• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản

Thời sự 16/12/2023 17:22

(Tổ Quốc) - Trong chương trình dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, trong ngày 16/12, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự một số hoạt động đầu tiên tại Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm doanh nghiệp với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã tọa đàm với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản về Chuyển đổi Xanh và cơ sở hạ tầng xã hội.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm doanh nghiệp với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại sự kiện, trên tinh thần chân thành, tin cậy, hợp tác, các tập đoàn kinh tế của Nhật Bản và đại diện các bộ ngành của Việt Nam đã phân tích về những thời cơ, vận hội cũng như những khó khăn, thử thách mới; chia sẻ những bài học kinh nghiệm; thảo luận về những giải pháp thiết thực, khả thi để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư song phương, nhất là trong các lĩnh vực mới nổi.

Lãnh đạo các bộ ngành cũng phản hồi về từng ý kiến, đề xuất cụ thể của các tập đoàn của Nhật Bản về phát triển năng lượng tái tạo, Chuyển đổi Xanh trong hạ tầng giao thông, chính sách với xe điện, phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, các chính sách ưu đãi, phát triển công nghiệp hỗ trợ, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án cụ thể…

Lãnh đạo các bộ ngành cũng mong các bên tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại doanh nghiệp, đặc biệt là Sáng kiến Chung Việt Nam-Nhật Bản, nhằm giải quyết các thách thức mới trong hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc quan hệ đối tác bình đẳng.

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các nhà đầu tư Nhật Bản luôn có sự quyết tâm, nghiêm túc, uy tín, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, quan tâm, chăm lo đời sống người lao động và chú trọng bảo vệ môi trường.

Đề cập đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 với những khó khăn, biến động, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã đứng vững với nội lực của mình và sự giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế.

Năm 2023, đến nay, Việt Nam xuất siêu khoảng 25 tỷ USD, thu hút khoảng 30 tỷ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân khoảng 20 tỷ USD… Việt Nam cũng xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm doanh nghiệp với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm các yếu tố nền tảng phát triển và tiếp tục giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào, chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; cho biết với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ôtô điện...; công nghệ lõi tiềm năng như công nghiệp bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế…

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn của Nhật giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thế hệ mới; các nguồn đầu tư tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), "Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC)"; các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo như "Quỹ Đổi mới sáng tạo/Chuyển đổi Số (Innovation/DX)" của Chính phủ Nhật Bản nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi kinh nghiệm quản trị, phát triển văn hóa kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, góp phần tăng cường tính chống chịu của các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, trong đó chú trọng tính minh bạch, đa dạng, bền vững và ổn định như Tuyên bố chung giữa hai nước đã đề ra; đồng thời, tiếp tục góp ý, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định liên quan.

Làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể mà các tập đoàn quan tâm, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc liên quan chuỗi dự án khí Lô B-Ô Môn, nhất là việc sửa đổi các thông tư liên quan.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các giải pháp quyết liệt để không lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ trong năm 2024…

Với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản

Cũng trong sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo, theo đặc phái viên TTXVN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề "Quan hệ kinh tế trong Kỷ nguyên mới - Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới."

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao văn kiện hợp tác giữa địa phương của Việt Nam và Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tốc độ tăng trưởng cao với chính sách phù hợp, thị trường lớn và nguồn nhân lực ưu tú của Việt Nam; cho biết với quan điểm Đối tác đồng sáng tạo kinh tế và xã hội tương lai, Nhật Bản sẽ tập trung hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp tương lai, giảm phát thải carbon…

Diễn đàn cũng nghe đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản trình bày những định hướng, đề xuất hợp tác, đầu tư về Phát triển Xanh, Chuyển đổi Số tại Việt Nam thời gian tới.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong năm 2023 - kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, gần 500 hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức ở cả Việt Nam và Nhật Bản, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác và làm sâu sắc tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Đặc biệt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Nhật Bản, cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới," mở ra một trang sử mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Nhật phát triển mạnh mẽ, hiệu quả trên mọi lĩnh vực và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức rất cao.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ hai về hợp tác lao động, đứng thứ ba về hợp tác đầu tư và du lịch, đứng thứ tư về hợp tác thương mại. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.

