Những con phố đặc biệt của TP.HCM: Chỉ cần nghe tên là biết ngay ở nơi đó bán gì
(Tổ Quốc) - Có những con phố đặc biệt của TP.HCM, bạn có thể quên tên đường nhưng nhắc kèm món ăn hay sản phẩm buôn bán đặc trưng trên con phố đó thì ai cũng tỏ tường.
Nếu 36 phố phường Hà Nội được đặt theo tên của sản phẩm buôn bán chính tại khu vực đó, cộng thêm chữ “Hàng” phía trước. Ví dụ như phố chuyên bán bạc là phố Hàng Bạc, bán than có tên là Hàng Than, rồi Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Đậu… thì ở TP.HCM cũng có những con phố vừa đọc tên là biết ngay trên phố bán gì vì dọc cả con đường đều bán món này.
Đường Hải Thượng Lãn Ông - Phố trang trí
Đây là con phố sầm uất nhất ở thời điểm hiện tại vì lễ Giáng sinh cận kề và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp đến. Con đường được mệnh danh là "phố trang trí" này là phiên bản miền Nam của phố Hàng Mã - Hà Nội, các cửa hàng bán sản phẩm trang trí nằm kế nhau kéo dài đỏ rực cả một con đường. Phải nói có nhiều món đồ từ đặc trưng đến độc lạ để trang trí đều được bày bán ở đây, đa dạng kích thước, đầy đủ mẫu mã...
Ghé đến Hải Thượng Lãn Ông vào khoảng thời gian cuối năm, sẽ có 3 chủ đề vật phẩm trang trí hoà lẫn vào nhau bao gồm: Giáng sinh, Tết và cưới hỏi. Nếu khi trước chiếm tầm 70% là những sản phẩm Tết như pháo, bao lì xì, lồng đèn, hoa mai hoa đào, các chậu bon sai... thì bây giờ ở đây cập nhật nhiều hơn các vật dụng cho mùa Noel như cây thông giả, dây kim tuyến, mô hình ông già Noel, hộp quà, bông tuyết... phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mọi người thường nói vui với nhau rằng, nơi đón Tết sớm nhất TP.HCM, có lẽ là các hộ kinh doanh ở phố trang trí Hải Thượng Lãn Ông.
Ảnh: Cự Giải
Đường Nguyễn Trãi - Phố thời trang từ bình dân tới "sang chảnh"
Đây là một trong những con phố đặc biệt thu hút hàng trăm hay thậm chí cả nghìn cửa hàng kinh doanh quần áo, trang sức - phụ kiện,... gọi chung là đồ thời trang tại TP.HCM. Suốt hơn hàng chục năm qua, con đường này dường như chỉ vắng hơn một chút vào khoảng vài tháng dịch Covid-19 bùng phát đỉnh điểm rồi sau đó lại dần được "phủ đầy" bởi các cửa hàng chen chân nhau tìm các mặt bằng đắt địa để bắt đầu kinh doanh trở lại.
Đặc biệt, Nguyễn Trãi là con đường kéo dài từ quận 1 cho đến quận 5, đoạn giữa được phân định bởi vòng xoay Ngã Sáu Phù Đổng. Chính nơi này cũng là "đoạn phân cách" chia rõ phân khúc về giá cả đến quy mô của các cửa hàng thời trang. Tính từ vòng xoay này trở về quận 1 là sự phủ sóng của phần lớn các công ty, shop thời trang với mức giá được cho là "sang chảnh" bởi giá thuê mặt bằng tương đối cao.
Ảnh: Libe, Marc
Còn từ vòng xoay trở về quận 5 là thiên đường của các shop thời trang với giá bán và quy mô vừa phải, thậm chí còn là nơi kinh doanh của các mặt hàng dạng bình dân được bày bán trên khắp các vỉa hè. Vào những dịp cuối năm hoặc dịp lễ lớn, con đường này lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán.
Ảnh: n.t.hoangphuc, Nhật Sang
Đường Lương Nhữ Học Quận 5 - Phố lồng đèn
Do nằm ở Quận 5 tấp nập - khu vực đông người Hoa định cư lâu đời, phát triển nghề sản xuất lồng đèn thủ công, nên con phố nhỏ Lương Nhữ Học còn được dân nơi đây gọi với cái tên thân thương là "phố lồng đèn". Cứ mỗi dịp Trung thu gần kề, các tiểu thương lại bắt đầu trang trí, trưng bày đủ loại đèn lồng rực rỡ sắc màu, thu hút đông đảo người dân và du khách đến Lương Nhữ Học tham quan, mua sắm và chụp ảnh.
Lồng đèn ở phố Lương Nhữ Học rất đa dạng kiểu dáng, chất liệu, từ lồng đèn vải, lồng đèn cung đình, đến lồng đèn giấy... Ngay cả hoạ tiết và hoa văn trang trí trên đèn cũng vô cùng phong phú, mới lạ như: họa tiết hình hoa, hình cây cối, rồng phượng… Không chỉ nổi tiếng là phố lồng đèn vì kinh doanh số lượng mặt hàng lồng đèn khổng lồ, mà nếu bạn muốn tìm bất cứ một chiếc lồng đèn hay mẫu mã hiếm hoi độc nhất nào, cứ đến phố lồng đèn là có hết.
