(Toquoc)- Già nửa mùa xuân 2014, dùng mây làm tay vịn tôi lên đỉnh Trường Sơn. Cái thân thể của người đàn bà quá tuổi 40 đã đẫy ra của tôi có vẻ rất phản chủ trong tình huống này. Mây nhẹ như bông trêu ngươi lả lơi từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Tôi ì ạch đặt mỗi bước chân nặng nề qua từng triền dốc để bò lên điểm cao hơn ngàn mét.
(Toquoc)- Già nửa mùa xuân 2014, dùng mây làm tay vịn tôi lên đỉnh Trường Sơn. Cái thân thể của người đàn bà quá tuổi 40 đã đẫy ra của tôi có vẻ rất phản chủ trong tình huống này. Mây nhẹ như bông trêu ngươi lả lơi từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Tôi ì ạch đặt mỗi bước chân nặng nề qua từng triền dốc để bò lên điểm cao hơn ngàn mét. Đường 12A đi giữa màu xanh bất tận lúc xuân về. Lá cây mướt rượt như trời xối mỡ, lấp lóa dưới nắng nhạt tựa muôn nghìn con mắt hấp háy cười cùng ta. Không còn hơi để thở, đừng hão huyền “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca”. Tuy nhiên khi đứng ở đỉnh đèo Đá Đẽo tôi như nghe du dương trong gió khúc hát mở đường của các chị các anh thanh niên xung phong một thời vẳng lại. Đi cùng tôi lên núi có một họa sỹ gương mặt rất lành, một nhà báo dáng dấp phong sương. Người Hà Nội cả. Đều từng trải trong đời nhưng lọt vào giữa Trường Sơn họ bỗng dưng ngơ ngác không ngờ. Nhà báo Dương Hùng Phong làm thân bằng cách cất dọng “Này Trường Sơn ơi! Trường Sơn ơi! Khúc hát từ trái tim, xôn xao đồi núi cao, lấp lánh cùng ánh sao mang theo lòng khát khao…”. Có lẽ khúc hát ngắn của Dương Hùng Phong đã gợi cho tôi cảm hứng viết bút ký này. Họa sỹ Tuấn Anh tranh thủ phăng mấy đường phác thảo lên vỏ bao thuốc lá và liên tục bấm máy gọi là thu thập tư liệu sáng tác. Trong cảm giác mệt đứt hơi do những khúc cua tay áo gây say, tôi lạ lẫm nhìn Tuấn Anh và tự hỏi “Không biết anh ấy đang tìm gì đằng sau màu xanh ngút ngàn kia, từ con đèo vắng lặng kia…?”. Gần như đọc được điều gì trong ánh mắt tôi, Tuấn Anh buột miệng “Mình hoang mang khi ngập trong màu xanh này. Trường Sơn già hay trẻ?!”. Tôi hiểu. Trường Sơn lở lói vết thương sâu. Trường Sơn máu chảy. Trường Sơn ngùn ngụt lửa. Xa rồi! Bây giờ quanh tôi và anh là Trường Sơn mới mẻ, bình yên và hiền hòa, hoang vu nhưng không tàn tạ. Tưởng chiến tranh chưa hề đi ngang qua đây. Tuấn Anh nhìn tôi soi xét “Chiến tranh ở đâu?”. Chìm trong màu cây. Chìm trong phận người. Nhưng không dám lý giải cùng anh diện mạo của Trường Sơn trên tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng. E rằng với một họa sỹ hiện đại như anh, những điều tôi nói ra sẽ bị cho là cổ lỗ sỹ. Và tôi kể cho anh nghe về một con người. Với tôi cuộc đời con người ấy là những trang nhật ký của chiến tranh. Nói đúng hơn là của con đường chúng tôi đang đứng- Đường 12A. AHLLVTND Trần Thị Kim Huế. Chị giờ này là một người đàn bà già nua năm tháng, mắt mờ do gió bụi một thưở chiến trường và đi cà nhắc vì bị ngã. Nhưng thời chiến tranh chị là linh hồn của cả một đại đội, là con chim chích nhỏ bé xinh xẻo nhanh nhẹn trên đường 12A.
