(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, được Đảng, nhà nước quan tâm đầu tư các chính sách nên đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; hạ tầng cơ sở cơ bản đảm bảo, đời sống văn hoá được nâng cao, trong đó việc phát triển văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cũng được chú trọng…
Phú Yên là một trong những tỉnh có nhiều thành phần dân tộc thiểu số cùng sinh sống, theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh có 32 dân tộc anh em, với khoảng 60.128 người, trong đó: Êđê 25.225 người, Chăm: 22.813 người, Bana: 4.680 người, Tày: 2.349 người, Nùng: 2.283 người, Dao: 1.031 người , các dân tộc khác: 1.747 người. Mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng về phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt… tạo nên bức tranh đa dạng và giàu bản sắc văn hóa.
Trong những năm qua, được Đảng, nhà nước quan tâm đầu tư các chính sách nên đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; hạ tầng cơ sở cơ bản đảm bảo, đời sống văn hoá được nâng cao, trong đó việc phát triển văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cũng được chú trọng…
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ -TTg, ngày 27/7/2011 phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 04/3/2013 thực hiện "Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh"; Kế hoạch số 66/KH-UBND, ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh Phú Yên về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc số Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn học dân gian của các dân tộc thiểu số. Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức và hội nghề nghiệp có liên quan lồng ghép các nguồn lực, các chương trình dự án để thực hiện, đưa vào các Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần triển khai thực hiện việc bảo tồn và phát huy văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có hiệu quả.
Cụ thể, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên luôn được quan tâm. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tổ chức điều tra di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời đánh giá hiện trạng, giá trị di sản văn hóa để lựa chọn, tiến hành việc sưu tầm, nghiên cứu trên từng địa bàn và từng dân tộc.
Theo thống kê năm 2016, 2017 các loại hình còn tồn tại trong cộng đồng chủ yếu loại hình ngữ văn dân gian (Sử thi, ca dao, tục ngữ, câu đố…) nhưng có nguy cơ mai một vì chưa được sưu tầm, nghiên cứu và in thành sách hoặc trước đây có in thành sách tuy nhiên việc phổ biến, truyền dạy cho thế hệ sau chưa được thường xuyên. Một số tác phẩm tiêu biểu được các nhà nghiên cứu như Ka Sô Liễng (Ủy viên BCH Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), nhà văn Y Điêng… cộng tác với Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam sưu tầm Bộ Kho tàng sử thi Tây Nguyên qui mô 62 tập đã xuất bản gồm: Xinh Chi Ôn, Giàng H'Lăk xấu bụng, Tìm lại chị em Jông Uốt, Anh em lạc nhau, Chi Pơ Nâm, Chăm Chi Lo Kok, Chi Đê, Tiếng cồng ông bà Hbia LơĐă, H'bia Tơ Lúi, Ka Li Pu, Anh em Chi BLơng… Trong số những tác phẩm sử thi có nhiều tác phẩm được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải cao như Xinh Chi Ôn, Giàng H'Lăk xấu bụng, Tiếng cồng ông bà Hbia LơĐă (do nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng sưu tầm). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sưu tầm bằng song ngữ (Tiếng Việt và Ê Đê) các chuyện kể và được đánh máy, lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh. Ngoài ra, các tác phẩm dân gian truyền miệng trong nhân dân các dân tộc thiểu số vẫn còn phong phú chưa có điều kiện nghiên cứu và sưu tầm, phục dựng như Achok (Khóc than), truyện thuyết, ngụ ngôn… người Ê đê, Ba Na và một số văn học dân gian các dân tộc khác như Tày, Nùng, Dao.
Công tác phổ biến, giảng dạy và xuất bản tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Hội Văn nghệ dân gian & Văn nghệ các dân tộc thiểu số Phú Yên phối hợp với trường Đại học Phú Yên đưa các tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong chương trình Đại học và các cấp phổ thông. Tại chương trình đại học, phần văn học dân gian các dân tộc thiểu số được đưa vào các học phần " Văn học dân gian", "Văn học dân gian các dân tộc thiểu số", "Văn học địa phương".
Đồng thời, hiện nay, Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Yên đang biên soạn chương trình giáo dục địa phương đưa vào giảng dạy cho học sinh cấp phổ thông, một số truyện kể của đồng bào các dân tộc thiểu số đưa vào chương trình Ngữ văn địa phương 6, 7. Tại chương trình "Ngữ văn địa phương lớp 10" đang có đưa vào giảng dạy đoạn trích tác phẩm sử thi "Tiếng cồng ông bà Hbia LơĐă" do ông Ka Sô Liễng sưu tầm.
Cùng với đó, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tài trợ in xuất bản gồm: "Đặc điểm văn học dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên" (in năm 2011, Nguyễn Thị Thu Trang chủ biên) và "Hình tượng người phụ nữ trong sử thi Tây Nguyên" (in năm 2016, Chuyên khảo của Nguyễn Thị Thu Trang). Hai công trình nghiên cứu này đều được trao giải A về Văn học nghệ thuật của tỉnh Phú Yên.
Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt được những kết quả hơn nữa, một số giải pháp trọng tâm được đưa ra và trỉển khai thực hiện trong thời gian tới đó là: Triển khai thực hiện hiệu quả Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"giai đoạn 2022-2030, trong đó tập trung: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số có đóng góp cho sự phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương.
Cùng với đó, Hội Văn nghệ dân gian & Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số Phú Yên có chất lượng và chuyên sâu. Đồng thời, sử dụng công nghệ thông tin lưu giữ các tác phẩm, hình ảnh có liên quan đến văn học dân gian các dân tộc thiểu số nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, các sự kiện của tỉnh, địa phương…