(Tổ Quốc) - Một số thương hiệu vô cùng nhanh nhạy khi "biến hóa" cửa hàng của mình sao cho phù hợp với nét văn hóa, kiến trúc địa phương.
Khi đến những địa điểm du lịch, bên cạnh tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hay trải nghiệm những món đặc sản địa phương, một trong những hoạt động được các du khách ưa chuộng khác đó là tới những quán cà phê. Tại đây, họ có thể tụ tập cùng bạn bè và người thân, ngồi nghỉ ngơi, thư giãn sau những hành trình dài.
Những quán cà phê hiện nay để "chiều" lòng các vị khách của mình luôn có nhiều phong cách thiết kế khác nhau. Trong đó, thời gian gần đây, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, một số thương hiệu cà phê đã có một bước đi mới trong lối thiết kế kiến trúc cửa hàng của mình. Đó là "nhập gia tùy tục" với lối kiến trúc, văn hóa của địa phương.
Mới đây nhất là quán cà phê của thương hiệu Starbuck ở Hội An, Quảng Nam. Hình ảnh về quán cà phê đặc biệt được dân mạng truyền tay nhau trên khắp các mạng xã hội. Nhiều ý kiến bình luận khen ngợi về kiến trúc của quán cà phê này, vô cùng hài hòa với cảnh quan, kiến trúc chung của phố cổ Hội An.
Quán cà phê Starbucks được thiết kế diện mạo đặc biệt để phù hợp với tổng thể không gian phố cổ Hội An. (Ảnh TH)
Qua hình ảnh có thể thấy, thay vì sử dụng màu sắc chủ đạo hay thiết kế hiện đại thường thấy của thương hiệu mình, quán cà phê Starbuck ở Hội An được thiết kế với màu tường vàng và cửa gỗ đen là chủ yếu.
Tài khoản tên Robert Nguyen bình luận khen ngợi: "Kết hợp quá thông minh. Làm thế này sẽ thu hút được du khách nước ngoài lắm đây."
"Xinh quá, mình rất thích những quán cà phê biết cách "địa phương hóa" thiết kế như thế này", tài khoản Tommak Hoang nói thêm.
Theo tìm hiểu, không chỉ có Starbuck mà cũng đã có một số thương hiệu quán cà phê khác quyết định mở cửa hàng bên trong khu vực phố cổ Hội An. Trước đó, họ sẽ phải làm việc với Ban Quản lý phố cổ Hội An để được phê duyệt thiết kế cửa hàng, sao cho hài hòa với không gian và cảnh quan xung quanh.
Một số cửa hàng, chi nhánh của các thương hiệu khác từ đồ điện tử, ngân hàng hay quán cà phê đều phải tuân thủ theo quy định này. Từ đó tạo ra một nét rất đặc biệt khi "đặt chân" tới phố cổ Hội An.
Một số cửa hàng từ các thương hiệu khác khi "gia nhập" phổ cổ Hội An đều phải có cấu trúc tương đồng với cảnh quan chung. (Ảnh TH)
Được biết, việc các quán cà phê "nhập gia tùy tục" với nét kiến trúc địa phương không còn là điều xa lạ trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan. Dưới đây là một số địa điểm nổi bật, được nhiều du khách đánh giá cao.
1. Cửa hàng ở Thái Lan
Thương hiệu cà phê Mỹ Starbucks bắt đầu đặt chân tới thị trường Xứ Chùa Vàng Thái Lan vào tháng 7 năm 1998. Tính đến nay, thương hiệu này đã có tới hơn 400 cửa hàng trên toàn đất Thái.
Trong số những cửa hàng đó, có 3 cửa hàng nổi bật bởi mang đậm nét kiến trúc truyền thống của Thái Lan.
Đầu tiên đó là cửa hàng Starbucks Kad Farang ở Chiangmai. Kiến trúc của nó được lấy cảm hứng từ những ngôi đèn Lanna với những mái nhà nhọn, cao vút. Tường nhà bao phủ chủ yếu bởi màu trắng, nhấn nhá bằng các hình họa được tạc hay điêu khắc trên đỉnh mái nhà hoặc trước các lối vào. Kết hợp với đó là nguyên liệu gỗ trên các cánh cửa, sàn nhà hay trần nhà ở phía bên trong.
Tiếp đến là cửa hàng Starbucks Baan Chart nằm trên con phố tấp nập bậc nhất thủ đô Bangkok - Khaosan. Không phải màu trắng, toàn bộ tường của cửa hàng này được sơn màu xanh, lớp mái ngói theo kiểu mái Thái quen thuộc của Xứ Chùa Vàng. Đây cũng là phong cách Indo - Chino độc đáo, riêng biệt.
Tương tự như cửa hàng ở Khaosan, cửa hàng Starbucks Soho Bamrung Muang ở Bangkok cũng được thiết kế theo những nếp mái nhà Thái đặc trưng. Tuy nhiên, phần sơn tường hay các cửa sổ được tối giản hơn. Theo nhiều du khách, chi nhánh này mang lại cảm giác như một ngôi nhà cổ của những người bản địa giữa lòng thành phố.
