(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Lâm An – Giám đốc khu du lịch Sun World Ba Na Hills chia sẻ: “Như một mối duyên kỳ lạ, mọi thứ ở đây một khi đã bén được rễ với đất Bà Nà sẽ phát triển rất rực rỡ. Có những loài vốn không thuộc về nơi đây nhưng vẫn vươn mình tỏa hương. Cả con người cũng vậy. Bà Nà đã cho nhiều người một cuộc sống hoàn toàn mới.”
Khi một cánh cửa khép lại
Bà Nà, một buổi sớm năm 2006...
Trong phòng bán vé Danatour, chị Diệu đứng ngồi không yên, lòng nóng như lửa đốt. Chốc chốc, chị lại ngẩng mặt nhìn về phía biển. Ngoài kia, mây vần vũ đen đặc. Gió rít từng cơn nghe như tiếng gầm gừ của biển cả. Bão gần lắm rồi... Tiếng đài radio vang lên liên tục: "Yêu cầu người dân sơ tán khẩn cấp".
Hai bàn tay nắm chặt vào nhau, đôi mắt chị cố gắng mở lớn hơn nhìn về phía chân núi Chúa, hướng xã Hòa Khánh. Những dây thần kinh như bị kéo căng ra. Tim đập nhanh liên hồi, máu chạy rần rần hai bên thái dương. Linh cảm của người phụ nữ mách bảo chị có chuyện chẳng lành...
Chiều hôm ấy, khi bão tan, chị Diệu lật đật leo lên chiếc xe máy cà tàng phóng vội về nhà. Nhưng chỉ đến sân, người phụ nữ trẻ ấy chết lặng. Ngôi nhà cấp 4 vốn được xây tạm bợ đã bị bão thổi bay, chỉ còn trơ lại 4 bức tường trống…
Chị Nguyễn Thị Minh Diệu
Kể lại cho chúng tôi câu chuyện rất buồn ấy, chị Nguyễn Thị Minh Diệu (38 tuổi, hiện là cán bộ hành chính nhân sự Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà) vẫn chưa hết thảng thốt. Chị bảo, quãng thời gian trước khi vào Sun World Ba Na Hills làm việc cũng chính là giai đoạn bế tắc nhất.
"Lúc đó, hai vợ chồng tôi đều làm cho Danatour. Riêng tôi thì chỉ được ký hợp đồng thời vụ. Lương cả hai rất thấp, công việc lại chỉ được vài tháng mùa du lịch rồi nghỉ. Những lúc rảnh rỗi ở nhà, ai thuê gì tôi cũng làm mà vẫn chẳng đủ ăn. Có những lúc thùng gạo trống trơn," người phụ nữ trước mặt chúng tôi vừa lúi cúi làm việc, vừa buồn buồn kể.
Ngày ấy, sau khi sinh đứa con đầu lòng, anh chị tách ra ở riêng. Vay mượn khắp nơi, gia đình nhỏ xã Hòa Khánh cũng cất được căn nhà nhỏ "không có miếng sắt nào" để làm tổ ấm.
"Vậy mà, bỗng dưng chúng tôi trắng tay. Vay 70 triệu để dựng nhà, sau một cơn bão đã mất sạch," chị Diệu tâm sự.
Đã có lúc, người đàn bà Hòa Khánh đã tưởng cuộc đời mình đi vào ngõ cụt…
….
Một năm sau, từ xã nghèo Tuyên Hóa, Quảng Bình, Nguyễn Thanh Lịch khi ấy mới 18 tuổi sau khi học hết cấp 3 đã lên xe đò vào Đà Nẵng với hành trang chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng. Cậu trai trẻ măng vốn là con út trong gia đình 4 anh chị em đã phải bắt đầu cuộc mưu sinh long đong nơi đất khách từ rất sớm.
Nguyễn Thanh Lịch
"Em định vào ôn thi Đại học nhưng vì nhà quá khó khăn nên em lại thôi. Mẹ em mất lâu rồi, các anh chị ở quê cũng lập gia đình cả, chỉ còn ba em ốm đau liên miên. Khi nớ, nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng em xin làm công nhân trong Khu công nghiệp với mức lương chỉ 2 triệu đồng/tháng," Lịch bẽn lẽn kể.
Nhưng suốt 6 tháng làm công nhân, Lịch chợt nhận ra: Mình cần phải có một cái nghề. Nghĩ là làm, Lịch nghỉ việc ở khu công nghiệp, xin học nấu ăn tại một trường Trung cấp. Ngày ngày, sau giờ học, cậu lại bắt đầu việc phục vụ tại quán karaoke đến tận 12 giờ đêm.
"Vất vả tý nhưng ít nhất em tự nuôi được mình và có một khoản nhỏ gửi về cho ba," cậu trai đất Quảng thổ lộ.