Về đầu tư, với trên 5.200 dự án và hơn 71,5 tỷ USD vốn đăng ký, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt tại hầu hết các địa phương của Việt Nam, tham gia nhiều dự án mang tính chiến lược trong một số lĩnh vực trọng điểm như sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo; linh kiện điện tử; nghiên cứu và phát triển; tài chính; đặc biệt đối với các lĩnh vực mới công nghệ sinh học; công nghệ lượng tử; trí tuệ nhân tạo (AI); y tế thế hệ mới.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 40 tỷ USD trong 11 tháng năm 2023, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt gần 20 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương nhất với Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.

Đặc biệt, có trên 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản và 22.000 người Nhật Bản làm việc, sinh sống, học tập tại Việt Nam.

Về các yếu tố nền tảng thúc đẩy phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gồm cả hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa…

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; xác định lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong số đó, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Việt Nam tiếp tục đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không;" thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo hướng "dân tộc, khoa học, đại chúng", văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực kinh tế trong nước; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Kinh tế số, Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Cụ thể, ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và phát triển... để tạo động lực giúp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.100 USD (năm 2022).

Nằm trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; top 20 nước dẫn đầu về kim ngạch thương mại (năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD); đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Chiến lược Toàn diện với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ; tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực với kết quả "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước." Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững; tập trung phát triển những lĩnh vực mới nổi, xu thế của thế giới như đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số, Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Trong quá trình đó, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là nền tảng chính trị quan trọng để tiếp tục mở rộng không gian hợp tác trong những lĩnh vực mới mà hai bên có thế mạnh.

Việt Nam cần phía Nhật Bản tiếp tục hợp tác, hỗ trợ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hỗ trợ về tài chính với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ về chuyển giao công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và Việt Nam sẽ cung ứng nguồn nhân lực cho các đối tác. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương; thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đến đầu tư và thành công tại Việt Nam, thu được kết quả ngày càng cao hơn, thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam-Nhật Bản chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp hai nước trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại, sản xuất hydro xanh, sản xuất pin, năng lượng, tài chính, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực… như đầu tư Dự án Điện khí tại Thái Bình trị giá gần 2 tỷ USD; các thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Sungroup với các đối tác Nhật Bản đầu tư xây dựng tại Khu Kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa; Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn FPT với các đối tác Nhật Bản về Chuyển đổi Số, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực vận chuyển và logistics; Thỏa thuận giữa Ngân hàng Vietinbank với đối tác về tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với một số doanh nghiệp Nhật Bản về vi mạch bán dẫn

Tiếp tục các hoạt động của Thủ tướng tại Nhật Bản, sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ăn sáng làm việc với 10 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực vi mạch.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với một số doanh nghiệp Nhật Bản về vi mạch bán dẫn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại buổi ăn sáng, làm việc, các doanh nghiệp của Nhật Bản đánh giá cao định hướng phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..., cho rằng đây cũng là lĩnh vực mà Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm phát triển.

Lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng ngành công nghiệp vi mạnh, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo rất rộng lớn; mong muốn Chính phủ Việt Nam có các chương trình, dự án cụ thể để các doanh nghiệp có thể tập trung hợp tác, đầu tư.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới các điều kiện để doanh nghiệp có thể đầu tư thành công tại Việt Nam như về hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ chế chính sách…

Đánh giá cao và hoan nghênh sự quan tâm, mong muốn hợp tác đầu tư với Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau 50 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đã thiết lập quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới."

Đến nay, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển đứng thứ nhất của Việt Nam, đứng thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với một số doanh nghiệp Nhật Bản về vi mạch bán dẫn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: "Đây là yếu tố nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, như Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng khẳng định, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là không có giới hạn."

Chia sẻ với các doanh nghiệp về các yếu tố nền tảng gồm chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…và chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão kinh tế của thế giới hiện nay và có điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh ổn định, hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam luôn luôn lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có Chuyển đổi Số, phát triển ngành bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Để phát triển ngành công nghệ bán dẫn, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng công nghệ và hạ tầng xã hội; tập trung thu hút, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế chính sach phát triển ngành bán dẫn, với mục tiêu cơ chế, chính sách thông thoáng, phát triển hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Với mong muốn sẽ có đột phá trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, xây dựng các Trung tâm nghiên cứu phát triển; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các cơ sở sản xuất; xây dựng cứ điểm tại Việt Nam và giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).

Tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác để nghiên cứu, triển khai các mô hình hợp tác để hình thành liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn, thiết kế chíp, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…; hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam..

