(Cinet) – “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc” – chủ đề cuộc hội thảo khoa học vừa diễn ra vào sáng 25/7 tại Hà Nội.
Hội thảo “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”. |
Hội thảo “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ mãi mãi Tuổi 20, hành trình “Mỗi nén hương, một tấm lòng” phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).
Hội thảo có sự tham dự của: đồng chí Phạm Quang Nghị - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Cựu chiến binh chiến trường B2 trong kháng chiến chống Mỹ; Giáo sư Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; PGS, TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; cùng các mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình Liệt sĩ, các Thương binh và Cựu chiến binh tiêu biểu;….
Hội thảo khoa học "Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hoá dân tộc" được tổ chức trên cơ sở tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” - một công trình khoa học độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc do Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (từ 2005 – 2015).
“Những lá thư thời chiến Việt Nam tập hợp trên 300 lá thư của 127 tác giả thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: Từ Chủ tịch Nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong…Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là Liệt sĩ, hoặc Thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.
Những bức thư thời chiến không phải từ ngòi bút tài năng và óc tưởng tượng dồi dào của nhà văn, mà từ suy nghĩ, từ tấm lòng chân thực, việc làm chân thực của người chiến sĩ ngoài mặt trận muốn bày tỏ với cha mẹ, với vợ con, với người yêu hoặc người thân ở hậu phương miền Bắc Việt Nam mà sức thuyết phục của nó mạnh hơn bất cứ tác phẩm nghệ thuật hư cấu nào.
Hàng ngàn bức thư là hàng ngàn tâm sự, hàng ngàn sự việc chân thực, chân thành, mà tác giả gửi tới gia đình, tới người thân, cho biết những điều sâu kín nhất, chân thực nhất xúc động nhất đang diễn ra trong thực tế cuộc chiến. Mỗi bức thư của những chiến sĩ ở tiền tuyến gửi về cho gia đình đều mang thông điệp tinh thần, đã cổ vũ cho cha mẹ, vợ con và người yêu thêm nghị lực về sự hy sinh để vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, nên rất cảm động. Mỗi bức thư là một khúc Aria tuyệt vời trong bản anh hùng ca giải phóng của dân tộc ta.
TS, Nhà văn Lê Thị Bích Hồng (nguyên Phó vụ trưởng Ban Tuyên giáo TW) đã viết trong lời giới thiệu sách: “Tôi tin Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ luôn mang thông điệp về cái đẹp, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp Cách mạng; có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”.
Nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Giáo sư Hoàng Chương trao tặng bằng khen cho Nhà văn, đại tá Phạm Quang Hưng với công trình "Những lá thư thời chiến Việt Nam. |
Còn nhà văn, đại tá Đặng Vương Hương - tác giả cuốn sách chia sẻ: “Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao…? Tôi muốn góp một cách nhìn mới về chiến tranh, thông qua những tư liệu sống động và chi tiết nhất, nhằm khắc họa hình ảnh những con người với những số phận riêng biệt nhưng đã làm nên hơi thở hào hùng chung của cả thời đại. Những bi hùng, những ám ảnh trong chiến tranh, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học văn, những người quan tâm đến lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc rất cần biết… Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn quá khứ, để tự xây dựng cho mình một lý tưởng sống, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn cho đất nước và cuộc đời này”...
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giáo sư Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khẳng định: “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc” là hội thảo về bản anh hùng ca bất diệt mà những dòng kẻ, những nốt nhạc được hòa âm, kết nối là những bức thư mang tư tưởng và tâm hồn vĩ đại của một dân tộc anh hùng - một dân tộc mà sự hy sinh để bảo vệ nền đọc lập tự do và thống nhất của tổ quốc được coi là tấm gương sáng của trong thế kỷ 20, kỷ nguyên độc lập tự do của nhân loại.
