• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những lá thư thời chiến- trang sử trung thực, sinh động và thú vị nhất do nhân dân sáng tạo ra

Văn hoá 26/07/2017 13:31

(Tổ Quốc) -Đây là nhận xét của GS Hoàng Chương tại Hội thảo khoa học: Những lá thư thời chiến với lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc.

Đặc điểm những lá thư thời chiến

Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” là một Công trình khoa học “Sưu tầm và Giới thiệu” độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc, do nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong 10 năm (2005 – 2015), tập hơn hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: Từ Chủ tịch nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong…Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là Liệt sĩ, hoặc Thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.

Một phần rất nhỏ thư thời chiến so với thực tế được tập hợp in thành sách.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Hà Minh Hồng (Khoa lịch sử, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) thì thư thời chiến Việt Nam phong phú và bạt ngàn: “Ai cũng viết thư và ở đâu cũng viết thư được; gửi được hay không gửi cũng vẫn viết thư; thư từ tiền tuyến gửi ra hay từ hậu phương gửi vào đều thấm đượm tình cảm và lòng thương yêu con người trong kháng chiến; cán bộ hay chiến sĩ, nhân dân hay thanh niên xung phong, cha mẹ và con cái hay anh chị em đều viết thư cho nhau từ nhu cầu tình cảm và sự quan tâm đến nhau như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày thời chiến ấy. Có thư viết vội gửi đi ngay đến tay người nhận, có thư viết đi viết lại và gửi đi biền biệt không đến được người nhận; có cặp thư đi thư lại đều đều và đằng đẵng suốt mấy chục năm dọc cuộc chiến, có cặp thư thay cho lứa đôi chung sống đời sống vợ chồng; có thư viết xong chưa kịp gửi thì người viết hy sinh, có thư viết mang theo trong người để sau chiến tranh trở thành di vật trên bàn thờ…

PGS Hà Minh Hồng cũng cho biết thêm: Thư thời chiến có con người thời chiến, có sự vật, sự việc thời chiến, có cả quá khứ trước chiến tranh và ước mơ dự định sau chiến tranh; thư thời chiến diễn tả cụ thể trận chiến với tất cả nguyên nhân và kết quả của chiến sự; cũng có thư thời chiến không nói gì đến chiến tranh và liên quan đến chiến tranh, oán ghét chiến tranh; lại có thư thời chiến dự báo bao điều trùng khớp lạ lùng về số phận một con người cụ thể thời chiến và thời hậu chiến… Tùy theo người viết thư là ai, làm gì, ở đâu trên đất nước thời chiến tranh, những lá thư thời chiến của Việt Nam đã hiển thị hết tất cả cuộc chiến lên trang giấy. Có thể hình dung nếu ghép tất cả những lá thư thời chiến trong một cuộc chiến vào với nhau, sẽ có một bức tranh không gian 4 chiều khổng lồ không tưởng tượng nổi.

Thư thời chiến ở Việt Nam viết ra giấy mực để chia sẻ, chứ không phải để lưu truyền; nói về suy nghĩ và tình cảm riêng tư, chứ không phải phản ảnh tâm nguyện chung của tập thể nào, địa phương nào, quốc gia nào; giữ làm kỷ vật, kỷ niệm cá nhân, chứ không nhằm lưu trữ thành tài liệu, sử liệu, chất liệu cho bất cứ giới nghiên cứu nào. Nhưng chính sự sản sinh tự nhiên trong thời chiến, với lý do tự thân và tự do cá nhân như thế, thư thời chiến đã nghiễm nhiên trở thành loại tài liệu đặc biệt có một không hai ở Việt Nam, là nguồn sử liệu cá nhân độc đáo bậc nhất về lịch sử chiến tranh ở Việt Nam – PGS. Hồng nhấn mạnh.

Những lá thư thời chiến ngả màu theo thời gian.

Theo GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc: Hàng ngàn bức thư là hàng ngàn tâm sự, hàng ngàn sự việc chân thực, chân thành, mà tác giả gửi tới gia đình, tới người thân, cho biết những điều sâu kín nhất, chân thực nhất xúc động nhất đang diễn ra trong thực tế cuộc chiến.

Còn theo nhận định của Nhà văn Đặng Vương Hưng: Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao?...