Ròng rã như thế cho đến khi học xong Trung cấp, Lịch lại lao vào cuộc phiêu lưu mới. Từ đó cho đến tận năm 2013, chàng trai ấy đi khắp các tỉnh thành từ Huế đến Quảng Bình làm đầu bếp cho nhiều nhà hàng, nhưng không nơi đâu cho cậu một thu nhập ổn định và lâu dài. Trằn trọc bao đêm, Lịch vẫn không tìm nổi cho mình một bước đi tương lai.
… một cánh cửa khác sẽ mở ra
Ngày 4/9/2007 đánh dấu một trang mới trong cuộc đời chị Diệu: Sau khi Danatour giải thể, chị được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần cáp treo Bà Nà với vai trò "cô nuôi" cho gần 70 cán bộ đang ngày đêm làm việc trên đỉnh Bà Nà.
Nhớ lại những ngày ấy, chị Diệu không khỏi bùi ngùi: "Ngày ấy cực nhưng mà vui lắm. Ngày nào cũng như ngày nào, mình dậy từ 4,5h sáng, đi xe máy xuống chợ Hòa Khánh cách đây 17-18km mua đồ ăn mang về trại giữa lưng chừng núi nấu nướng. Nấu xong thì chia suất, rồi xếp cơm vào hộp xốp lớn, cứ một hộp đằng trước, một hộp đằng sau, một thân một mình bươn trên đường núi."
Ngày ấy, Bà Nà vẫn còn hoang sơ. Đường lên đỉnh núi Chúa gồ ghề đất đá, ngay cả những gã xe ôm thường xuyên chở khách du lịch cũng ngán ngẩm. Ấy vậy mà bất chấp thời tiết nắng nóng hay đường mưa trơn trượt, không một ngày nào chị để mọi người thiếu dù chỉ một suất cơm. Đến độ, anh em trong công ty hay gọi đùa chị bằng biệt danh "anh hùng xa lộ" đầy trìu mến.
Những ngày đầu, khi Tập đoàn Sun Group bắt tay xây dựng Bà Nà, phần lớn người dân nơi đây đều không tin dự án đồ sộ này sẽ thành công. Riêng với chị Diệu, chị tin vào cái ngày hoàn thành dự án, tin vào ngày Bà Nà sẽ chuyển mình. Và thực tế đã minh chứng cho niềm tin ấy.
11 năm làm việc, cuộc sống của chị cũng từng ngày đi lên theo cái cựa mình đứng dậy của Bà Nà. 5 năm sau khi trở thành "cô nuôi", chị đã trả hết nợ nần cũ, và bắt đầu có của ăn của để.
"Đến tận lúc này, hai vợ chồng chúng tôi mới mạnh dạn sinh thêm con," chị cười giòn tan khoe, mắt lấp lánh ánh cười.
Chị bảo: Nhờ có cáp, cuộc đời chị mới sang trang "như một giấc mơ hoang đường vậy".
….
Còn với Nguyễn Thanh Lịch, sau 6 năm bôn ba, lăn lộn với đủ thứ nghề, cậu tìm cũng tìm được điểm dừng với Bà Nà. Năm 2013, Lịch trúng tuyển vào vị trí phụ bếp cho nhà hàng Arapang trên đỉnh núi. Ở đây Lịch đã có cuộc sống ổn định và tương lai rộng mở. "Chúng em được bố trí chỗ ăn nghỉ, các chế độ đãi ngộ cũng rất tốt", Lịch hớn hở khoe.
Kể đến đây, Lịch chợt thoáng buồn. Đôi mắt cậu nhìn ra rặng mây phía xa đang sà sát xuống mái nhà thờ. Ngẩn ra một lát, Lịch bảo: Điều khiến em muốn gắn bó nhất với Bà Nà là tình cảm của mọi người nơi đây.
"Năm nhà em bị bão lụt, các anh chị em đồng nghiệp ở Công ty còn góp giúp em một khoản để dựng lại nhà cho ba. Vừa rồi, nghe tin ba em vừa phát hiện bị ung thư, mọi người cũng xúm lại động viên. Nếu không có thứ tình cảm ấy, em không biết mình sẽ vượt qua thế nào," Lịch rưng rưng.
Trong suốt những ngày lang thang tìm lại câu chuyện về kỳ tích xây dựng cáp treo lên Bà Nà, chúng tôi đã gặp rất nhiều người như chị Diệu và Lịch. Với họ, Bà Nà giống như một cánh cửa mới sẽ mở ra khi cuộc sống tưởng chừng như bế tắc nhất. Và, theo một cách nào đó, bình nguyên mù sương này lại trở thành miền đất hứa, trở thành quê hương thứ hai của họ…