• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc

Thời sự 27/06/2024 17:22

(Tổ Quốc) - Trong chương trình tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên (Hội nghị WEF Đại Liên) và làm việc tại Trung Quốc, ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh; phát biểu tại Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng, môi trường hàng đầu của Trung Quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh

Sáng 27/6, tại Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh.

Những hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh nhân Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng và cảm ơn Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh đã tham dự Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ hai nước về hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh cho rằng Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, các định hướng chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhất là Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo phương hướng “6 hơn."

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong rất nhiều công việc cần làm để cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc thì giao thông là lĩnh vực đột phá, khả thi và mang tính biểu tượng, có ý nghĩa quan trọng để kết nối chiến lược hai nền kinh tế, kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Thủ tướng đề nghị trước mắt, hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam-Trung Quốc (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Lạng Sơn-Hà Nội; Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh nhất trí về ý nghĩa quan trọng của 3 tuyến đường sắt nói trên, giúp Việt Nam kết nối với Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam, trong đó tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có đường ra biển gần hơn khi đi qua Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các tuyến đường sắt này sẽ góp phần giúp hai nước Việt Nam-Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông” giảm chi phí logistics, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội.

Nhất trí với ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh về phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp trong triển khai các dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng điều quan trọng hai bên phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm," “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tập trung hỗ trợ Việt Nam về 3 nội dung chính trong lĩnh vực đường sắt gồm: nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; nguồn vốn ưu đãi; đào tạo nhân lực; hai bên cùng rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây để điều chỉnh, làm tốt hơn trong các kế hoạch, dự án hợp tác sắp tới.

Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao nội dung phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị WEF Đại Liên; nhất trí cao với các ý kiến, tầm nhìn, sự quan tâm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với việc kết nối kinh tế, kết nối giao thông giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc, trong đó lĩnh vực đường sắt là một ưu tiên, nhất là sớm thúc đẩy triển khai 3 dự án đường sắt mà Thủ tướng đã đề cập.

Phó Thủ tướng cho biết Hội nghị về hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông lần này thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tích cực tham gia triển khai các dự án kết nối giao thông chiến lược giữa hai nước, nhất là vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, cơ quan giữa hai nước, nhất là hai cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai các dự án theo định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo hai nước.

Nhân dịp này, qua Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Lý Cường vì sự đón tiếp nồng hậu, tình cảm và hợp tác hiệu quả dành cho đoàn Việt Nam trong chuyến công tác tham dự WEF và làm việc tại Trung Quốc lần này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc, sáng 27/6, tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh dự và phát biểu tại Hội nghị "Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc."

Những hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dự hội nghị về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Về phía Trung Quốc có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba; Phó Tổng Thư ký Quốc vụ viện Trung Quốc Tôn Quảng Vũ; Thứ trưởng Bộ Giao thông Trung Quốc Vương Cương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Trung Quốc Cẩu Bằng. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực hạ tầng Việt Nam-Trung Quốc.

Dẫn câu ngạn ngữ Trung Quốc “muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường," phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh cho biết những năm qua, Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông thông suốt, an toàn, bền vững, hiệu quả cao với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vươn ra hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông tại một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Lào.

Theo Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới cả trên đất liền và trên biển. Giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc được kết nối không chỉ hàng không, hàng hải mà kết nối cả đường bộ, đường sắt. Hai bên đã hợp tác trong một số dự án giao thông của Việt Nam như đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội)…

Hai chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (cuối năm 2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam (12/2023) cũng như cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác lần này đã thống nhất thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả, bền vững hơn, trong đó có nhiệm vụ kết nối hạ tầng, nhất là kết nối hạ tầng giao thông hai nước, phù hợp với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp hai nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển giao thông, kết nối giao thông giữa hai nước; cho rằng, cùng với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước, cần huy động các doanh nghiệp tư nhân hai bên vào nhiệm vụ quan trọng này.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhu cầu khách quan bởi hai nước “núi liền núi, sông liền sông." Điều này tạo thuận lợi cho giao lưu nhân dân, hàng hóa, kết nối khu vực và quốc tế; Trung Quốc có thể qua Việt Nam vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Việt Nam qua Trung Quốc vào các nước Trung Á, Đông Âu.