Lấy dẫn chứng trong nội dung từ một vài bức thư thời chiến, TS. Lê Thị Bích Hồng kể lại rất xúc động khi đọc thư của một chiến sĩ gửi về quê nhà, nhờ mẹ “trả nợ hộ hai bìa đậu và quả trứng” vì vội lên đường chưa kịp trả.

Thạc sĩ Lê Thị Thu Hương (Giảng viên khoa Lịch sử , ĐH Sư phạm, Đại học Thái Nguyên thì chia sẻ những dòng nhật ký: "Em mua cho anh một đôi tất ni lông để dùng ngủ đêm, rét lắm. Không có chăn, mặc áo len quần dài nhưng hai bàn chân rất lạnh”, “vào đây rất hiếm rau, toàn ăn thịt hộp với ruốc bông, rất thèm rau, bữa nào có ít rau tàu bay hay rau rừng là không gì bằng nữa”…

Giá trị của Những bức thư thời chiến

PGS. Hà Minh Hồng cho rằng những bức thư thời chiến là nguồn sử thi vô cùng phong phú sinh động về lịch sử cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, hào hùng bậc nhất của dân tộc và thời đại. Đó là kho báu cần giữ gìn, bảo vệ và phát huy cho những thế hệ đang đồng hành trong công cuộc xây dựng phát triển và hội nhập.

Ông Phạm Quang Nghị phát biểu, đánh giá cao Hội thảo.

Nhà văn Đặng Vương Hưng hi vọng thông qua những lá thư thời chiến góp một cách nhìn mới về chiến tranh, từ những tư liệu sống động và chi tiết nhất, nhằm khắc họa hình ảnh những con người với những số phận riêng biệt nhưng đã làm nên hơi thở hào hùng chung của cả thời đại. Những bi hùng, những ám ảnh trong chiến tranh, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học văn, những người quan tâm đến lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc rất cần biết… Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn quá khứ, để tự xây dựng cho mình một lý tưởng sống, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn cho đất nước và cuộc đời này.

Còn GS Hoàng Chương lại cho rằng, đọc những bức thư thời chiến, tôi tin rằng, mỗi bức thư của những chiến sĩ ở tiền tuyến gửi về cho gia đình đều mang thông điệp tinh thần, đã cổ vũ cho cha mẹ, vợ con và người yêu thêm nghị lực về sự hy sinh để vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, nên rất cảm động. Mỗi bức thư là một khúc Aria (khúc ca) tuyệt vời trong bản anh hùng ca giải phóng của dân tộc ta.

Những lá thư thời chiến mang dấu ấn thời gian.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: Thời gian chính là thứ thuốc hiện hình càng làm cho chúng ta thấy giá trị to lớn  của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấm thía tất cả những hi sinh to lớn vô bờ bến của rất nhiều thế hệ .Vì thế việc bảo tồn và phát huy giá trị những bức thư trong thời chiến chính là góp phần vào nhận thức di sản to lớn ấy của dân tộc và trách nhiệm của thế hệ chúng ta làm cho những bài học của chiến tranh trở thành sức mạnh cho các thế hệ trẻ Việt Nam để gìn giữ hòa bình và bảo vệ Tổ quốc.

Những bức thư, những trang giấy rất nhẹ nhưng chứa sức truyền tải rất lớn. Với thế hệ đã trải qua chiến tranh thì đây là sự chia sẻ, với thế hệ trẻ là sự trao truyền. Các bạn trẻ không có ký ức về chiến tranh nhưng có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Hội thảo hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày TBLS góp một phần nhỏ thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh giá trị quá khứ, đặc biệt đối với những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng.

Ông Phạm Quang Nghị - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội cho rằng Những lá thư thời chiến không chỉ là tình cảm, mà là lương tâm, trách nhiệm của những người đã ngã xuống. Đây là tài sản có giá trị vô cùng lớn. Và có lẽ những lá thư được in trong sách chỉ là một phần rất nhỏ với số thư đã được viết ra trong thời chiến.

Hội thảo khoa học: Những lá thư thời chiến với lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc được tổ chức sáng 25/7 tại Hà Nội. Đây là một sự kiện văn hóa nằm trong khuôn khổ những ngày tri ân nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo. Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Quỹ Mãi mãi tuổi 20… cùng tổ chức. Hội thảo quy tụ hơn 30 tham luận của nhiều học giả, tướng lĩnh...

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