• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Ninh Thuận

Văn hoá 27/04/2020 10:50

(Tổ Quốc) - Những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Ninh Thuận; Phú Yên đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Kết quả ghi nhận sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW "về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" tại Quảng Bình là những điểm tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Ninh Thuận - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ninhthuan.gov.vn)

Ninh Thuận chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đã chuyển biến rõ nét, thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội, các quy định về thực hiện nếp sống văn minh; không tổ chức các lễ hội có hành vi phản cảm, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin… gây mất an ninh trật tự; không cấp phép tổ chức lễ hội có mục đích thương mại, trục lợi... Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân nội dung Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; không đề xuất cấp phép tổ chức hoạt động lễ hội có mục đích thương mại, trục lợi,... trên địa bàn. Đối với các lễ hội có yếu tố mới phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tổ chức thực hiện.

Nhờ thực hiện tốt công tác chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời, đồng thời có sự tham gia từ các ngành chức năng mà trực tiếp là Sở VHTTDL Ninh Thuận đã giúp người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các lễ hội dân gian truyền thống, tạo môi trường sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh, tốt đẹp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân hiểu rõ hơn về vai trò và giá trị của lễ hội, từ đó tự giác chấp hành các quy định cũng như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội của cộng đồng, địa phương mình.

Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã mang lại kết quả bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn; nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, tạo sự gắn kết trong cộng đồng.

Phú Yên đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Đây là một trong những kết quả ghi nhận trong việc triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong tháng 04/2020.

Những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Ninh Thuận - Ảnh 2.

Đầm Ô Loan, Phú Yên. (Nguồn: vntrip.vn)

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, trong tháng 4, Sở đã ban hành hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa; Kế hoạch lập hồ sơ di tích trên địa bàn tỉnh năm 2020; văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo công tác quản lý di tích ở địa phương; phân công nhiệm vụ tổ giúp việc xây dựng Công viên địa chất Phú Yên. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tổ chức khảo sát, sưu tầm 05 hiện vật và hình ảnh (01 hiện vật về sản xuất nông nghiệp; 04 hình ảnh về Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ); thu thập tài liệu, xây dựng sưu tập hiện vật gốm trang trí kiến trúc Chăm Pa; sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật và chuẩn bị nội dung thuyết minh phục vụ trưng bày Nhà Lưu niệm Luật Sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ; triển khai khảo sát, lập kế hoạch chỉnh lý Nhà trưng bày bổ sung di tích Tàu Không Số - Vũng Rô.

Ngoài ra, Sở cũng đã hoàn thành lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sửa chữa, cải tạo Nhà Văn hóa Diên Hồng; hoàn thiện đề cương trưng bày, kịch bản trưng bày và giải pháp mỹ thuật trưng bày dự án trưng bày Nhà tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; hoàn thành thi công cắm mốc giới di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan ra thực địa. Tổ chức bàn giao hồ sơ 16 di tích quốc gia đã được Bộ VHTTDL thỏa thuận cho các địa phương liên quan quản lý theo quy định.

Quảng Bình kết quả ghi nhận sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Văn hóa và Thể thao (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ dạo Công tác gia đình của tỉnh, Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW "về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả ghi nhận.

Cụ thể, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác gia đình, đặc biệt là nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong giai đoạn hiện nay ngày càng được nâng cao. Từ sự chuyển biến về nhận thức, các cấp ủy Đảng, địa phương đề ra mục tiêu cụ thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các Sở, banh, ngành, địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mỗi người đều ý thức được trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dưng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Ninh Thuận - Ảnh 3.

Ảnh minh hoa. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Cùng với đó, các sở, banh, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; chủ động rà soát, đánh giá tình hình công tác gia đình tại mỗi đơn vị, địa phương, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc về công tác gia đình; quan tâm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi trụy; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực trong gia đình.

Công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng đã đạt được những kết quả thiết thực. Phong trào đã phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng; nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy;  công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đạt được nhiều kết quả tích cực, số vụ bạo lực gia đình giảm qua các năm; vai trò của gia đình trong việc chăm sóc và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi được nâng cao; triển khai thực hiện tốt các chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em… từ đó góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Tại các khu dân cư, danh hiệu gia đình văn hóa tăng lên cả số lượng và chất lượng, có tính bền vững và sức lan tỏa rộng khắp. Qua thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái; Số hộ gia đình được công nhanạ gia đình văn hóa tăng hằng năm (năm 2005 có 68,4% tổng số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, năm 2010 tỷ lệ này là 69,3%, năm 2019 là 85,3%)./.

Anh Vũ (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