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà hai bên là thành viên; Nhật Bản xem xét, tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam vào Nhật Bản; phối hợp, tạo thuận lợi và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư, chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác thúc đẩy Chuyển đổi Xanh cho các ngành sản xuất mũi nhọn của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao Sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC) của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; vui mừng khi Cuộc họp khởi động Nhóm Công tác xúc tiến AZEC đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 vừa qua; đề nghị hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả hoạt động của Nhóm Công tác trong thời gian tới; phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo và đề nghị thúc đẩy sớm ký kết biên bản hợp tác về chuyển dịch năng lượng, nhằm hỗ trợ cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Tiếp ông Ishiguro Norihiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JETRO và các lãnh đạo JETRO, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của JETRO tại Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước; khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, là những nhà đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp vào ngân sách, chú trọng bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống người lao động; cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của JETRO đối với Việt Nam trong thời gian qua trong việc kết nối doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, phối hợp tổ chức các tọa đàm giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị JETRO tiếp tục phối hợp với các cơ quan Việt Nam triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam đến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, Xanh, sạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Hội Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, chiều 16/12, tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt Nikai Toshihiro; Thống đốc Tokyo Koike Yuriko, cùng các thành viên chủ chốt của Ban lãnh đạo Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt và lãnh đạo Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Nhật Bản như Sumitomo, EREX, ANA...

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các Nghị sỹ Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Nhật Bản sau 50 năm, đặc biệt là việc hai nước vừa nâng cấp khuôn khổ quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, mở ra một giai đoạn phát triển mới-toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn nữa trong quan hệ hai nước.

Đánh giá về thành quả vượt bậc của quan hệ hai nước trong 50 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng sự chân thành, tình cảm, tin cậy chính trị là tài sản quan trọng nhất; giao lưu giữa hai nước trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội diễn ra thường xuyên; Nhật Bản là đối tác hàng đầu về kinh tế của Việt Nam khi là đối tác thứ nhất về ODA, thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư, thứ tư về thương mại; hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng mật thiết với hơn 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản.

Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các thành viên Liên minh, đặc biệt là Chủ tịch Nikai đã luôn quan tâm và dành những tình cảm hữu nghị, chân thành đối với đất nước và nhân dân Việt Nam; hoan nghênh và đánh giá cao việc Liên minh đã tích cực phối hợp thúc đẩy nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, nhân dân và giữa các Nghị sỹ hai nước, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của các Nghị sỹ Quốc hội, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo giới kinh tế, du lịch, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản trong năm 2023 - kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 12.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam Nikai Toshihiro. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

hủ tướng Chính p hủ đề nghị C hủ tịch Nikai và các thành viên Liên minh Nghị sỹ hữu nghị tăng cường hợp tác giữa Quốc hội, phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức Nghị sỹ hữu nghị; thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về lao động, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, trong đó triển khai hiệu quả dự án Đại học Việt-Nhật, hỗ trợ các địa phương hai nước gắn kết, hợp tác sâu rộng theo tinh thần khuôn khổ quan hệ mới "Đối tác Chiến lược Toàn diện" vừa được nâng cấp; thúc đẩy đơn giản hóa tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản, qua đó tăng cường hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Chủ tịch Nikai Toshihiro và các thành viên Liên minh Nghị sỹ hữu nghị hoan nghênh chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đánh giá cao việc nâng cấp quan hệ Việt-Nhật lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện"; khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm và ủng hộ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực còn nhiều dư địa hợp tác như lao động, nông nghiệp, khoa học công nghệ, năng lượng, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân...; sẽ báo cáo Chính phủ Nhật Bản các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thực hiện chính sách miễn thị thực cho công dân Việt Nam.

Chủ tịch Nikai Toshihiro cho biết việc tổ chức đoàn thăm Việt Nam với sự tham gia của các Nghị sỹ Quốc hội, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy sự quan tâm và đồng thuận cao trong nội bộ Nhật Bản từ Chính phủ, địa phương và giới doanh nghiệp....

Chủ tịch Nikai cũng thông báo việc tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Niigata đã thiết lập quan hệ sau chuyến thăm Việt Nam của đoàn 100 Nghị sỹ thành viên Liên minh Nghị sỹ hữu nghị và giới kinh tế tháng 5 vừa qua.

Thống đốc Tokyo Koike Yuriko vui mừng về những hoạt động giao lưu đoàn cấp cao và các cấp nhộn nhịp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2023 dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Tokyo và Việt Nam trong các lĩnh vực như giao lưu, trao đổi đoàn, hợp tác nguồn nhân lực...

