(Tổ Quốc) - Chiều 5/4, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ VHTTDL đã phối hợp tổ chức Triển lãm Tổng Bí thư Lê Duẩn- Cuộc đời và sự nghiệp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Cùng dự Triển lãm còn có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải, cháu nội, đại diện gia đình Tổng Bí thư Lê Duẩn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên và nhiều lãnh đạo các cơ quan Trung ương…
Trong diễn văn Khai mạc Triển lãm, ông Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đã khái quát cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tổng Bí thư Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 07/04/1907 tại Bích La Đông, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã nêu tấm gương sáng của người chiến sĩ cách mạng tiên phong, cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội….Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Lê Duẩn là chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo cắt băng Khai mạc Triển lãm |
Với gần 300 hiện vật, hình ảnh, tài liệu, Triển lãm giới thiệu một cách khái quát về thân thế, sự nghiệp cách mạng cũng như những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Triển lãm được chia làm 5 phần với những nội dung:
Phần I: Quê hương- gia đình- tuổi trẻ (1907-1927). Giới thiệu khát quát về gia đình Tổng Bí thư Lê Duẩn, một gia đình thợ thủ công, có truyền thống yêu nước. Nổi tiếng thông minh, hiếu học, Lê Văn Nhuận được cha thuê thầy dạy học chữ Hán, chữ Quốc ngữ. Năm 1926, được tuyển vào làm việc tại Sở Hỏa xa Đà Nẵng, Lê Văn Nhuận bí mật tham gia hội ái hữu và các phong trào đấu tranh yêu nước.
Phần II: Trưởng thành trong cách mạng (1928-1945): các hình ảnh, hiện vật tại triển lãm nêu bật quá trình hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn từ năm 1928-1945. Năm 1930, được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy- bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng và kết án 20 năm tù, lần lượt bị đày ải qua các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan Triển lãm |
Hai lần bị đày ra Côn Đảo, đồng chí Lê Duẩn đã biến nhà tù của thực dân thành trường học cách mạng, luôn tự học hỏi, tìm hiểu chủ nghĩa Mác- Lê Nin và các tài liệu cách mạng, kiên định con đường đã chọn.
Phần III: Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ở Nam Bộ (1946- 1957): Trong gia đoạn này, bằng óc quan sát, phân tích thực tiễn và tầm nhìn chiến lược, đồng chí Lê Duẩn đã có những đánh giá, dự báo đúng tình hình, đề xuất những chủ trương mang tính quyết sách đối với cách mạng ở miền Nam và trong cả nước.
Tháng 7/1954- 6/1957, ở miền Nam, ngay tại sào huyệt của địch, đồng chí đã khởi thảo Đề cương cách mạng miền Nam, một văn kiện có tính định hướng, đặt cơ sở chuyển cách mạng miền Mam từ thế bảo tồn lực lượng sang thế tiến công, từ dấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi cảm tưởng tại Triển lãm |
Phần IV: Lãnh đạo công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1957-1975): Từ năm 1957, theo quyết định của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn được giao nhiệm vụ mới. Năm 1960, đồng chí được phân công giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì chuẩn bị Báo cáo Chính trị trình Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng. Tại Đại hội, đồng chí được bầu làm Bí thư thứ Nhất BCH TƯ Đảng Lao động Việt Nam. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất (tháng 9/1969) trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo nhân dân ta xây dựng miền Bắc, chi viện cho miền Nam, tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phần V: Lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1976- 1986): 10 năm trên cương vị là Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến to lớn, quan trọng trong việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, noi gương các bậc tiền bối, phấn đấu hết sức mình để đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống |
Sau khi tham quan tại Triển lãm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xúc động ghi cảm tưởng: “Đồng chí Lê Duẩn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và nhân dân ta, người học trò lỗi lạc, tuyệt đối trung thành, kế tục xuất sắc lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi tự hào và biết ơn sâu sắc công lao to lớn và công hiến xuất sắc của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, noi gương các bậc tiền bối, phấn đấu hết sức mình để đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, từng bước xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”./.
Tin, ảnh: Hồng Hà