Với tư duy và tầm nhìn vượt trội, Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt hoàn chỉnh, hiện đại, có quy mô lớn nhất thế giới. Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược giao thông.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, do đó có điều kiện phát triển 5 phương thức vận tải. Thời gian qua, hợp tác giao thông phát triển mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào phát triển mạnh mẽ quan hệ thương mại song phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu và tham gia thi công các dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam như dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông…. Theo Thủ tướng, nếu phát triển các hệ thống đường sắt để kết nối hệ thống giao thông vành đai ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ đem lại hiệu quả lớn.

Về hợp tác nghiên cứu 3 tuyến đường sắt kết nối giữa Trung Quốc với Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, Việt Nam đang tập trung triển khai với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, góp phần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai," “Vành đai và con đường."

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ kết quả hợp tác hạ tầng chiến lược giao thông chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh, mong muốn của hai bên. Tuyến đường sắt liên vận còn khó khăn do khác khổ đường; vận tải đường sông còn hạn chế do tĩnh không của các cầu biên giới, đường bộ cao tốc khó kết nối.

Hai bên chưa triển khai được các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược lớn, tiêu biểu; chưa dứt điểm tháo gỡ vướng mắc một số dự án hợp tác cũ. Số lượng doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng các dự phát triển hạ tầng chiến lược còn khiêm tốn, chưa có doanh nghiệp tham gia với hình thức hợp tác công tư. Cơ chế huy động nguồn lực còn khó khăn, chưa linh hoạt, hiệu quả và còn nhiều vướng mắc. Khung khổ hợp tác cụ thể giữa hai nước trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược chưa hoàn thiện, đầy đủ.

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân và bài học, Thủ tướng đề nghị ngành đường sắt cần sớm triển khai 3 dự án, nhất là dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Về đường sắt đô thị, tiếp tục tích cực triển khai các dự án ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Thủ tướng cho biết Chính phủ dự kiến giao các cơ quan liên quan nghiên cứu sớm báo cáo đề xuất Hiệp định liên Chính phủ về phối hợp, triển khai 3 dự án đường sắt phía Bắc, sau khi triển khai tương đối tốt thì sẽ mở rộng ra các tuyến khác, có nhu cầu lớn; trong đó tập trung vay vốn ưu đãi Trung Quốc với cơ chế riêng, chuyển giao công nghệ, kèm theo đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm để Việt Nam hình thành ngành công nghiệp đường sắt, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có vai trò quyết định.

Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy mở rộng đường bay giữa hai nước, tăng tần suất các chuyến bay có nhu cầu cao; có chính sách khuyến khích phát triển du lịch Việt Nam-Trung Quốc; đẩy mạnh triển khai dự án đường bộ kết nối hai nước, đặc biệt là các đường cao tốc kết nối, cầu đường bộ biên giới.

Về huy động nguồn vốn, ưu tiên nguồn vốn ngân sách, vốn vay ưu đãi, huy động nguồn lực nhà nước bằng nguồn ngân sách hằng năm, đầu tư nhà nước, vay vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ…, Thủ tướng cho biết Việt Nam chú trọng thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp hai bên cho các dự án kết nối hạ tầng hai nước bằng các hình thức PPP, xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Đối với các doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đẩy mạnh hơn nữa hợp tác liên kết theo hình thức liên doanh, liên danh với nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển," sớm có các công trình hợp tác biểu tượng giữa hai nước. Thủ tướng mong rằng thời gian tới sẽ có bước đột phá trong quan hệ hai nước, theo tinh thần “6 hơn," trong đó có thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hai nước đã chia sẻ về tình hình phát triển hạ tầng giao thông mỗi nước; những kinh nghiệm tốt, những bài học thực tiễn đối với phát triển; gợi mở hướng hợp tác phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam, nhất là trong các khâu quy hoạch, thiết kế, huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện, quản lý vận hành khai thác, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Kết luận Hội nghị, ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, với mong muốn cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao của hai nước thành những sản phẩm cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam có nhu cầu nhưng nguồn lực, công nghệ hạn chế, nhân lực có hạn; Trung Quốc cần giúp đỡ Việt Nam về vay vốn ưu đãi, công nghệ tiên tiến phát triển giao thông, nhất là giao thông xanh, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị thông minh.

Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty của Trung Quốc đến đầu tư, đấu thầu, tham gia xây dựng các công trình lớn, đặc biệt là đột phá trên lĩnh vực giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch. Trước mắt, các doanh nghiệp hai nước liên danh, liên doanh, liên kết với nhau trên tinh thần chân thành, hiệu quả, tin cậy, bỏ qua những vướng mắc gặp phải trước đây, quá trình hợp tác phải lợi ích hài hoà, khó khăn chia sẻ; chống tiêu cực, tham nhũng, không để đội vốn; các doanh nghiệp thể hiện tinh thần chia sẻ, tầm nhìn, hành động với khí thế cao, quyết tâm đầu tư, mạnh dạn, hợp tác để triển khai, toát lên tinh thần sẵn sàng làm, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chia sẻ, “biến không thành có, biến không thể thành có thể," “chỉ bàn làm, không bàn lùi."

Trên tinh thần “sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp," Thủ tướng cho rằng qua các hội nghị, diễn đàn, Việt Nam thu lượm được nhiều kinh nghiệm, có định hướng, gợi mở về xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tốt hơn; khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các bạn khó khăn, để cùng nhau làm tốt hơn trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước trên tinh thần Cộng đồng chia sẻ tương lai của hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo một số tập đoàn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng, môi trường hàng đầu của Trung Quốc

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc, sáng 27/6 (giờ địa phương), tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng, môi trường hàng đầu của Trung Quốc.

Những hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nghiêm Giới Hòa, nhà sáng lập Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trang Nghiêm và các lãnh đạo Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương.

Thông tin tới Thủ tướng về Tập đoàn Thái Bình Dương, ông Nghiêm Giới Hòa cho biết Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới trong ngành công trình và xây dựng. Năm 2023, Thái Bình Dương đạt doanh thu 79,478 tỷ USD, lợi nhuận 5,188 tỷ USD.

Tại Việt Nam, tập đoàn này nghiên cứu, tham gia các dự án xây dựng cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc…

Tập đoàn Thái Bình Dương mong muốn Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh việc tìm kiếm các mô hình hợp tác đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh thu hút đầu tư nước ngoài và triển khai vào các dự án cụ thể; có chính sách ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi và các chính sách ưu đãi thỏa đáng, đặc biệt trong các lĩnh vực thu hút đầu tư.

Hoan nghênh sự chủ động của Tập đoàn khi đưa ra các đề xuất hợp tác hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chính sách, quy hoạch thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung đến với Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Trước mắt, tập đoàn phối hợp với thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hợp tác triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Văn Cao-Hòa Lạc, Hà Nội, trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; đồng thời phối hợp với các địa phương của Việt Nam, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc để hợp tác phát triển hạ tầng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương nói riêng triển khai các dự án đầu tư kinh doanh bền vững, hiệu quả, thành công, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nghiêm Thánh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị và các cán bộ cấp cao của Tập đoàn Thiên Doanh - tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mới không carbon, dịch vụ môi trường thông minh và tái chế. Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư 4 dự án điện rác ở Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hải Dương, tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD.

Những hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nghiêm Thánh Quân, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Doanh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ông Nghiêm Thánh Quân cho biết Thiên Doanh sẽ tiếp tục đi sâu hơn nữa trong lĩnh vực môi trường để có thể thực hiện mục tiêu chuỗi khép kín; đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực có tiềm năng như: điện gió, điện Mặt Trời, điện tích năng, hydro xanh… Thiên Doanh mong muốn tham gia cùng Việt Nam trong phân loại, xử lý rác trên toàn vi toàn quốc; triển khai các dự án điện Mặt Trời, điện gió, hydro xanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Thiên Doanh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng; hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của Tập đoàn trong lĩnh vực môi trường và năng lượng xanh, sạch.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, Mặt Trời; đồng thời là thị trường có nhu cầu năng lượng lớn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Thông tin về Quy hoạch Điện VIII và các cơ chế, chính sách liên quan ngành điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới; nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam mà Tập đoàn có thế mạnh như xử lý rác thải, năng lượng điện tái tạo, điện hydrogen…

Cùng với đó, Tập đoàn hợp tác đầu tư, hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng gắn với các khu công nghiệp tập trung, các trung tâm chế biến, chế tạo; phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng: thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ…; hợp tác, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối, điều độ, lưới điện thông minh…

Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc.

Chiều 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Thủ đô Bắc Kinh, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong thứ 15 của WEF tại thành phố Đại Liên và làm việc ở Trung Quốc./.



Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