(Tổ Quốc) -Việc 7-Eleven chỉ mở 1.000 cửa hàng, Vinmart mở tới 10.000 cửa hàng/10 năm không hẳn vì 7-Eleven quá thận trọng hay Vinmart quá tự tin, mà vì có thể mô hình của hai thương hiệu khác nhau dẫn đến tốc độ mở cửa hàng cũng khác nhau.
Chuỗi cửa hàng tiện ích 7-Eleven sẽ có mặt tại Việt Nam vào tháng 2/2018. Cụ thể, 7-Eleven đã công bố nhượng quyền thương hiệu cho Công ty IFB Holdings (hiện sở hữu thương hiệu Pizza Hut tại Việt Nam).
![]() |
7-Eleven tuyên bố sẽ mở 100 cửa hàng tại Việt Nam trong ba năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Điều này chứng tỏ đại gia bán lẻ này rất tự tin về thương hiệu và tiềm lực của mình.
Sức mạnh của thương hiệu chuỗi cửa hàng tiện ích 7-Eleven là điều không phải bàn cãi khi sở hữu 56.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại châu Á, hầu hết những quốc gia mà 7-Eleven có mặt đều có số lượng hơn 1.000 cửa hàng; nhiều nhất là tại Nhật Bản với 17.569 cửa hàng, ít nhất là Singapore cũng có tới 488 cửa hàng.
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia thương hiệu, đối thủ của 7-Eleven là những chuỗi cửa hàng như Vinmart+, Circle K, B’s Mart, Ministop, Family Mart... Trong đó, đối thủ đáng gờm nhất không phải là thương hiệu nước ngoài, mà chính là Vinmart+, chuỗi cửa hàng tiện ích thuộc tập đoàn Vingroup. Tham vọng của Vinmart+ tại Việt Nam thậm chí còn lớn hơn cả 7-Eleven. Theo Bloomberg, Vinmart+ dự kiến trong 10 năm tới sẽ mở được 10.000 cửa hàng, và hiện đã triển khai được 2.000 cửa hàng, trong khi 7-Eleven dự kiến chỉ 1.000 cửa hàng sau 10 năm.
Nhận định về điều này, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Toàn Cầu (GIBC), cho rằng, ở những nước mà 7-Eleven có mặt với số lượng cửa hàng rất nhiều như Thái Lan, Malaysia... thì mức thu nhập bình quân trên 5.000 USD một năm, còn Việt Nam thì ngang mức Myanmar, Lào... cỡ 2.000 USD. Do đó, tốc độ phát triển cửa hàng tiện ích phụ thuộc vào thu nhập của người dân nước đó, vì mô hình cửa hàng này là “mua tạp hoá trong máy lạnh”, giá cao hơn tiệm tạp hoá truyền thống”.
“Ngoài ra, vai trò địa lý cũng rất quan trọng. Các cửa hàng tiện ích tập trung ở những hành phố lớn, khu vực đông dân cư hơn là những khu vực khác. Do đó, việc 7-Eleven chỉ mở 1.000 cửa hàng, Vinmart mở tới 10.000 cửa hàng trong 10 năm không hẳn vì 7-Eleven quá thận trọng hay Vinmart quá tự tin, mà vì có thể mô hình của hai thương hiệu khác nhau dẫn đến tốc độ mở cửa hàng cũng khác nhau. 7-Eleven có thể chỉ nhắm đến thành phố lớn, còn Vinmart muốn phủ đến tận từng tỉnh, huyện”, ông Trai chia sẻ.
7-Eleven là mạng lưới cửa hàng lớn, mở cửa 24 giờ, cung cấp cả bàn ghế, wifi để khách mua hàng ngồi lại dùng sản phẩm.
Nhà bán lẻ này nổi tiếng với cách bán hàng và quản lý chi li, liên tục cập nhật, được quản lý bằng một hệ thống quản lý cửa hàng thông minh, giúp các cửa hàng trên toàn hệ thống biết được tình trạng hàng hoá, mặt hàng nào đang bán được, chưa bán được; mặt hàng nào sắp hết hạn, hoặc bán chạy nhất trong ngày để từ đó quản lý nguồn hàng và làm marketing hiệu quả. ./.
Hà Giang (Tổng hợp)