*
Tuổi thơ thiếu cơm áo, thiếu cả hơi ấm mẹ cha. Chị nương nhờ lòng thương của họ hàng nội ngoại mà lớn. Tuổi 14 tóc hoe nắng cháy, ngực nhỏ vai gầy, nhảy chân sáo bên triền sông Gianh bắt châu chấu, bẻ ngô non, cùng chúng bạn hái cà xanh đánh chuyền, đánh chắt. Người nhà gọi về lấy chồng. Số phận được đóng đinh bằng một cuộc hôn nhân sắp đặt. Không vì lý do gì khác ngoài mục đích bớt đi một khẩu phần trong bữa cơm của nhà bên này và tăng thêm người làm cho nhà bên kia. Không có đêm động phòng hoa chúc. Vị hôn phu lặng lẽ ra đi theo tiếng gọi của chiến trường. Mấy năm sau, chị vào đại đội 759 thanh niên xung phong Quảng Bình chiến đấu ở tuyến đường 12A từ cầu La Trọng đến Bãi Dinh.
Từ năm 1964 đế quốc Mỹ phát hiện ở phía tây Quảng Bình có hai tuyến đường chi viện chiến lược cực kỳ quan trọng, trong đó đường 12A là tuyến chi viện cơ giới. Chúng tập trung đánh phá nhằm chặt đứt mạch máu này. Mỗi ngày đế quốc Mỹ dùng hàng chục lượt máy bay dội bom. Một trung đội quyết tử cho con đường sống mãi được thành lập. Người con gái nhỏ nhắn nhưng lanh chanh hay nói hay cười Kim Huế được giao chức Trung đội trưởng.
Với tư duy thực dụng của một kẻ bị cơ chế thị trường thôn tính, tôi hỏi:
- Chị có tâm trạng gì khi nhận chức này? Không có lợi lộc và rất nguy hiểm.
Chị nhìn tôi lạ lùng: Vinh dự lắm chứ. Mình phải sống và chiến đấu làm sao để khỏi phụ lòng tin của đồng đội…
Tôi xấu hổ vì đã hỏi một câu lố bịch.
Những năm 1965-1967 đường 12A chứng kiến cuộc đối đầu giữa cỏ mềm và lửa nóng. Máy bay Mỹ kể cả B52 quần đảo suốt ngày đêm trên bầu trời các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá. Bom chồng lên bom. Đá núi bị tán thành bụi. Đồi cao thành vực sâu. Hy sinh không ngày nào không có. Nhưng đại đội 759 của chị quyết tâm bám trụ “Máu 759 có thể đổ, nhưng đường 759 không bao giờ bị tắc”, con đường dưới bom thù biến dạng nhưng xe ta vẫn đi.
