• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New Zealand

Thời sự 10/03/2024 14:11

(Tổ Quốc) - Trong chương trình thăm chính thức New Zealand sáng 10/3, tại thành phố Auckland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các nhà khoa học công nghệ người Việt tại New Zealand; tiếp Hiệu trưởng Đại học Waikato; làm việc với Hội đồng Kinh doanh thành phố Auckland và một số doanh nghiệp tiêu biểu của New Zealand để nắm bắt tình hình; tìm hiểu nhu cầu, tiềm năng, khả năng, cơ hội hợp tác; chia sẻ kinh nghiệm; kết nối hợp tác trong các lĩnh vực.

Việt Nam và New Zealand còn nhiều dư địa hợp tác về công nghệ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Nhóm khoa học công nghệ người Việt tại New Zealand (VietTech NZ). Các nhà khoa học người Việt tại New Zealand cho biết VietTech NZ là cộng đồng kết nối các cá nhân Việt Nam sinh sống, làm việc, nghiên cứu tại New Zealand để tham gia đóng góp các sáng kiến khoa học, công nghệ; trao đổi, chia sẻ các thành tựu nghiên cứu, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tri thức Việt Nam tại New Zealand.

Các đại biểu giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ về tiềm năng, những dự án, chương trình cụ thể đã, đang và có thể hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, năng lượng, thương mại, công tác quy hoạch, môi trường…

Các trí thức người Việt tại New Zealand đề nghị Chính phủ có phương thức, cơ chế thu hút, tạo điều kiện để trí thức người Việt tham gia các vườn ươm công nghệ trong nước và ngược lại; có cơ chế "đặt hàng" cho trí thức người Việt ngoài nước; hỗ trợ để phát triển mạng lưới trí thức toàn cầu, trong đó có New Zealand; đề nghị Việt Nam mở lại đường bay, miễn thị thực tạo điều kiện thuận lợi cho các trí thức người Việt tại New Zealand đi lại, hợp tác, cống hiến…

Sau khi các Bộ trưởng có ý kiến trao đổi, phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, cũng như các sáng kiến và hoạt động tích cực của VietTech NZ trong nỗ lực kết nối mạng lưới tri thức người Việt hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần vào thành công chung của cộng đồng người Việt tại New Zealand.

Bày tỏ ủng hộ việc xây dựng VietTech NZ lớn mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các cơ quan liên quan của Việt Nam thúc đẩy cơ quan sở tại công nhận địa vị pháp lý của VietTech NZ.

Các bộ, ngành tổ chức các đầu mối, có công cụ để kết nối, tiếp nhận, trao đổi…với các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài; tổ chức giải thưởng khoa học công nghệ, diễn đàn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New Zealand - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại các thành viên Nhóm Khoa học công nghệ người Việt Nam tại New Zealand. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cho rằng quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và New Zealand còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nhóm VietTech NZ phát huy hơn nữa vai trò kết nối hiệu quả cộng đồng người Việt trong lĩnh vực công nghệ ở New Zealand và giữa Việt Nam và New Zealand; tăng cường kết nối với Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu, qua đó đóng góp thực chất, hiệu quả vào sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, tham gia tích cực vào quá trình phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nước, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…, đặc biệt là các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, hydrogen, chíp bán dẫn.

Thủ tướng đề nghị các thành viên VietTech NZ hỗ trợ kết nối hai nền giáo dục để Việt Nam tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của New Zealand, đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập tại New Zealand; kết nối nghiên cứu, chia sẻ, hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nông nghiệp, chống Biến đổi Khí hậu, chứng chỉ carbon, quy hoạch xây dựng kiến trúc, công nghệ sinh học, y tế, bảo vệ chăm sóc sức khỏe; đồng thời truyền đạt kinh nghiệm về xác lập địa vị pháp lý và các kỹ năng khác cho sinh viên người Việt sang học tập tại New Zealand.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng các trí thức, nhà khoa học người Việt tại New Zealand thành công nhiều hơn nữa trên con đường lập thân, lập nghiệp, giúp đỡ gia đình, tham gia xây dựng sở tại, quê hương, đất nước và quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Việt Nam-New Zealand hợp tác chặt chẽ về giáo dục

Tiếp Giáo sư Neil Quigley, Hiệu trưởng Đại học Waikato (thành phố Hamilton) kiêm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Đại học Waikato - một trong những trường đại học hàng đầu của New Zealand luôn coi Việt Nam là địa bàn ưu tiên trong khu vực Đông Nam Á; hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; đặc biệt có nhiều chương trình hợp tác rất hiệu quả với các trường đại học của Việt Nam như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang…

Khẳng định Việt Nam là một trong số các quốc gia Đông Nam Á có nhiều sinh viên, học sinh theo học tại New Zealand và để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-New Zealand, nhất là hợp tác giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại học Waikato mở rộng hợp tác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam; mở thêm phân hiệu tại Việt Nam; trao đổi giảng viên, sinh viên; cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam; trao đổi phương pháp, giáo trình giảng dạy; tiếp tục tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New Zealand - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Neil Quigley, Hiệu trưởng Đại học Waikato kiêm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương New Zealand. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng đề nghị Nhà trường tăng cường liên kết với các trường đại học, cơ sở giáo dục của Việt Nam trong một số lĩnh vực mới, tiềm năng và Việt Nam có nhu cầu cao như công nghệ số, Fintech, Trí tuệ Nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng, hydrogen, chíp bán dẫn, công nghệ sinh học, môi trường.

