(Tổ Quốc) - Thái Lan là một trong những nước đã có những bước tiến vượt bậc trong quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, nhanh chóng vươn lên trở thành một quốc gia phát triển năng động ở khu vực Đông Nam Á.
Thái Lan là một nước thành công trong thực hiện gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo. Theo báo cáo do Ủy ban Phát triển kinh tế xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) vừa công bố, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, những nỗ lực giảm nghèo của Thái Lan đã giúp đưa tỷ lệ người nghèo ở quốc gia này từ 7,87% xuống 6,32%.
Có thể thấy rằng, với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách xã hội tiến bộ trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội. Chúng ta có thể nhìn lại một số chính sách nổi bật của Thái Lan thời gian qua.
Một là, thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Thái Lan là một nước thành công trong thực hiện gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo. Trước khủng hoảng tài chính - tiền tệ, tình trạng nghèo đói ở Thái Lan đã giảm mạnh cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế cao và liên tục trong suốt nhiều thập kỷ, thể hiện ở tỷ lệ đói nghèo giảm từ 20,15% năm 1990 xuống 6,1% năm 1998(8) và tính đến năm 2019, Thái Lan còn 14,5 triệu người nghèo(9), đặc biệt là ở khu vực nông thôn, chủ yếu do lực lượng lao động di cư khỏi nông thôn ra thành phố làm việc.
Tuy nhiên, trong khi công tác xóa đói, giảm nghèo giảm khá nhanh thì tình trạng bất bình đẳng lại có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo khảo sát của tổ chức Hurun Report, Thái Lan hiện có 50 tỷ phú USD, đứng thứ 9 trên thế giới, nhiều hơn cả các quốc gia phát triển như Pháp, Nhật Bản và Singapore. Riêng tại Bangkok, sự giàu có ngày càng trở nên rõ rệt. Hiện nay, Thái Lan là quốc gia có sự phân hóa giàu nghèo khá rõ ràng, mà ở đó 1% người giàu nhất Thái Lan kiểm soát tới 67% tổng tài sản nước này. Còn nhóm 10% người giàu nhất kiểm soát 85,7% tài sản quốc gia(10). Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là do chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, hậu quả phát sinh từ các chính sách, biện pháp bảo hộ đối với khu vực chế tạo ở thành thị, trong khi nông nghiệp ở các vùng nông thôn nghèo, xa xôi hẻo lánh như vùng Đông Bắc hầu như bị thả nổi. Chênh lệch giữa các vùng còn trở nên trầm trọng hơn do Chính phủ không sử dụng các công cụ phân phối lại thu nhập một cách công bằng hơn.
Mặt khác, tuy có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng Thái Lan cũng là nước dẫn đầu về tốc độ khai thác tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng nhanh cùng với việc khai thác triệt để mang tính thương mại hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân chủ yếu làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề.
Hai là, thực hiện bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội bao gồm 07 chế độ: ốm đau, thai sản, tàn tật mất khả năng lao động, tử tuất, trợ cấp trẻ em, hưu trí, thất nghiệp. Ở Thái Lan, đối tượng đóng Quỹ an sinh xã hội được chia thành ba nhóm: nhóm bắt buộc, nhóm tự nguyện và nhóm lao động phi chính thức. Trong đó, nhóm bắt buộc là lao động trong các doanh nghiệp (có từ 01 lao động trở lên); nhóm tự nguyện là lao động bị chấm dứt việc làm, từng là đối tượng bảo hiểm và không hưởng trợ cấp thất nghiệp; nhóm phi chính thức tham gia trên cơ sở tự nguyện với trợ cấp của chính phủ (năm 2011, Luật sửa đổi là đối tượng lao động tự do từ 15 - 60 tuổi). Mức đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của người lao động thay đổi tùy theo thu nhập với mức lương tối thiểu không ít hơn 1.650 bạt mỗi tháng và tối đa không vượt quá 15.000 bạt mỗi tháng. Riêng những người thu nhập dưới 1.650 bạt sẽ không phải đóng. Đối với lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc được Văn phòng An sinh xã hội (SSO) cung cấp 07 chế độ cho người tham gia. Theo quy định người sử dụng lao động và người tham gia bảo hiểm đóng như nhau 5% tiền lương, Chính phủ đóng góp khoản tiền với 2,75% của tiền công, 1,5% cho bốn chế độ đầu tiên và 0,25% cho trợ cấp thất nghiệp. Lao động tự do đóng góp hàng năm 3.360 bạt. Người sử dụng lao động đóng góp 03% và Chính phủ hỗ trợ 01%. Đối với lao động phi chính thức, người khuyết tật đóng 70 bạt/tháng và người già, tàn tật đóng 100 bạt/tháng(11).
Thái Lan được đánh giá là quốc gia có hệ thống bảo hiểm xã hội toàn diện nhất. Hệ thống bảo hiểm xã hội được thành lập năm 1992, bao phủ bảo hiểm cho khoảng 10 triệu người lao động trong lĩnh vực tư nhân và cộng đồng. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều qua các năm, từ 8,03 triệu người năm 2006 lên đến 10,65 triệu người năm 2013(12).
Ba là, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bước sang thế kỷ XXI, Chính phủ Thái Lan đưa ra những chương trình nhằm giúp người nghèo khắc phục những khó khăn trong cuộc sống và tạo điều kiện để họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong những năm qua, Chính phủ Thái Lan đã tiến hành hàng loạt các hoạt động nhân văn, đảm bảo công bằng trong phân phối bằng các chính sách tiến bộ như:
Chăm sóc sức khỏe 30 bạt của Thái Lan là chính sách bao cấp chăm sóc y tế phổ thông, với mục tiêu là tất cả người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế. Theo đó, những người nằm trong diện chính sách sẽ được chăm sóc sức khỏe tại cơ sở đăng ký cả khi ngoại trú lẫn nội trú. Trong trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển lên cơ sở y tế cao hơn. Mỗi lần khám, bệnh nhân chỉ cần chỉ trả 30 bạt viện phí, trẻ em dưới 12 tuổi, người già trên 60 tuổi và những đối tượng thuộc diện nghèo được miễn phí trên. Phần lớn tài chính cho chương trình này được lấy từ nguồn thuế thu nhập chung. Chương trình này góp phần phân phối lại thu nhập của người dân để đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.
Với chương trình này, Thái Lan là nước duy nhất trong số các nước thu nhập trung bình thấp đã thực hiện bảo hiểm y tế bao phủ toàn dân và được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Hiện nay, Thái Lan đang tích cực hiện đại hóa hệ thống y tế, nghiên cứu y học để tiến kịp với trình độ của khu vực và thế giới, biến Thái Lan dần trở thành trung tâm y tế của khu vực.
Quỹ làng một triệu bạt là chương trình được triển khai năm 2001 với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tăng thu nhập và giảm chi tiêu cho người nghèo ở nông thôn. Chương trình cho phép các địa phương và người dân tự ra quyết định, tự thiết lập các dự án cho riêng mình. Từ năm 2001 đến đến nay, gần 18 triệu người trong số 78.000 làng tham gia chương trình này. Mức vay trung bình cho mỗi người là 16.183 bạt (tương đương 518 USD) và lãi suất 6%/năm trong vòng 1 năm(13). Quỹ này đã đạt nhiều thành công trong việc thực hiện phân phối đến tận các làng xã trên cả nước, giúp cho các hộ gia đình nghèo tiếp cận nguồn tài chính để vươn lên làm giàu. Những chương trình trên đã góp phần xóa đói, giảm nghèo tích cực, đặc biệt là những người nghèo sinh sống ở các vùng nông thôn.