(Tổ Quốc) - Cho mượn xe công sẽ bị phạt đến 60.000.000 đồng; Địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200m trở lên... là những quy định được áp dụng từ 1/9/2018.
Cho mượn xe công sẽ bị phạt đến 60.000.000 đồng
Nghị định 63/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9 lần đầu tiên đưa ra mức phạt hành chính với sai phạm trong giao, sử dụng tài sản công hoặc cố ý hủy hoại, làm hư hỏng tài sản.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Vneconomy)
Theo nghị định, xử phạt gồm 3 mức: Từ 1.000.000-5.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng; Từ 5.000.000-10.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên; Từ 50.000.000-60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, ôtô (mức phạt hiện nay chỉ tối đa 20 triệu đồng).
Đáng lưu ý, nghị định có quy định rõ tổ chức, cá nhân bị xử phạt không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Đối tượng bị xử phạt bao gồm cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.
Vũ trường được hoạt động đến 2h sáng
Theo Nghị định 54/2019, từ ngày 1/9, vũ trường được kéo dài thời gian hoạt động đến 2h sáng thay vì 24h như hiện hành; từ 8h trở đi mới được mở cửa trở lại.
Tại nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định vũ trường không được cung cấp dịch vụ cho người chưa đủ 18 tuổi. Việc mở quán karaoke phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Diện tích phòng hát phải từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát.
Trong khi đó, vũ trường phải có diện tích từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ; Địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200m trở lên.
Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập
Danh mục này được ban hành kèm theo Quyết định 23/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
(Nguồn: Chinhphu.vn)
Cụ thể gồm các loại mặt hàng như: Thuốc lá điếu, chế phẩm từ thuốc lá; Rượu, bia sản xuất từ malt; Ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; Bài lá; Giấy vàng mã; Hàng hóa nhập khẩu theo Danh mục có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh…
Chín loại bệnh truyền nhiễm nhóm B phải cách ly
Tại Thông tư 17/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/9/2019, Bộ Y tế đề cập đến Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế.
Danh mục gồm 09 loại bệnh, trong đó có: Bạch hầu; Ho gà; Sở; Rubella; Than; Viêm màng não do não mô cầu; Tay chân miệng; Thủy đậu; Quai bị.
Cũng theo Thông tư, đối tượng giám sát dịch bệnh, dịch bệnh là những người bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.
Tập trượt băng, leo núi bắt buộc phải có người hướng dẫn
Theo Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL do Bộ VHTTDL ban hành, có 09 bộ môn thể thao bắt buộc phải có người hướng dẫn khi tập luyện, thi đấu, gồm: Leo núi nhân tạo; Trượt băng; Đua ngựa; Đấu kiếm thể thao; Bắn súng; Bắn cung; Thể dục dụng cụ; Thể dục nhào lộn và Đua thuyền.
Cũng tại Thông tư này, Bộ công bố Danh mục 10 hoạt động thể thao mạo hiểm, trong đó có: Dù lượn; Diều bay; Leo núi tự nhiên; Lặn biển thể thao giải trí; Mô tô nước trên biển…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.