Thủ tướng mong muốn, với kinh nghiệm và vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Dự trữ New Zealand, Giáo sư có nhiều hoạt động hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong xây dựng chính sách vĩ mô, trong đó có điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất; chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực tín dụng, quản trị tài chính, ngân hàng, tư vấn cho Việt Nam trở thành trung tâm tài chính trong khu vực Đông Nam Á.

Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, Hiệu trưởng Đại học Waikato cho biết Việt Nam là địa bàn ưu tiên của Đại học Waikato trong khu vực Đông Nam Á và đã có nhiều chương trình hợp tác hiệu quả với Việt Nam; cam kết tập trung nguồn lực và hoạt động lâu dài ở Việt Nam.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng, Giáo sư Neil Quigley cho biết sẵn sàng có xúc tiến các hoạt động hợp tác và chia sẽ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực tín dụng, quản trị tài chính, ngân hàng.

Chia sẻ một số khuyến nghị chính sách kinh tế vĩ mô theo đề nghị của Thủ tướng, Giáo sư Neil Quigley đánh giá cao những giải pháp và kết quả điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát của Việt Nam và trên một số lĩnh vực, khía cạnh, Việt Nam còn làm tốt hơn nhiều nước phát triển.

Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Đại Đại học Waikato và các trường Đại học của Việt Nam trao đổi 4 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam tặng Giáo sư Neil Quigley.

Nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Simon Bridges, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Auckland và lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu của New Zealand.

Tại cuộc làm việc, ông Simon Bridges cho biết các doanh nghiệp New Zealand đã quan tâm quá trình phát triển vượt bậc của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua; nhận thấy có nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và đã có nhiều dự án thành công tại Việt Nam.

Đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp New Zealand cho biết đang làm việc tích cực với các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam; mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện, thúc đẩy để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bất động sản, hàng không, xuất nhập khẩu rau quả.

Sau khi các Bộ trưởng trao đổi, giải đáp các đề xuất của lãnh đạo các doanh nghiệp New Zealand, phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam; cho biết, Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư để các nhà đầu tư đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New Zealand - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và một số doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thủ tướng Chính phủ, sau gần 50 năm, quan hệ Việt Nam-New Zealand đang phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực; hướng tới nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới. Hai bên cùng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại ASEAN-Astralia-New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

"Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư," Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định các lĩnh vực mà các doanh nghiệp New Zealand quan tâm, hợp tác đầu tư tại Việt Nam đều là những lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng phát triển tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp New Zealand tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể.

Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi năng lượng và có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời; nhu cầu phát triển nhiều khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp; có nhu cầu nhập khẩu một số loại nông thủy sản của New Zealand, cũng như mong muốn xuất khẩu các loại hoa quả, nông sản mà New Zealand có nhu cầu.

Trong lĩnh vực hàng không, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước đây Việt Nam đã có đường bay thẳng tới New Zealand, song từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra đường bay bị gián đoạn. Tuy nhiên, trên đà phục hồi kinh tế-xã hội, trong khi Việt Nam có 11.000 người đang làm ăn, sinh sống, học tập tại New Zealand và người dân Việt Nam rất yêu thích du lịch New Zealand, tới đây hai bên sẽ có những thỏa thuận cải thiện chính sách visa, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa hai nước sẽ tăng, việc mở đường bay thẳng hoàn toàn có cơ hội lớn.

Khẳng định, dư địa hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam-New Zealand còn rất lớn, Thủ tướng cho rằng cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, trước mắt khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD.

Thủ tướng kỳ vọng đột phá hợp tác kinh tế nông nghiệp với New Zealand

Theo Báo Điện tử Chính phủ, sáng 10/3, tại Auckland, trong chương trình chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand.

Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm (PFR) New Zealand có chức năng nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự phát triển của ngành cây trồng, hải sản, thực phẩm… thông qua việc áp dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Cơ sở này có trình độ chuyên môn cao hàng đầu thế giới, mang đến những giải pháp sáng tạo trong ngành nông nghiệp kỹ thuật cao.

Tại đây, Thủ tướng đã nghe giới thiệu về Trung tâm và các dự án hợp tác của Trung tâm với Việt Nam.

Tại Việt Nam, Trung tâm hợp tác với người nông dân, các nhà khoa học, các công ty thực phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; tập trung vào các dự án nhằm mục tiêu tăng sản lượng, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh của các cây trồng, thông qua nghiên cứu và sản xuất các giống cây trồng mới chất lượng cao, sử dụng các công nghệ sau thu hoạch, chế biến mới, mang lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân và doanh nghiệp.