Giáo sư khẳng đinh: Hội thảo được tổ chức nhằm giải đáp những câu hỏi: Tại sao những trang viết của Những lá thư thời chiến Việt Nam lại có sức lay động và lan tỏa mạnh mẽ đến như vậy trong đời sống cộng đồng những năm qua? Tại sao nhiều nhà nghiên cứu đã coi đây là Những Trang Sử trung thực, sinh động và thú vị nhất do Nhân dân sáng tạo ra? Giá trị của nó với Lịch sử, Truyền thống và Văn hóa dân tộc như thế nào? Và nếu coi Những lá thư thời chiến Việt Nam là một Di sản và một Tài sản, thì phải làm sao để thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau tiếp cận, khai thác tác phẩm này tốt nhất cho đời sống xã hội?
32 tham luận tại hội thảo của các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm với học hàm, học vị là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh; cho đến các Nhà giáo, Nhà báo,các CCB, cựu cán bộ kháng chiến, thậm chí còn có 2 Nhóm tác giả là Sinh viên tiếp cận và phân tích những lá thư thời chiến ở các góc độ khác nhau nhưng cùng có chung một điểm: Trân trọng và biết ơn “Những lá thư thời chiến Việt Nam” - Những Kỷ vật và Di vật thiêng liêng của một thời máu lửa, giờ đây đã trở thành Di sản và Tài sản của chúng ta.
Tham luận của Tiến sĩ Đặng Ngọc Vân tại hội thảo khẳng định: Những lá thư một thời dưới đáy ba lô còn mãi với lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam. Những lá thư thời chiến Việt Nam là một công trình khoa học, lịch sử, văn hóa độc đáo, một bộ sử thi do chính những người lính và nhân dân chép ra nó. Đó là một di sản thiêng liêng, một tài sản vô giá của các Anh hùng, Liệt sĩ, các Cựu chiến binh để lại cho hậu thế, là thông điệp về chiến tranh và hòa bình cho thế hệ sau.
TS. Nhà văn Lê Thị Bích Hồng nhận định: Dưới góc độ lịch sử, Những lá thư thời chiến là một tư liệu lịch sử, còn dưới góc độ văn hóa thì đó là truyền thống, là lòng yêu nước. Đây là một di sản văn hóa rất đặc biệt mang tính sử thi nhưng lại vô cùng chân thực của những năm đất nước có chung hồn cốt cùng khuôn mặt, nụ cười tiễn đứa con ngàn bà mẹ như nhau.
Đồng chí Phạm Quang Nghị phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Quang Nghị - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Cựu chiến binh chiến trường B2 trong kháng chiến chống Mỹnêu rõ: Trong những di sản của những người đã khuất để lại cho chúng ta, ngoài sự nghiệp, ngoài lý tưởng, ngoài giang sơn gấm vóc Việt Nam còn là những tình cảm, những ước muốn họ muốn thực hiện nhưng đã không thể thực hiện và nó được biểu lộ qua những lá thư thời chiến. Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng triệu lá thư của những người ra trận. Đồng chí đánh giá cao giá trị to lớn của công trình “Những lá thư thời chiến” của nhà văn Đặng Vương Hưng. Đồng chí khẳng định: Công việc sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách và tổ chức hội thảo “Những lá thư thời chiến” là quá trình biến những tài sản, kỷ niệm riêng của mỗi người, mỗi gia đình thành tài sản chung của đất nước của các thế hệ, để hiểu sâu sắc hơn về một thời quá khứ đầy đau thương, oanh liệt của đất nước. Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam cùng những tham luận trình bày tại Hội thảo chỉ là bước đầu cho quá trình khám phá, lưu giữ, bảo tồn những giá trị to lớn trong lịch sử dân tộc.
Hội thảo "Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc" là một hoạt động trong khuôn khổ triển lãm "70 năm đền ơn đáp nghĩa" do Bộ VH,TT&DL và Bộ LĐ,TB&XH phối hợp tổ chức. Hội thảo là một hoạt động ý nghĩa, góp phần vào trong cuộc vận động rộng lớn để thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tồn vinh những giá trị quá khứ, đặc biệt là đối với những người đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: Anh Vũ