• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những câu chuyện xúc động trong thời gian phong toả tại Bạch Mai: Người đặt tên con là Hạ Vy, người mong muốn được về thắp hương cho bố

Sức khỏe 12/04/2020 15:35

(Tổ Quốc) - Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hương sẽ đặt tên con là Hạ Vy, nghĩa là hạ gục virus Cô - Vy (nCoV). Còn chị Ngọc (công tác Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu) chỉ muốn được về nhà thật nhanh để thắp hương cho bố.

0h sáng 12/4, hàng rào phong toả Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ. Hàng trăm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế vui mừng đến bật khóc. Họ nói rằng "Bạch Mai đã chiến thắng", đã vượt qua được thời khắc vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19.

Ngồi trong góc phòng tại khoa C4, Viện Tim Mạch, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hương háo hức gọi điện thông báo cho chồng và gia đình. Chị hiện đang mang thai tháng thứ 8, nhưng khi Bạch Mai bị phong toả, chị phải ở lại, dự định sẽ sinh con ngay trong Bệnh viện.

Các đồng nghiệp vẫn nói đùa, "hai mẹ con Hương đang cùng chống dịch".

Hôm đó là chiều 19/3, khi đang chuẩn bị đi khám thai, chị nhận được thông báo yêu cầu các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Khoa C4 - Viện Tim Mạch phải thực hiện cách ly tập trung tại bệnh viện do có liên quan đến bệnh nhân số 86 và 87.

Cũng như các đồng nghiệp khác, chị đã rất lo lắng vì "chưa chuẩn bị tâm lý đón nhận tin này".

Để động viên tinh thần vợ, chồng chị gửi vào viện một con gấu bông màu hồng. Mỗi ngày, anh đều gọi điện hỏi thăm chị.

Những câu chuyện xúc động tại Bạch Mai: Người đặt tên con là Hạ Vy, người mong muốn được về thắp hương cho bố - Ảnh 1.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hương háo hức gọi điện thoại cho chồng thời khắc Bệnh viện Bạch Mai hết phong toả.

Những câu chuyện xúc động tại Bạch Mai: Người đặt tên con là Hạ Vy, người mong muốn được về thắp hương cho bố - Ảnh 2.

Các điều dưỡng khác tại khoa C4, Viện Tim Mạch chia sẻ với nhau những câu chuyện.

Trong khu cách ly, đôi lúc mệt mỏi, lo lắng vì em bé trong bụng không được chăm sóc đầy đủ như ở nhà, nhưng chị cố gắng khắc phục. Chị biết rằng, đằng sau mình, vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng đang chờ được cứu sống.

Chỉ còn vài tuần nữa là sinh con, chị Hương dự định sẽ đặt tên con là Hạ Vy, nghĩa là hạ gục virus Cô - vy (nCoV).

Trong khi đó, tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc bật khóc nói tới dự định "về nhà thắp hương cho bố", sau khi Bệnh viện hết cách ly.

Bố chị mất vì ung thư, vào ngày 16/3. Chị là người trực tiếp điều trị, nên sau khi ông mất, chị không dám đi qua phòng bệnh nơi bố nằm trước đó. "Tôi không đủ can đảm nhìn vào bên trong căn phòng, khi đó chân tay bủn rủn, tôi đứng không vững". Dứt câu, chị oà khóc nức nở.

Mỗi ngày, gia đình vẫn thường xuyên gọi điện, để chị được nhìn vào bàn thờ vọng của bố. Lần đầu tiên phải cách ly lâu như thế, kéo dài 3 tuần, chị cảm thấy rất buồn. Chính tình cảm của các đồng nghiệp đã giúp chị vượt qua được khoảng thời gian khó khăn nhất.

Những câu chuyện xúc động tại Bạch Mai: Người đặt tên con là Hạ Vy, người mong muốn được về thắp hương cho bố - Ảnh 3.

Mỗi lần nhắc tới bố, chị Ngọc đều bật khóc nức nở.

Điều dưỡng Ngọc công tác tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2013, dù sau đó có nhiều gián đoạn trong công việc. Hàng ngày, chị cùng y bác sĩ chăm sóc, theo dõi, tiêm truyền cho bệnh nhân đang điều trị.

Kể về thời điểm nhận thông báo cách ly, chị cho biết hôm đó đúng ca trực của mình nên không kịp chuẩn bị bất cứ thứ gì, chỉ còn đúng mỗi bộ quần áo trên người.

"Mọi người hỏi tôi 'mai được về à, có thật không?', tôi mong ngóng từng ngày để được về thắp hương tuần cho bố".

Hơn 30 năm công tác tại Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa cho hay, từ ngày đầu tiên nhận thông tin Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả, ông đã thu xếp công việc gia đình vào viện từ rất sớm, trấn an tinh thần của nhân viên và bệnh nhân.

Gắn bó với A9 từ ngày tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sỹ Chi luôn xem Bệnh viện Bạch Mai như ngôi nhà thứ 2. Cho nên, "cách ly tại nơi mình ở mấy chục năm, tôi cảm giác không khác biệt gì".

Để yên lòng người thân, bác sỹ Chi nói rằng, "Tôi ngày xưa chống SARS khốc liệt hơn nhưng may mắn không sao, chắc chống Covid-19 cũng ổn thôi". Nhờ vậy, gia đình yên tâm hơn phần nào, là hậu phương giúp ông tập trung công tác.

Những câu chuyện xúc động tại Bạch Mai: Người đặt tên con là Hạ Vy, người mong muốn được về thắp hương cho bố - Ảnh 4.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9.

14 ngày cách ly, công việc thăm khám và tiếp nhận các bệnh nhân nặng tại Khoa Cấp cứu A9 vẫn diễn ra như bình thường. Bệnh viện yêu cầu đảm bảo hết sức nghiêm ngặt về chuyên môn, không để bệnh nhân thiếu bất cứ thứ gì, từ nhu yếu phẩm, đến thuốc men, phương tiện kĩ thuật.

Trên tinh thần đó, bác sỹ Chi cùng kíp trực đã cứu sống ngoạn mục nhiều bệnh nhân nặng chuyển lên do tuyến dưới không đủ khả năng. Điển hình là sản phụ Hoàng Thị Tân, 30 tuổi, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, sinh mổ dẫn đến sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối. Chị được các bác sỹ ép tim ngay trên cáng cấp cứu, để giành giật mạng sống từ tay tử thần.

Bạch Mai kết thúc phong toả, bác sỹ Chi bắt đầu một ngày làm việc bình thường, như thăm buồng bệnh nhân, họp giao ban. Ông nói sẽ về thăm gia đình, vào giờ tan ca cuối ngày.

Minh Nhân - Ảnh: Phương Thảo - Nhịp Sống Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