• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những dấu ấn mạnh mẽ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Kinh tế 17/03/2018 10:14

(Tổ Quốc) -Với tên gọi giản dị: Sáu Khải, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn trong quá trình xóa bỏ rào cản cho khu vực doanh nghiệp tư nhân và ông cũng chính là lãnh đạo cấp cao đầu tiên sang thăm Mỹ, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.

Luật Doanh nghiệp: Xóa bỏ rào cản với quyền tự do kinh doanh của người dân

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933 ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông tham gia phong trào cách mạng từ năm 1947 và vào Đảng năm 26 tuổi.

Ông từng làm Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng. Ông hay được gọi bằng cái tên giản dị: Sáu Khải.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá X vào tháng 9/1997, ông được bầu làm Thủ tướng. Tháng 7/2002, tại kỳ họp thứ nhất QH khoá 11, ông được bầu lại làm Thủ tướng. Và tới tháng 6/2006, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm.

Đảm nhận cương vị Thủ tướng trong gần 9 năm từ năm 1997 đến năm 2006, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ.

Thời điểm đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao, ổn định mà lại không gây ra những vấn đề lớn như nợ công, nợ xấu. Những vấn đề này theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: luôn được ông quan tâm và kiểm soát rất tốt.
Thủ tướng Phan Văn Khải hội kiến Tổng thống George W. Bush tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ tháng 6-2005 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Đó cũng là thời kỳ rất nhiều biện pháp cải cách được đưa ra. Hệ thống luật pháp mới dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường, WTO, hàng loạt luật tốt được ra đời như: luật Doanh nghiệp 1999, luật Doanh nghiệp 2005, luật Đầu tư 2005… Các luật này ra đời với tư duy và cách tiếp cận rất mới, rất mạnh dạn so với trước và cũng là kế tiếp tinh thần đổi mới của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đồng quan điểm này, theo tờ Tuổi trẻ, dấu ấn quan trọng nhất của Chính phủ giai đoạn này là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999 - được đánh giá là bước tiến làm thay đổi đất nước: xóa bỏ những rào cản đối với quyền tự do kinh doanh của người dân, mở đường cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tìm được chỗ đứng xứng đáng trong nền kinh tế.

Trong khi đó, về đối ngoại, nhiều tờ báo đánh giá, một trong những dấu ấn lớn trong 2 nhiệm kỳ của ông Sáu Khải là việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với chuyến công du lịch sử đến Mỹ (từ 20 đến 25-6-2005).

Là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ năm 1975, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã hội kiến với Tổng thống George W. Bush, gặp gỡ đại diện chính giới và doanh nghiệp Mỹ, chuyển đến các bạn Hoa Kỳ thông điệp thúc đẩy hợp tác thương mại Việt - Mỹ.

Chuyến thăm đánh dấu 10 năm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, đồng thời mở ra hơn một thập kỷ tiếp theo hai quốc gia ngày càng lại gần nhau hơn trên mọi lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, văn hoá, giáo dục, giao lưu nhân dân, đặc biệt là việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện ngày 25-7-2013.

Vị Thủ tướng giản dị

Trên tờ VietNamNet, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ những kỷ niệm, ấn tượng về nguyên Thủ tướng.

Theo đó, tới dự khai mạc hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hà Nội khi ấy với cương vị là Phó Thủ tướng, ông Sáu Khải đến tận từng gian hàng, xem tận mắt các sản phẩm, trao đổi lắng nghe các doanh nghiệp trẻ.

“Ông là người thực sự biết lắng nghe, gần gũi, với không khí làm việc rất dân chủ. Các thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng không phải giữ kẽ, không phải e ngại điều này điều kia là cấm kỵ”- bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

Một chi tiết đáng chú ý, trong nhiều chuyến đi nước ngoài, bà Phạm Chi Lan chứng kiến nhiều lần ông từ chối ngồi một mình ở khoang cao cấp để xuống ngồi cùng anh em chuyện trò, kể chuyện tiếu lâm, tạo không khí thân mật, gần gũi giữa người đứng đầu Chính phủ với các doanh nghiệp, với những người giúp việc cho mình…

Được biết, tới tháng 6.2006, trong bài phát biểu cuối cùng trước Quốc hội bày tỏ nguyện vọng muốn từ nhiệm sớm 1 năm, ông Sáu Khải đã thể hiện sự day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công.

“Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu”- nguyên Thủ tướng nói trước Quốc hội.

Thời điểm ông Sáu Khải làm Thủ tướng, một trong những vụ án tâm điểm trong cuộc chiến chống tham nhũng là vụ án "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" của Bùi Tiến Dũng và thuộc cấp tại Ban quản lý các dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải - vụ PMU 18./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