộc giữ gìn bầu trời xanh; "Đố vui có thưởng" - giúp các bạn trẻ thu tập thêm nhiều kiến thức về không khí nói chung và vấn đề ô nhiễm khói bụi đang ngày càng trầm trọng tại các đô thị hiện nay.
Tác phẩm trưng bày "Bảo Lộc: Thành phố trong khói"
"Việt Nam là một đất nước xinh đẹp và tôi hy vọng thông qua chiến dịch "Không khí sạch, Bầu trời xanh"; đặc biệt là triển lãm ảnh "Cảm nhận không khí - Feel the Air", các bạn trẻ sẽ được khuyến khích để chung tay bảo vệ bầu khí quyển xanh nhằm phát triển bền vững", bà Daniela Scheetz - Phó Tổng Lãnh sự quán Ðức tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết.
"Đây là một hoạt động mang tính giáo dục cao và rất ý nghĩa đối với các bạn trẻ, đặc biệt là các sinh viên ngành giao thông vận tải, để các bạn có thêm một góc nhìn từ phương diện môi trường, từ đó suy nghĩ về những giải pháp bền vững để phát triển giao thông đô thị, khi giao thông đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam"- PGS.TS Đồng Văn Hướng Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM chia sẻ.
Thông qua triển lãm ảnh "Cảm nhận không khí" và chiến dịch "Không khí sạch bầu trời xanh", mọi người có thể nhận thức rõ ràng hơn về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên môi trường lẫn con người. Để từ đó, chúng ta cùng nhau đẩy lùi sự ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng lên cuộc sống bao phủ lấy chính mỗi chúng ta.