Trong mấy năm chiến đấu ở tuyến đường 12A không biết đã bao nhiêu lần đơn vị của chị được tổ chức truy điệu tập thể, đã có biết bao lần tiễn nhau đi mà không đón nhau về. Chị và đồng đội dám bình tĩnh trước những mất mát biết trước. Riêng ngày 3 tháng 7, không có truy điệu, không có chia tay, mọi thứ diễn ra bất ngờ đến bàng hoàng. Bởi tội ác của máy bay Mỹ. Bởi nỗi đau xé lòng nhìn đồng đội ra đi. Đó là một đêm hè trăng sáng, giữa hai loạt bom rơi, không gian miền sơn cước vẫn có những khoảnh khắc huyền ảo làm yếu mềm trái tim thiếu nữ. Cả tiểu đội con gái của chị xúm xít bên nhau. Chị tranh thủ bối lại mái tóc bết bê bụi đỏ. Chị mơ màng nhớ người thương đang trên đường ra tuyến trước. Mấy em gái trẻ chòng ghẹo nhau chỉ vì ánh mắt lạc đường của anh chàng lái xe mặt trận… Chị lúc đó 26 tuổi, trinh nữ có chồng, già dặn trầm tĩnh hơn đồng đội. Chị nhớ nhà, nhớ những người ruột thịt, nhớ người chồng chưa một đêm chung chăn gối bây giờ chiến đấu nơi đâu… Mấy chàng lính công binh đang chiến đấu ở đồi Cha Quang gần đó cũng tranh thủ những thời khắc lắng bom ngả lưng bên triền núi, thả lời yêu vào gió thoảng. Đêm rất yên. Ngập trăng. Và mát lành. Nhưng những tên lính xâm lược tối mắt bởi trái tim đen và tâm địa sặc mùi giết chóc tiếp tục đánh phá. Km21 lại hứng bom. Từng chùm. Từng chùm. Loé lên và tối sầm. Quá nửa chiến sỹ có mặt tại km21 thương vong. Mặt đất bị lộn trái. Không gian tan tác. Thời gian bị kéo lùi. Chị thoát được luồng bom, lao ra mặt đường tìm đồng đội. Đôi tay nhỏ cào điên dại trên mặt đất nhoè máu mong chạm được thân thể ấm của đồng đội “Châu ơi, Thường ơi…” Tiếng kêu thao thiết của chị dội vào núi đá, dội vào tim người…”. Vỡ tan chuỗi cười trong veo. Nát một đêm trăng đẹp. Nát những giấc mơ trinh nữ. Không gian sau loạt bom yên ắng đến lạnh người… 7 đồng đội của chị hy sinh bởi 1 loạt bom thù. Có người còn hy sinh lần nữa bởi bom vẫn đang còn tiếp tục trút xuống. Đồi Cha Quang được đổi tên thành đồi 37 để nhớ một ngày đau thương trong mấy ngàn ngày đau thương của Trường Sơn dũng liệt.
*
Trường Sơn hôm nay chỉ có gió và mây. Tuấn Anh im lìm nghe tôi và hỏi:
- Chị Huế giờ ở đâu?
- Quay lại trên con đường này.
- Đồi Cha Quang ở đâu?
- Đi tới trên con đường này.
- Nhất định tôi sẽ gặp… Không gặp không về Hà Nội.
Nói rồi anh lại tiếp tục bấm máy. Ra xuân mái đông Trường Sơn vẫn còn ẩm ướt hơi lạnh. Chúng tôi lên đến Cha Lo mới bắt đầu gặp nắng. Người tài xế vốn quen tuyến đường này thông báo “Thời tiết của Lào tràn sang ta rồi đấy”. Tôi mới hiểu rõ hơn “Trường Sơn đông/ Trường Sơn tây/ Bên nắng đốt/ Bên mưa quay…”. Qua khỏi cửa khẩu Cha Lo, chúng tôi chính thức đặt chân lên đất Lào. Nắng thôi rồi nắng. Mọi thứ áo xống chống rét ngay lập tức bị đào thải. Mấy vị cán bộ Hải quan và Biên phòng Lào không coi nắng ra gì, bình thản phơi đầu trần ra tận xe kiểm tra. Có lẽ họ đều được gửi sang Việt Nam đào tạo nên nói tiếng Việt rất nhuyễn. Khi biết chúng tôi đang làm cuộc hành trình xuyên đường 12 A mà điểm cuối là thị xã Thà khek- Khăm Muộn, mong gặp được một sỹ quan quân đội Lào đã từng sống và chiến đấu với bộ đội Việt Nam trên đường Trường Sơn thì họ Oke, kể cả lúc đó trên xe có một nhà báo Thừa Thiên Huế không có giấy thông hành. Khác với cán bộ Hải quan và Biên phòng Việt Nam làm việc ra vẻ rất nghiêm, cán bộ Lào tác nghiệp đơn giản hơn.
