• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những điểm mới của Dự thảo Nghị định về quyền tác giả, quyền liên quan

15/10/2017 10:20

(Cinet) - “Điều quan trọng nhất là làm sao các điều khoản liên quan của các bên nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định khi ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho để thực thi pháp luật về bản quyền tác giả" - ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

(Cinet) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.



Hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan



Ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, trong thời gian qua Việt Nam đã từng bước hội nhập với thế giới trong vấn đề bản quyền. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đã không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế đặt ra. Điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm của  Nhà nước và cả xã hội về vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng.

Bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả. Ảnh: Gia Linh



Bà Nguyễn Hằng Nga – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền cho biết, luật Sở hữu trí tuệ 2005 và được sửa đổi năm 2009 là văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ của quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Trong đó, điều chỉnh 3 nhóm quyền chính là quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Tương ứng với đó, Chính phủ phân cấp quản lý nhà nước đối với 3 nhóm quyền này cho ba Bộ gồm: Quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả - COV, Bộ VHTTDL); Sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu tri tuệ - NOIP, Bộ Khoa học Công nghệ); Giống cây trồng (Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT).



Để triển khai Luật Sở hữu trí tuệ về mảng quyền tác giả, quyền liên quan Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn thực thi luật. Đó là: Nghị định 100/NĐ-CP, Nghị định 85/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 119/NĐ-CP về quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ nói chung; Nghị định số 131/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan…



Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan về cơ bản đã đi vào cuộc sống, và đóng vai trò tích cực, thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ. Các quyền cơ bản gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan được tôn trọng.



Tuy nhiên sau hơn 10 năm thi hành, một số điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ cần được tiếp tục hướng dẫn cụ thể để các tổ chức, cá nhân có thể bảo vệ được quyền của mình và thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật như cơ chế hoạt động, chính sách, pháp luật liên quan đến các hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.



Cụ thể, ngày 16/5/2016 Chính phủ Ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó, giao cho Bộ VHTTDL nghiên cứu các quy định về tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, và bảo vệ hợp pháp quyền lợi hợp pháp của tác giả và phù hợp thông lệ quốc tế.



Ngày 4/10/2016, Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 85/NĐ-CP trong đó có quy định về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.



Điểm mới của Dự thảo Nghị định

Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm

2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan

khu vực miền Bắc. Ảnh: Gia Linh



Giới thiệu về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, bà Nguyễn Hằng Nga – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, dự thảo Nghị định gồm 8 chương 63 điều. Nội dung dự thảo gồm: các quy định của Nghị định số 100/NĐ-CP được rà soát, sửa đổi những bất cập; rà soát, sửa đổi một số quy định của Nghị định số 85/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung các quy định theo tinh thần của Chính phủ về các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMOs).



Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quyền tác giả trong các tác phẩm báo chí, âm nhạc, sân khấu điện ảnh, tạo hình mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh… được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật đồng thời tiếp thu, sửa đổi theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.



Việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (05 điều từ điều 37 – 41) được sửa đổi, bổ sung theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thành phần hồ sơ đối với thủ tục cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân tham gia bảo hộ quyền tác giả.



Trong đó, Chương V về Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan là chương có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành - bà Nga cho biết.



Cụ thể, Dự thảo Nghị định đã bổ sung điều khoản quy định về “Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan” (Điều 42). Các tổ chức đại diện tập thể có nghĩa vụ xây dựng Biểu mức tiền quyền tác giả, qyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.



Bổ sung điều khoản quy định về việc “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan” (Điều 43) và phương án trong trường hợp các CMOs không phân chia được tiền QTG, QLQ vì lý do khách quan.



Bổ sung điều khoản quy định về việc “Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ” (Điều 44). Các CMOs thảo thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán cấp phép, thu tiền, QTG, QLQ, tỷ lệ phân chia tiền thu được.



Đồng thời, quy định rõ các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện quản lý QTG, QLQ theo đúng phạm vi, chức năng hoạt động và hợp đồng ủy quyền giữa tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ và tổ chức đại điện QTG, QLQ về việc quản lý một quyền hoặc một nhón quyền cụ thể (Điều 45). Bổ sung quy định Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ thông tin công khai về hoạt động quản lý QTG,QLQ.



Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định đã bổ sung các trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (điều 50); Bổ sung các điều khoản quy định trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong việc thực hiện quản lý nhà nước về QTG, QLQ; trách nhiệm của các Bộ có liên quan và trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (điều 51 -60).



Đánh giá về Dự thảo Nghị định

PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Khoa học Công nghệ. Ảnh: Gia Linh



Đánh giá về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng cái được của dự thảo là việc hướng nội dung văn bản vào giải quyết vấn đề hết sức bức xúc hiện nay của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn các thiếu sót cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan để xây dựng một nghị định chặt chẽ, đủ để quản lý toàn bộ lĩnh vực quyền tác giả.



“Tôi thấy bước chuyển biến tốt trong việc xã hội hóa công tác quản lý bản quyền, giao tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan rộng rãi, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng biểu mức thu quyền tác giả, quyền liên quan lại giao cho các tổ chức này là chưa phù hợp. Chính vì vậy, biểu mức quy định cho nghị định nên giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng sẽ giúp các tổ chức đại diện hoạt động tốt hơn” – PGS.TS Đoàn Năng đề xuất.



Ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết phía Cục đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh trong tháng 6, 7/2017 và tháng 8 tại Hà Nội. Ông cho biết, Cục Bản quyền tác giả đã được rất nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện cho Dự thảo nghị định.



“Điều quan trọng nhất là làm sao các điều khoản liên quan của các bên nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định khi ra đời tạo điều kiện thuận lợi để thực thi pháp luật về bản quyền tác giả, ông Hùng khẳng định./.



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