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Koizumi Ryuji bày tỏ cam kết sẽ nỗ lực hết sức với tư cách Chánh Văn phòng Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt để cải thiện chế độ cho lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt Takebe Tsutomu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thành công của Lễ hội Hokkaido tại tỉnh Quảng Ninh được tổ chức lần đầu vào tháng 11 vừa qua; nhấn mạnh sẽ nỗ lực hết sức thúc đẩy dự án Đại học Việt-Nhật, qua đó đóng góp vào tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Ông Kubota Masakazu Tổng Thư ký Keidanren khẳng định các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chín dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản

Cũng trong chiều 16/12, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản.

Diễn đàn do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hai nước đã điểm lại chặng đường phát triển hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản; đồng thời nêu bật những tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu, khả năng của mỗi bên; trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm để thúc đẩy lĩnh vực hợp tác này hiệu quả hơn nữa.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sau 30 năm hợp tác lao động, hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản phát triển trên nhiều lĩnh vực. Năm 2023 số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng người đi hằng năm sang Nhật Bản (dự kiến khoảng 85.000) và số lượng đang làm việc tại Nhật Bản (trên 300.000 người).

Việt Nam cũng là nước đứng đầu cả về số lượng sang làm việc hằng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 13.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam/Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

Phát biểu tại diễn đàn, đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam và Nhật Bản đã trải qua 50 năm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ, "kết nối từ trái tim đến trái tim," trong đó có kết nối trong lĩnh vực hợp tác lao động; tin tưởng kỷ niệm 100 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản mức độ hợp tác, tình cảm, sự kết nối giữa hai nước sẽ gấp nhiều lần hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản với hơn 500.000 người, trên 300.000 người đang làm việc tại Nhật Bản và đang tiếp tục tăng lên đang góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Nhật Bản, trở thành những cây cầu kết nối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, mỗi quốc gia muốn phát triển phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó con người đóng vai trò quan trọng, có yếu tố quyết định. Lao động trong thời kỳ mới phải có năng lực chuyên môn, kỹ năng, có phẩm chất, sức khỏe... đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam là nước đang phát triển, để thích ứng với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, của khoa học kỹ thuật đòi hỏi việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác lao động với Nhật Bản phải có hướng đi thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hướng tới tuyển dụng và phái cử những lao động có kỹ năng, có trình độ, có khát khao học hỏi để bắt kịp sự phát triển của thời đại ở một số lĩnh vực ngành nghề Nhật Bản có thế mạnh như bán dẫn, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trong nông nghiệp, xây dựng hệ thống công trình ngầm xử lý nước thải, môi trường đô thị... từ đó, hình thành lực lượng lao động được đào tạo thông qua làm việc thực tế tại Nhật Bản để góp phần phát triển ngành nghề đó tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cùng với sửa đổi chính sách pháp luật của phía Nhật Bản hiện nay về lĩnh vực đào tạo, tiếp nhận lao động nước ngoài, Nhật Bản cần đi đầu trong việc đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững và thực sự "cùng thắng" giữa các bên.

Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản - Ảnh 14.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều lao động Việt Nam đã coi Nhật Bản là quê hương thứ hai của mình, chấp nhận rời xa gia đình, người thân, sang Nhật Bản làm việc với nhiều hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn: có thu nhập cao, có cơ hội học hỏi và nâng cao chất lượng cuộc sống, được sống trong một môi trường hiện đại với bản sắc văn hóa Nhật Bản...

Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các cơ quan chức năng của Nhật Bản, phía Việt Nam là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp tốt với nhau để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho người lao động Việt Nam; giảm thiểu rủi ro phát sinh, sự bất bình đẳng, tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa, để người lao động có thể an tâm học tập, làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, từ đó giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành liên quan phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, làm việc tích cực với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản để khơi thông các điểm nghẽn, giải quyết các bất cập như vấn đề miễn giảm thuế thu nhập, thuế cư trú của người lao động Việt Nam; thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác lao động giữa hai bên, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng và địa phương Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước; sớm triển khai hình thức du lịch học tập, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, trở thành cầu nối và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Đối với các thực tập sinh, lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng sẽ tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, học tập được nhiều kiến thức và kỹ năng của một đất nước phát triển, học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và đức tính tốt đẹp của con người Nhật Bản để sau này khi trở về Việt Nam sẽ trở thành những doanh nhân, những người lao động có kỹ năng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời, tuân thủ, chấp hành nghiêm luật pháp của Nhật Bản, không ngừng rèn luyện đạo đức, có cuộc sống vui tươi, lành mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; góp phần vun đắp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Hồng Nhung (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