Nếu mái đông Trường Sơn là màu xanh mướt mát, mênh mông thì bên Tây mịt mù bụi đỏ. Những cánh rừng khô rốc. Những mảnh ruộng nứt toác cằn cỗi. Những bản làng được rang giòn dưới nắng. Nước da nâu của bọn trẻ con căng lên mọng chín. Trên đường vào Thà khek thi thoảng chúng tôi gặp một cái chợ bản bán những sản vật từ rừng: Dạ dày nhím, trứng kiến, mật ong, chuối rừng… Mọi thứ được thả lăn lóc trên mấy cái sạp ọp ẹp, mặc kệ cái nắng thiêu đến mềm nhũn.
Từ Đồng Hới khởi hành lúc sáng sớm, đến tầm 3 giờ chiều thì chúng tôi đến thủ phủ Khăm Muộn và dừng lại bên bờ sông Mê Kông. Sông Mê Kông là một thực thể đa sắc và đa diện. Gương mặt Mê Kông ở quãng này mịn màng như lụa, lấp lánh dưới nắng chiều, đẹp mê man. Bên này là Thà Khek- Lào. Bên kia là NakhonPhanom- Thái Lan. Rất gần! Giữa dòng đủng đỉnh một con phà chở cư dân hai bờ qua lại. Tất cả những gì ở vùng đất này đều để lại cho tôi ấn tượng của sự hiền lành chân chất. Ở Thà Khek có rất nhiều người Việt Nam sinh sống làm ăn. Chúng ta có thể nhận ra ngay lập tức đồng bào mình giữa rất đông người Lào. Gương mặt người Lào chân chất thiệt thà nếu không nói là có gì đó sắc thái của sự củ kỹ. Dáng điệu của họ chậm chạp nếu không nói là từ tốn. Người Lào làm ăn đủ để sống chứ không đua chen, chụp giật. Ở Việt Nam ta, chiếc ô tô là thứ tài sản có giá trị và bị lạm dụng ý nghĩa, trở thành phương tiện thể hiện đẳng cấp. Lào khác, chiếc ôtô đơn thuần chỉ là thứ phương tiện phục vụ đời sống không thể thiếu trong mỗi gia đình, đặc biệt là gia đình cán bộ nhà nước. Không câu nệ xấu đẹp sang hèn, miễn là có. Có càng nhiều càng tốt. Người Lào không chú trọng nhà cửa, có lẽ một phần do thời tiết Lào không manh động như ở ta, phân nửa do người Lào không bị tâm lý màu mè trưng diện kiểu đánh đu chi phối. Đi trên đường Thà Khek chúng tôi cũng bị lây cảm giác từ từ, đi nhẹ nói khẽ của họ. Xe cộ cũng vậy, chạy trên đường tuyệt nhiện không bấm còi inh ỏi làm ta giật mình suýt ngã như ở Việt Nam. Tôi thiện cảm vô cùng với lối sống này. Bản chất đặc trưng của người Lào sẽ còn được khẳng định chắc chắn hơn khi tôi gặp Khăm phon- Nguyên Tỉnh đội trưởng Khăm Muộn và nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Ông ấy là một trong những người cựu binh Lào đã từng kề vai sát cánh với bộ đội ta trong những năm đánh Mỹ. Không nẻo đường nào, không góc rừng nào ở hai mái Trường Sơn xa lạ với ông. Thời gian không cho phép chúng tôi nán lại lâu hơn bên dòng Mê Kông quyến rũ. Cả đoàn tìm đến nhà Khăm Phon khi ông đang kiểm tra lại mấy chục tấm giấy thông hành để bà con họ hàng chuẩn bị vượt Trường Sơn cưới vợ cho cậu con trai út. Thấy mấy người bước xuống xe lỉnh kỉnh máy này máy nọ nhưng ông không ngạc nhiên, vẫn ngồi yên trên chiêc ghế gỗ cũ kỷ bên hiên nhà nhìn ra và nói thay cho một lời chào “Việt Nam!”