Những địa danh lịch sử gắn liền với Ngày toàn quốc kháng chiến
Thực hiện: Nam Nguyễn | 18/12/2021
(Tổ Quốc) - Pháo đài Láng, nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc hay hang chùa Trầm... là những địa danh lịch sử vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Là minh chứng rõ nét cho những ngày toàn quân và dân thủ đô cũng như cả nước hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc là nơi Bác đã ở và làm việc vào tháng 12/1946.
Tại đây, Bác đã chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, vạch ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Tại đây, những hiện vật gắn liền với Người trong giai đoạn tháng 12/1946 như chiếc bàn làm việc, chiếc giường ngủ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Nơi đây đang được tổ chức trưng bày tư liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Hang chùa Trầm là nơi Đài tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 20/12/1946 và thơ chúc tết năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là nơi đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam sơ tán rời Hà Nội để tiếp tục công việc tuyên truyền trong kháng chiến chống Pháp.
Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, cả nước đứng lên quyết bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Thủ đô đã biến phố phường thành trận địa, đình chùa thành căn cứ cách mạng, mọi ngôi nhà đều trở thành pháo đài trong cuộc kháng chiến...
Tấm phù điêu được giữ lại trên phố Nguyễn Khắc Nhu (Ba Đình, Hà Nội) trước cổng nhà máy điện Yên Phụ. Nơi đây, vào lúc 20h03 phút ngày 19/12/1946, các công nhân của nhà máy đã phá máy, tắt điện làm hiệu lệnh mở đầu toàn quốc kháng chiến.
Pháo đài Láng là nơi bộ đội đã bắn những phát súng đầu tiên vào 20h3 ngày 19/12/1946. Đây được coi là hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Rạp Chuông Vàng (trước đây được gọi là rạp Tố Như) nằm ở ngã tư Hàng Bạc - Tạ Hiện vào ngày 14/1/1947, các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô đã làm lễ tuyên thệ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Tại khu vực Rạp Hồng Hà (trước là Olympia Theatre) nằm trên phố Đường Thành, ngày 20/12 đến ngày 22/12/1946, các chiến sĩ tự vệ Thành đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều giặc Pháp.
Chiến công này góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Cầu Long Biên – di tích lịch sử gắn liền với những cuộc chiến tranh của quân dân Thủ đô.
Cây cầu là một phần không thể thiếu với người dân Hà Nội, là chứng tích nhắc nhở về một thời khói lửa, đạn bom trong chiến tranh vệ quốc.
Nét thanh bình trên cây cầu trăm tuổi khiến nhiều người trẻ tuổi không biết rằng, nơi đây cũng là một trong những chứng tích chứng kiến những năm tháng kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của cha ông.
Đền Hai Bà Trưng, thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, bên trong có chùa Viên Minh trước là nơi nhà sư Thích Đàm Thu nuôi giấu bảo vệ cán bộ, giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ 1946 - 1954.
Trường Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm là nơi các chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 77 cùng 2 tiểu đội Tự vệ khu đại học đã kiên cường chiến đấu bảo vệ trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 21/12/1946, góp phần vào chiến công chúng của quân dân Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Ngày 14/2/1947, các chiến sĩ Thủ đô đã anh dũng chiến đấu giáp lá cà tiêu diệt giặc Pháp trong cuộc tấn công của chúng vào chợ Đồng Xuân. Tại đây, 100 tên địch đã bị giết và bị thương, 4 xe tăng bị phá huỷ...
Bức phù điêu ở chợ Đồng Xuân làm bằng đồng nguyên khối, nặng hơn 7 tấn, được khánh thành năm 2004 để tái hiện hình ảnh cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của Hà Nội mùa đông năm 1946.
Bức phù điêu được đặt ở chợ Đồng Xuân, nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt để giành giật từng sạp hàng, từng ô chợ với quân Pháp.
Tấm phù điêu ghi lại chiến tích của các chiến sĩ, quân dân Thủ đô.
Ngôi nhà số 86 phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm là trụ sở của Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô chỉ đạo chiến đấu ở Liên khu 1 (Hà Nội) trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ 12/1946 đến 2/1947).