Ảnh: Văn Sơn, Đất Việt Tour
Đường Vĩnh Khánh Quận 4 - Phố ốc
Nằm ở Quận 4 sầm uất, con đường chỉ dài khoảng 1km mà Vĩnh Khánh tập trung đến hàng chục quán ốc lớn nhỏ nối tiếp nhau, người dẫn đến ăn vô cùng nhộn nhịp, đông đúc vào tối, đó là lý do vì sao người ta lại gọi đường Vĩnh Khánh là "phố ốc" nổi tiếng nhất TP.HCM.
Các quán ốc trên đường Vĩnh Khánh không hổ danh xưng khi đều có menu đa dạng với đủ loại ốc tươi ngon, cách chế biến phong phú, giá cả bình dân, không gian thoáng mát, sạch sẽ với hai khu vực là trong nhà và ngoài trời cho bạn tha hồ lựa chọn chỗ ngồi. Nói chung, "phố ốc" là địa điểm quen thuộc khi thèm ốc vào chiều tối và muốn tụ tập, ăn uống xả stress sau giờ làm việc, hoặc vào mỗi cuối tuần.
Đường Trần Phú Quận 5 - Phố tranh
Chỉ cần nhắc đến đường Trần Phú Quận 5 là lại nghĩ ngay đến "phố tranh". Tuy chỉ kéo dài vài trăm mét, từ ngã năm giao với đường An Dương Vương đến gần ngã sáu giáp đường Nguyễn Văn Cừ, nhưng đoạn đường Trần Phú lại có đến gần 90 cửa hàng tranh hoặc khung tranh, vật tư ngành sản xuất tranh... Đi dọc con đường Trần Phú, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào không gian nghệ thuật kéo dài.
Nơi đây tập trung đông đảo các điểm bán tranh với nhiều thể loại tranh khác nhau, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Nếu phân loại tranh theo chất liệu cấu thành, thì các tiệm tranh có: tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranh thêu, tranh cẩn đá quý, tranh đúc đồng, tranh lụa, tranh giấy, tranh gạo, tranh cát, tranh thêu… Xét về nội dung có tranh chân dung, tranh phù điêu, tranh tượng, tranh thư pháp, tranh sao chép, tranh sáng tác… Sự phong phú, dồi dào của các cửa hàng tranh nơi đây đã khiến con đường Trần Phú gắn liền với cái danh "phố tranh" lớn nhất TP.HCM.
Đường Phạm Phú Thứ Quận 6 - “Làng” chổi đót
Nhắc đến đường phạm Phạm Phú Thứ, người ta không khỏi nhớ ngay đến “làng” chổi đót cuối cùng của TP.HCM. Đi sâu vào con hẻm 180 Phạm Phú Thứ quận 6, bạn sẽ có cảm giác đây là một TP.HCM rất khác, yên bình, hồn hậu với tiếng lạo xạo của những bó đót va đập, tiếng kéo sợi cước vang vang được thực hiện thoăn thoắt dưới bàn tay của các nghệ nhân làm chổi.
Do toàn bộ quy trình làm chổi đều được thực hiện thủ công nên công việc này rất cực, thu nhập thấp, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy nhiều nhà dự định sẽ bỏ nghề này đi. Có cơ hội, bạn hãy ghé thăm làng chổi đót cuối cùng - nét đẹp văn hóa riêng gắn với con đường Phạm Phú Thứ tại TP.HCM trước khi nó biến mất.
Đường Lương Hữu Khánh Quận 1 - Phố biển hiệu
Đường Lương Hữu Khánh hiện nổi tiếng là một con phố buôn bán tấp nập với nhiều cửa hàng và ki-ốt chuyên làm biển hiệu ở TP.HCM, dù trước đó rất lâu, đường Phạm Hồng Thái mới là nơi các doanh nghiệp thường xuyên lui tới mỗi khi muốn làm biển hiệu.
Trong những năm 1989, thành phố có kế hoạch xây dựng một khách sạn lớn trên đường Phạm Hồng Thái, nên đã huy động người dân tạm thời di dời ki-ốt về đường Lương Hữu Khánh. Mặc dù thời gian quy hoạch dự tính ban đầu sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm, nhưng rồi ngót nghét hơn 30 năm trôi qua mà vẫn không có thêm thông báo gì, nên người dân cứ thế duy trì việc làm ăn. Dần dần, những cửa tiệm tương tự mọc lên ngày càng nhiều, một phần đường ray bỏ hoang năm nào nay đã trở thành con phố đông đúc, tấp nập quầy hàng kinh doanh biển hiệu san sát nhau. Thế rồi, không biết tự bao giờ, cái tên “phố biển hiệu” thú vị, đặc biệt ấy đã gắn liền với đường Lương Hữu Khánh.