(Tổ Quốc) - Bánh xèo với bánh crêpe, phở với súp hành… - có thể dễ dàng tìm thấy những yếu tố Pháp trong ẩm thực hiện đại Việt Nam.
Từ rất lâu, Việt Nam đã sở hữu một nền ẩm thực phong phú và giàu truyền thống. Bên cạnh những ảnh hưởng đến từ các quốc gia châu Á láng giềng, nét độc đáo của ẩm thực Việt đến từ sự cân bằng trong năm hương vị (chua, cay, mặn, ngọt và đắng); sự đầy đủ cả năm chất dinh dưỡng (tinh bột, nước, khoáng, đạm và béo); cùng sự hoà hợp của năm màu sắc (trắng, xanh, vàng, đỏ và đen).
Sự xuất hiện của người Pháp đã đem một làn sóng mới vào nền ẩm thực Việt Nam. Đi cùng với những người Pháp đầu tiên tại Đông Dương là những loại nguyên liệu chưa từng được nhìn thấy ở phương Đông trước đó, như Măng Tây, Khoai Tây hay Hành Tây... Nguồn gốc của các loại thực phẩm này có thể được nhận ra ngay từ tên gọi: loại măng đến từ phương Tây - với súp măng tây ngày nay là một trong những món phổ biến nhất tại các đám cưới Việt Nam; loại khoai và loại hành đến từ phương Tây - hiện tại đều đã trở thành những nguyên liệu quen thuộc trong bếp ăn của người Việt.
Măng Tây, một nguyên liệu từ Pháp ngày nay đã trở nên quen thuộc trong các ngôi bếp Việt |
Cà phê ngày nay là một trong những nét đặc sắc nhất của ẩm thực Việt |
Cà phê là một thực phẩm khác mà bạn có thể tìm thấy ở Việt Nam nhiều hơn tại bất kỳ một quốc gia lân cận nào. Người Pháp bắt đầu uống cà phê từ thế kỷ 17 và đem nó đến Việt Nam vào 200 năm sau. Cà phê nhanh chóng đã hoà nhập với nền ẩm thực bản địa và trở thành một nét đặc sắc nhất của văn hoá Việt Nam. Sở hữu khí hậu cực kỳ thích hợp cho cây cà phê, ngày nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Cà phê cũng được coi là một trong những ví dụ sinh động nhất về việc Việt Nam đã “địa phương hoá” thành công những ảnh hưởng của ẩm thực Pháp như thế nào. Trong khi người Pháp thích uống cà phê đen nóng, hoặc cho thêm sữa tươi; thì cà phê Việt Nam thường được uống lạnh với sữa đặc.
Bánh flan hay caramen là món ăn vặt ưa thích của nhiều thế hệ người Việt Nam |
Có nguồn gốc từ món crème caramel của nước Pháp, bánh flan (miền Bắc hay gọi là kem caramen) cũng đã trở thành một trong những món tráng miệng được yêu thích nhất của nhiều thế hệ người Việt Nam. Được làm với sữa dừa, thay vì hỗn hợp sữa tươi và kem như ở Pháp, bánh flan tại Việt Nam thường có thêm cà phê – một sự thay đổi mang lại hương vị hoàn toàn mới mẻ cho một món tráng miệng cổ điển của ẩm thực Pháp.
Bánh mỳ Việt Nam đang tạo nên một trào lưu mới trong ẩm thực thế giới |
Không thể không nhắc đến bánh mỳ. Bánh mỳ không phải là thực phẩm phổ biến ở Đông Nam Á, nhưng người Pháp đã xuất hiện tại Việt Nam cùng với baguette – loại bánh mỳ quen thuộc nhất của họ. Người Việt đã nhanh chóng đón nhận baguette và ngày nay, bánh mỳ Việt Nam đang tạo nên một trào lưu mới trong ẩm thực thế giới, trở thành một trong những món ăn Việt Nam nổi tiếng nhất toàn cầu. Baguette và bánh mỳ Việt Nam cùng được làm từ nguyên liệu bột gạo, thay vì bột mỳ để đem lại một hương vị hoàn toàn khác biệt. Phần nhân bánh mỳ Việt Nam quyến rũ với thịt nướng, rau mùi, dưa góp và pâté (cũng là một phiên bản địa phương của món pâté đến từ nước Pháp).
Bánh pa-tê sô Việt Nam có xuất phát từ bánh paté chaud từ vùng Brittany (Pháp) |
Bên cạnh bánh mỳ, bánh pa-tê sô, cũng được tính là một loại bánh du nhập từ vùng Brittany (Pháp). Mặc dù mức độ ảnh hưởng không thực sự rõ ràng nếu chỉ nhìn vào loại bột xếp lớp làm vỏ bánh, nhưng sự tương đồng ở tên gọi (paté chaud là tên loại bánh pie nhân thịt ở Brittany) là không thể phủ nhận. Những trường hợp tương tự có thể gặp ở món dăm bông (xuất phát từ tiếng Pháp jambon) hay món xúc xích (xuất phát từ tiếng Pháo là saucisse).
Phở liệu có phải là ví dụ gây ngạc nhiên nhất của sự giao thoa ẩm thực Pháp - Việt? |
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đáng ngạc nhiên nhất từ ẩm thực Pháp lên ẩm thực Việt Nam, có lẽ chính là phở - món ăn Việt được thế giới biết đến nhiều nhất. Một số sử gia cho rằng tên gọi phở là cách phát âm Việt Nam của feu trong pot au feu, tiếng Pháp có nghĩa là “hầm”. Phần nước dùng của phở được hầm từ xương và thịt trong nhiều giờ liền - khá giống với phong cách nấu nước dùng của người Pháp. Sự xuất hiện của thịt bò cũng là một bằng chứng khác cho thấy sự giao thoa giữa ẩm thực Việt và ẩm thực châu Âu, do trong quá khứ, thịt bò không phải là một loại thực phẩm phổ biến tại các nước phương Đông.
Là một trong những nền ẩm thực được đánh giá cao trên thế giới, ẩm thực hiện đại Việt Nam độc đáo bởi sự giao thoa của những ảnh hưởng của văn hoá bên ngoài và một truyền thống lịch sử lên tới hàng ngàn năm. Trong số các món ăn trên, liệu có món ăn nào sẽ đem lại cảm giác vừa lạ, vừa quen cho Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm chính thức của ông đến Việt Nam?
(Theo Epicure&Culture)