. Nhà báo Dương Hùng Phong vừa kịp học lóm mấy tiếng Lào bụi cũng toe toét cười “Chămbađi!” nghĩa là “Xin chào ông”. Khăm phon cười rất gần gũi “Ngồi! Ngồi”. Chưa kịp biết chúng tôi là ai, ông đã khoe, sắp tới đại gia đình của mình sẽ theo đường 12A sang Việt Nam cưới vợ cho con trai út. Ông nói rằng “Tôi nặng duyên nợ với Việt Nam”. Kiểu đón khách của vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khăm Muộn cho chúng tôi cảm giác thoải mái. Và còn vui vẻ hơn khi Dương Hùng Phong khéo léo kéo ông về quá khứ với những ngày chiến đấu trên các tuyến đường Trường Sơn, đường 12A, đường 20 quyết thắng. Anh tỏ ra là người thuộc khá nhiều ca khúc về Trường Sơn. Với giọng hát đầy nhạc cảm anh hồn nhiên cất tiếng “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào, biên giới đẹp sao. Cây lá lao xao rộn ràng lẫn trong màu áo, những người chiến sỹ yêu nước Lào. Trường Sơn, mây núi bao la, lối quân đi bước mòn sỏi đá. Trường Sơn, hai nước chúng ta ghi tạc nghĩa tình từ xưa…”. Rất bất ngờ, Khăm Phon hát cùng anh, rồi như được khúc hát đánh thức Khăm Phon bắt đầu kể… Ông còn lôi ra cả một tấm bản đồ Trường Sơn rất rộng chỉ những tuyến đường mà bước chân ông đã đi qua. Những câu chuyện tái hiện khung cảnh Trường Sơn một thưở. Tạm biệt, Khăm Phon khuyên chúng tôi nên theo hướng đường 20 qua cửa khẩu Cà Roòng thăm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích….và cho ông gửi lời thăm nơi ấy. Máu lãng tử trỗi dậy, nhà báo Dương Hùng Phong, họa sỹ Tuấn Anh quyết tâm theo lời Khăm Phon mặc dù đã được cảnh báo đoạn qua cửa khẩu Cà Roòng đường đi rất khó.
Đường Trường Sơn năm xưa (ảnh: vov.vn)
Tháng 12 năm 1965, khi đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá đường 12A nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược bằng cơ giới của ta, để đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng tăng, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã phát lệnh khởi công mở một tuyến đường mới, xuất phát từ làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, Bố Trạch chọc thủng Trường Sơn nối với đường 128B ở ngã ba Lùm Bùm thuộc huyện Bu La Pha, tỉnh Khăm Muộn - Lào. Ngay từ giây phút điểm hỏa loạt bộc phá đầu tiên chính thức phát lệnh khởi công cho đến suốt những năm đánh Mỹ, con đường này là điểm đến của hàng chục ngàn thanh niên xung phong, bộ đội pháo binh tuổi đôi mươi mười tám. Họ đã vượt qua đạn bom khốc liệt, băng mình trong nắng rát mưa dầm bám trụ các cung đường, trọng điểm địch đánh phá ác liệt, vừa làm nhiệm vụ mở đường, vừa bảo vệ các đoàn quân ra tiền tuyến. Sau bốn tháng thi công, ngày 5-5-1966, đường mới đã được hoàn thành. Con đường của lứa tuổi 20, ngay từ giây phút khai sinh nghiễm nhiên mang tên “Đường 20 Quyết thắng”. Tuyến đường có chiều dài 123km đã phá thế độc đạo 12A và rút ngắn cung đường vận chuyển từ phía Bắc xuống đường 9. Trên tuyến đường có nhiều toạ độ lửa ác liệt nhất, đó là trọng điểm "A.T.P" bao bồm: cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Pu-La-Nhích, Trọng điểm Trạ Ang, phà Xuân Sơn, phà Nguyễn Văn Trỗi. Con đường trở thành biểu tượng của ý chí Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam.