Trong đó, dự án hỗ trợ phát triển ngành chanh dây xuất khẩu của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào tháng 11/2023, trị giá 3,3 triệu USD, thực hiện tại Sơn La và Gia Lai từ 2023-2027.

Thủ tướng kỳ vọng đột phá hợp tác kinh tế nông nghiệp với New Zealand- Ảnh 2.

Thủ tướng thử sản phẩm mới của Trung tâm nghiên cứu cây trồng và thực phẩm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự án hỗ trợ nông dân trồng chanh dây quy mô nhỏ và các bên tham gia chuỗi giá trị tăng năng suất, lợi nhuận. Dự án phát triển năng lực và trình độ chuyên môn, cũng như chuyển giao công nghệ trồng chanh dây chất lượng cao cho các bên tham gia chuỗi giá trị, như nông dân, các đơn vị vận hành sau thu hoạch, chế biến và bộ phận tiếp thị; đồng thời thực hành nông nghiệp thông minh ứng phó biến đổi khí hậu.

Còn dự án về thanh long nhằm phát triển ngành thanh long và cải thiện thu nhập của nông dân sản xuất nhỏ. Dự án đã nghiên cứu được giải pháp kháng bệnh đốm trắng và nâu ở cây thanh long, giúp việc sử dụng thuốc diệt nấm giảm tới 33%. Đồng thời, dự án cũng đưa ra một hệ thống trồng trọt mới hiệu quả hơn, với các cải tiến như rửa trái cây tự động, giúp năng suất tăng gấp đôi và chất lượng quả được cải thiện.

Đáng chú ý, trong dự án này, 3 giống thanh long mới đã được nhân giống và thương mại hóa, với khả năng kháng bệnh cao hơn, thơm ngon hơn với hương vị và màu sắc mới lạ. Các giống này cũng đang được tiến hành trồng thử nghiệm ở một số khu vực tiềm năng khác, trong đó có New Zealand.

Thủ tướng kỳ vọng đột phá hợp tác kinh tế nông nghiệp với New Zealand- Ảnh 3.

Thủ tướng mong muốn hai bên tăng tốc hợp tác trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn, đặc biệt là tạo đột phá trong hợp tác về kinh tế nông nghiệp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài ra, tại Bình Định, PFR đã hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sản xuất rau an toàn theo quy trình GAP và xây dựng thương hiệu rau an toàn đưa ra thị trường; giúp tăng thu nhập thêm 30% cho 2000 hộ nông dân tham gia vào dự án.

Tại Đắk Nông, PFR đã hợp tác phát triển chuỗi cung ứng xuất khẩu quả bơ, với các giải pháp cải thiện vườn ươm để giảm bệnh tật ở cây trưởng thành; đưa ra quy trình cho các khâu canh tác, kiểm soát sâu bệnh và côn trùng, sau thu hoạch và vận hành chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại Trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với cảnh quan sạch, đẹp của đất nước New Zealand, đặc biệt là hệ thống cây xanh; đánh giá cao những thành tựu nghiên cứu, phát triển của Trung tâm và kết quả hợp tác với Việt Nam trong các ngành hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam như thanh long, bơ theo hướng sạch, bền vững, chất lượng cao.

Thủ tướng kỳ vọng đột phá hợp tác kinh tế nông nghiệp với New Zealand- Ảnh 4.

Thủ tướng tặng quà cho Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Qua đó, chúng ta cảm nhận tuy khoảng cách địa lý giữa hai nước xa xôi nhưng tình cảm lại gần gũi, 'từ trái tim tới trái tim' và mang lại hiệu quả, lợi ích cụ thể cho nhân dân hai nước", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ.

Trải qua 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hiện nay hai nước là Đối tác Chiến lược của nhau và đang hướng tới mức cao hơn. Hai bên cùng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm lần này, ông và các nhà lãnh đạo New Zealand sẽ trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, như thương mại, đầu tư, đặc biệt là hợp tác về lao động, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp… ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Hai bên có những lợi thế có thể bổ sung cho nhau, khi New Zealand đất rộng người thưa, còn Việt Nam "đất chật người đông" hơn; cả hai nước đều có nền văn hóa, ẩm thực phong phú, bản sắc…

Đây là những cơ sở, nền tảng quan trọng để các tổ chức, doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư, trong đó nghiên cứu, sản xuất nông sản và chế biến thực phẩm là lĩnh vực quan trọng.

Thủ tướng mong muốn hai bên tiếp tục phát huy những thành quả hợp tác đã đạt được; đồng thời tăng tốc hợp tác trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn, đặc biệt là tạo đột phá trong hợp tác về kinh tế nông nghiệp.

"Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm của các bạn New Zealand và chúng tôi luôn chào đón các bạn tới Việt Nam", Thủ tướng phát biểu./.


Hồng Nhung (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