Hai cửa hàng ở Thái Lan với nét kiến trúc mang tính địa phương. (Ảnh TripAdvisor)
2. Cửa hàng ở Nhật Bản
Nhật Bản có thể được coi là một trong những đất nước có nhiều cửa hàng cà phê phải "nhập gia tùy tục" nhất. Với con số các cửa hàng Starbucks ở đất nước này lên tới hơn 1400 cửa hàng, mỗi cửa hàng đều được đầu tư rất chất lượng, có điểm nhấn riêng trong lòng du khách.
Những quán cà phê ở Nhật chủ yếu được thiết kế theo phong cách nhà cổ hay những quán trà đạo truyền thống. Thay vì ngồi trên bàn ghế, họ có thể ngồi bệt dưới đây trên những chiếc nệm, cùng những chiếc bàn thấp. Mái nhà được lớp ngói, cửa ra vào được làm từ gỗ ván thô sơ. Thêm vào đó, một số cửa hàng còn được tận dụng từ chính những ngôi nhà cổ lên tới hơn 100 tuổi.
Các quán cà phê ở Nhật chủ yếu tận dụng những ngôi nhà cũ, hoặc mô phỏng lại hình ảnh của một Nhật Bản xưa cũ. (Ảnh TripAdvisor)
Những cái tên nổi bật về quán cà phê "nhập gia tùy tục" ở Nhật Bản có thể kể tới như Starbucks Kyoto Ninenzaka Yasaka Chaya, Starbucks Coffee Kawagoe Kanetsuki Dori hay Starbucks Dogo Onsen Ekisha, Ehime lấy cảm hứng từ ga tàu cổ.
3. Cửa hàng ở Trung Quốc
Tương tự như ở Nhật Bản, các thương hiệu lớn khi muốn tiến vào thị trường Trung Quốc cũng phải chuyển mình qua kiến trúc các cửa hàng, để thân thiện hơn với đa phần các khách hàng bản địa, cũng như tạo dấu ấn cho du khách đến du lịch.
Những cửa hàng cà phê Starbucks ở Trung Quốc trông không khác gì những thủ phủ cổ từ những thế kỷ trước, hay được xây dựng mô phỏng theo thiết kế cung đình xưa.
Những cửa hàng Starbuck nổi tiếng nhất ở Trung Quốc với lối kiến trúc truyền thống đó là cửa hàng trong khu phố cổ Lệ Giang, làm hoàn toàn bằng gỗ với phong cách của dân tộc Nạp Tây bản địa; cửa hàng ở Sanfang Qixiang hay còn được gọi là cổ lầu bởi nằm trong một ngôi nhà cổ, mang kiến trúc đặc trưng của Phúc Châu; cửa hàng ở San jie liang xiang' - khu phố bảo tồn văn hóa dân gian và ẩm thực của Nam Ninh xưa; cửa hàng ở Thượng Hải được xây dựng ngay tại ngôi đền Zhujiajiao Chenghuangmiao; và cửa hàng ở khu Đông Thành, Bắc Kinh với lớp sơn xanh đỏ, gợi nhớ về một thời Trung Quốc vào thế kỷ 19, 20.
Những cửa hàng mang đậm phong cách Trung Hoa. (Ảnh Douyin)
4. Cửa hàng ở Hàn Quốc
So với Nhật Bản hay Trung Quốc thì số lượng những quán cà phê được xây dựng theo nét kiến trúc cổ ở Hàn Quốc có phần ít hơn.
Mới đây nhất là cửa hàng được khai trương dưới sự kết hợp của Starbucks và công ty điện tử tiêu dùng cao cấp của Đan Mạch Bang & Olufsen. Cửa hàng được xây dựng theo mô hình những ngôi nhà cổ phong cách truyền thống Hàn Quốc, hay còn được gọi là Hanok, ở Deagu - thành phố từng được UNESCO công nhận là Thành phố Âm nhạc thế giới.
Thực tế, diện tích rộng lớn khoảng 7000m2 của cửa hàng này trước kia cũng chính là ngôi nhà dân gian cổ hơn 100 tuổi, được xây dựng từ năm 1919. Sau đó nó được tái cấu hình thành không gian thưởng thức cà phê và có sức chứa lên tới 120 khách cùng lúc.
Thực tế, diện tích rộng lớn khoảng 7000m2 của cửa hàng này trước kia cũng chính là ngôi nhà dân gian cổ hơn 100 tuổi, được xây dựng từ năm 1919. Sau đó nó được tái cấu hình thành không gian thưởng thức cà phê và có sức chứa lên tới 120 khách cùng lúc.
Hầu như tất cả cấu trúc ban đầu, như vì kèo, dầm, cột, ván sàn và ngoại thất, được bảo tồn nguyên vẹn. Starbuck đã tạo ra một không gian vừa hiện đại vừa ấm áp, giúp làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Bên cạnh bàn ghế thông thường, còn có khoảng 20 chỗ ngồi trải chiếu tatami cũng được đặt trên hiên nhà để bạn có thể thưởng thức cà phê trong khi ngắm nhìn khu vườn.
Bên cạnh những chỗ ngồi bàn ghế thông thường, trong quán có cả chỗ ngồi bệt theo phong cách tatami. (Ảnh Shout)
Việc các cửa hàng cà phê “nhập gia tùy tục”, phá bỏ những quy tắc cũ để đem nét kiến trúc truyền thống địa phương vào thiết kế cửa hàng của mình là một điều rất đáng khen, vừa giúp tạo ra sự hài hòa cho cảnh quan, vừa là nét độc đáo, ấn tượng với du khách.