Chúng tôi không thể thực hiện lời khuyên của Khăm Phon do đường 20 phía nước bạn Lào rất xấu, đành phải quay xuống Bố Trạch rồi mới vòng lên. Cũng vẫn màu xanh ngút ngàn làm họa sỹ Tuấn Anh hoang mang “Đất Quảng Bình này đâu cũng thấy xanh. Lạ thật!”. Anh không còn nhận thấy mùi của chiến tranh, màu của chiến tranh trên quê hương tôi. Con đường nằm trong dự án đường ra biên giới đã được nâng cấp và phủ bê tông hoàn chỉnh. Từ làng Phong Nha đến km 16, chúng tôi gặp Hang Tám cô và đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Chiến tranh dừng lại nơi này. Họa sỹ Hà thành lặng người khi đứng trước Hang Tám cô nghe người hướng dẫn viên kể về sự hy sinh anh dũng của các anh các chị thanh niên xung phong tại đây.
Đó là một buổi chiều như mọi buổi chiều qua, tiểu đội thanh niên xung phong 163 thuộc ban 67 gồm các anh các chị: Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai đang nỗ lực san lấp cho xong những mét đường vừa bị bom Mỹ cày xới, kịp cho đêm nay xe ta thông tuyến thì B52 của Đế quốc Mỹ lại tiếp tục đến rải bom. Họ chạy vào hang đá bên đường trú tạm. Cùng họ còn có 5 chiến sỹ pháo binh. Một loạt bom trút xuống, 5 chiến sỹ pháo binh hy sinh. Tảng đá khổng lồ từ trên núi cao đổ ập xuống bịt kín cửa hang nơi 8 thanh niên xung phong đang trú ẩn. Mọi biện pháp cứu đồng đội được thực hiện nhưng …bất lực. Một ngày…hai ngày….ba ngày…tiếng kêu của các anh các chị vẫn vọng ra từ hang đá. Nước, sữa, cháo loãng được tiếp tế qua ống nhựa. Nhưng ngày thứ tư…thứ năm…yếu dần rồi lặng hẳn… Đồng đội ở bên ngoài ngả mũ tiễn biệt.
Câu chuyện này tôi đã nghe nhiều lần, tôi không khóc không phải vì đã bị chai lỳ. Tôi nghĩ đến các anh các chị không chỉ bằng lý trí của một người yêu nước, tôi nghĩ về trái tim nóng hổi nhịp đập tuổi 18 của họ. Tôi không chỉ nghĩ về những điều đau thương khi các anh các chị bị giam cầm trong hang đá tối tăm. Tôi nghĩ về sự tỏa sáng của tình yêu trước những giây phút cuối. Khi cơ thể cạn dần sự sống, khi niềm hy vọng đã oặt mềm và không còn nhiệt năng để quẫy đạp có thể họ sẽ lặng lẽ gối đầu lên cánh tay nhau, áp ngực trẻ vào ngực trẻ để cộng hưởng nguồn sống, cộng hưởng tình yêu và ra đi trong ấm áp…Hình như bởi vậy chưa lúc nào tôi có cảm giác Hang đá Tám cô lạnh lẽo. Hoa rừng vẫn được cắm. Gương lược còn đây. Những đôi dép còn đây. Chắc mọi người mới vừa đi đâu đó giữa màu xanh ngút ngàn của Trường Sơn hùng tráng.
*
Kết thúc cuộc hành trình qua hai con đường lịch sử, từ nơi này Trường Sơn tôi mang theo về phố phường chật hẹp 4 chiều những khúc tráng ca bất tử - ký ức vĩnh cửu của dân tộc, mang theo về lồng lộng gió núi mây ngàn, mang theo về lung linh sắc nắng Trường Sơn. Trả mình cho cuộc đời bụi bặm, mưu mô và đối phó bằng đủ mọi loại trò mèo, nhưng tôi tin khúc tráng ca Trường Sơn sẽ vang mãi trong nhân tâm người Việt.
Lãng quên trong trường hợp này sẽ là một sự vô liêm sỉ!
Bút ký của Trương thu Hiền