• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những dấu ấn trong công tác quản lý nhà nước về thư viện năm 2019

Văn hoá 26/01/2020 07:02

(Tổ Quốc) - Năm 2019, với sự nỗ lực của toàn ngành, hoạt động thư viện đã có nhiều khởi sắc. Các thư viện ở Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều dịch vụ mới, thân thiện, hiện đại góp phần nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Những dấu ấn trong công tác quản lý nhà nước về thư viện năm 2019 - Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Thứ nhất, Bộ VHTTDL đã tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế. Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật Thư viện, Bộ đã phân công cho Vụ Thư viện cùng các cơ quan chức năng triển khai dự án Luật Thư viện. Ngày 21/11/2019, Luật Thư viện đã được thông qua với 91,51% ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Đây là một sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn đối với ngành thư viện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc phát triển, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận thư viện và tri thức tốt hơn, để thực hiện việc học tập suốt đời thuận lợi ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam.

Cùng với việc xây dựng Luật Thư viện, Bộ VHTTDL còn nỗ lực triển khai xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực thư viện.

Thứ hai, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc triển khai hai Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" (theo Quyết định số 208/QĐ-Ttg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ) và "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" (theo Quyết định số 329/QĐ-Ttg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ) đã được thúc đẩy. Toàn ngành thư viện đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu mà hai Đề án đã xác lập. Chương trình "Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt" là một trong các sáng kiến đã được triển khai hiệu quả nhằm thực hiện hai Đề án trên. Môi trường đọc từng bước được cải thiện, các dịch vụ phục vụ người dân học tập suốt đời không ngừng đổi mới, thân thiện.

Những dấu ấn trong công tác quản lý nhà nước về thư viện năm 2019 - Ảnh 2.

Ông Phạm Viết Thu - Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam và bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện ký kết chương trình phối hợp công tác.

Để thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Cuộc thi đã thu hút 536.557 học sinh, sinh viên tham gia.

Thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp công tác với Bộ, ngành liên quan nhằm mục tiêu đưa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng, chú trọng đến các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn và các đối tượng bạn đọc đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… Năm 2019, Bộ VHTTDL (Vụ Thư viện) đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác với Hội Người mù Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị.

Sau lễ ký kết, Vụ Thư viện đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ Hội Người mù Việt Nam và các học sinh khiếm thị các tài liệu, máy tính, trang thiết bị chuyên dụng và tổ chức các buổi tọa đàm nhằm tạo động lực, ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Những dấu ấn trong công tác quản lý nhà nước về thư viện năm 2019 - Ảnh 3.

Trao tặng 31 xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện. Ảnh: Nam Nguyễn

Thứ ba, công tác vận động thu hút nguồn lực của xã hội vào hoạt động thư viện được đẩy mạnh. Bộ VHTTDL phối hợp với Tập đoàn Vingroup thực hiện tiếp tục triển khai Dự án trang bị Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện "Ánh sáng tri thức" trao tặng 31 xe và tập huấn sử dụng cho các thư viện tỉnh, thành phố. Dự án đã tạo điều kiện cho các thư viện triển khai các dịch vụ phục vụ cộng đồng hiệu quả tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là với đối tượng học sinh, bộ đội biên phòng và các phạm nhân. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị "Tổng kết hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng" khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở hoạt động hiệu quả, khích lệ và tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức, tham gia hoạt động thư viện. Sau Hội nghị đã có một số thư viện tư nhân mới được thành lập, tiêu biểu có thể kể đến như Thư viện tư nhân của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với vốn tài liệu hơn 10.000 bản sách và 1.000.000 tư liệu khác nhau.

Các chương trình vận động, phối hợp , hỗ trợ xây dựng thư viện tiếp tục được duy trì thực hiện tại các tỉnh Điện Biên, tỉnh Hòa Bình,… cho các thư viện, trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc,.. với hàng chục vạn cuốn sách đã được trao tặng đến các khu vực đặc biệt khó khăn.

Những dấu ấn trong công tác quản lý nhà nước về thư viện năm 2019 - Ảnh 4.

Thư viện mới được khai trương tại Trường liên cấp Nhân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) với hỗ trợ của Vụ Thư viện.

Chính từ những thành tựu và sự đổi mới toàn diện trong công tác quản lý nhà nước, hoạt động thư viện ở Việt Nam đã có nhiều chuyển động tích cực, góp phần không nhỏ trong phát triển văn hóa đọc, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời. Số lượng người dân đến với thư viện và số lượng sách được đưa đến phục vụ cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên có sự gia tăng. Ước tính các chỉ số hoạt động của hệ thống thư viện công cộng và các thư viện đa ngành, chuyên ngành năm 2019 hơn 15% so với năm 2018. Chỉ riêng hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường phổ thông đã phục vụ được hơn 100 triệu lượt người sử dụng với hơn 180 triệu lượt sách, báo và tài liệu.

Thúy Ngà

NỔI BẬT TRANG CHỦ