• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những Làng hoa được xếp hạng- đặc sản du lịch Pháp

Du lịch 22/10/2017 14:36

(Tổ Quốc) - Đến thăm bất kỳ điểm du lịch nào ở Pháp, du khách sẽ bị ấn tượng bởi những bông hoa rực rỡ, hơn thế nhiều địa danh như thành phố Colma, Alsace hay Versailles, Deauville, Trouville, Annecy, Nice, Nantes, Nimes… đều có một đặc trưng là những bông hoa khoe sắc ở khắp nơi, từ ngoài đường vào tận trong nhà.

Theo Ủy ban Quốc gia các Thành phố và Làng hoa của Pháp (CNVVF), ra đời cách đây 45 năm, thì các địa danh ở Pháp được xếp hạng, cao nhất là hạng “Bốn hoa”. Trong đó, 233 địa phương được xếp hạng “Bốn Hoa”, 1.073 được xếp hạng ”Ba Hoa”, 1.677 ”Hai Hoa” và 1.788 “Một Hoa”. Danh hiệu cao quý nhất là “Hoa Vàng” được CNVVF trao tối đa mỗi năm cho 9 địa phương đẹp nhất trong danh sách đạt “Bốn Hoa”. Danh hiệu này được giữ trong vòng một năm và phải đợi sáu năm sau địa phương mới được trở lại cuộc thi. Bảng xếp hạng, in hình hoa màu đỏ nổi trên nền vàng, được gắn ngay dưới bảng ghi tên địa phương ở “cổng” vào. Số hoa đạt được không chỉ là niềm tự hào của địa phương, một lợi thế để thu hút du lịch và cư dân mới mà còn là lời cam kết cải thiện điều kiện sống, phát triển nền kinh tế địa phương, tôn trọng môi trường, bảo tồn mối quan hệ xã hội và duy trì sắc xanh trong quy hoạch không gian công cộng.

Một địa danh ở Pháp được gắn sao "Ba hoa"

Những lợi ích và ý nghĩa khi được xếp hạng “Hoa”

Hành trình “Đường Hoa” đã xuất hiện từ đầu những năm 1950 theo ý tưởng của câu lạc bộ Touring Club, đồng hợp tác với báo Rustica chuyên về làm vườn và Hội Làm Vườn Pháp. Trước thành công ngoài sức tưởng tượng và sự ủng hộ nhiệt tình của các địa phương, ông Robert Buron, bộ trưởng Giao thông, Công chính và Du lịch Pháp, đã cho tổ chức cuộc thi Làng Hoa- Thành Phố Hoa cấp quốc gia từ năm 1959. Ngay năm đầu tiên này, đã có 600 địa phương đăng ký. Để thỏa mãn số lượng yêu cầu ngày càng tăng của các địa phương, thủ tục đăng ký được giao về cho tỉnh. Đến năm 1972, cuộc thi cấp quốc gia được giao cho Ủy ban Quốc gia về Hoa của Pháp (Comité national pour le Fleurissement de la France), được đổi tên thành Ủy Ban Quốc gia Thành phố và Làng Hoa từ năm 2001.

Mặc dù được xếp hạng chỉ là danh dự vì không gắn với lợi ích về tài chính nhưng, đây là giải thưởng ghi nhận nỗ lực không ngừng của đội ngũ kỹ thuật địa phương. Giải thưởng là cách thể hiện mong muốn cải thiện điều kiện sống thoải mái hơn cho người dân và có thể là một lợi thế để thu hút thêm cư dân mới, hay chỉ cần một du khách dừng chân rồi quay lại đã là một thành công như hy vọng của ông Guy-Noel Van Eslande, trợ lý thị trưởng Wervicq-Sud (miền bắc Pháp), trên đài France 2 (28/08/2014): “Về mặt du lịch, việc này có thể sẽ có lợi cho chúng tôi vì chúng tôi được công nhận là Thành Phố Hoa. Và đây là điểm khởi đầu cho những lợi ích khác”.

Còn theo ông Sébastien Renaud-Goud, giám đốc Quang cảnh sống thành phố Châlons-en-Champagne, được xếp hạng ”Bốn Hoa”, có mặt trong ”bảng vàng” không chỉ mang ý nghĩa là thành phố rực rỡ hoa: “Hoa cũng đồng nghĩa với sự sạch đẹp của thành phố, quy hoạch của thành phố và khả năng của thành phố trong việc tác động đến người dân về các vấn đề môi trường, vườn tược và lợi ích của tự nhiên”.

Tùy theo cấp độ xếp hạng, Ủy ban Tỉnh hoặc Ủy ban Quốc gia sẽ đồng hành cùng với địa phương được công nhận ”Làng Hoa - Thành phố Hoa” trong việc đào tạo dân biểu, kỹ thuật viên địa phương, tình nguyện viên và cá nhân trong vấn đề chăm sóc, phát triển không gian xanh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các đơn vị này cũng phụ trách việc quảng bá du lịch cho địa phương được giải, trên internet, quảng cáo, tổ chức sự kiện…

Ngân sách dành cho hoa và không gian xanh thường chiếm một khoản chi lớn và giao động tùy theo quy mô của mỗi địa thương, từ 3.000 euro đến hơn 2 triệu euro và có thể nhiều hơn thế. Hàng năm, cuộc thi này thu hút khoảng 1/3 thị trấn, làng xã, thành phố lớn nhỏ của Pháp tham gia.

Nếu từng một lần đi qua những ngôi làng dọc Con đường Rượu vang vùng Alsace (Route des Vins d’Alsace) (đông Pháp), những Con đường Oải hương vùng Provence (Routes de la lavande) hay lang thang ở khu phố cổ Annecy, hẳn quý vị từng cảm thấy xốn xang trước sắc hoa lung linh trong nắng hay bồi hồi trong khung cảnh yên bình mỗi nơi đặt chân qua.

“Làng Hoa - Thành phố Hoa” giải thưởng vinh danh chất lượng sống

Các làng, thị trấn và thành phố chuẩn bị hồ sơ đăng ký hằng năm vì danh hiệu chỉ có giá trị trong vòng ba năm. Năm 2017, hồ sơ được chuẩn bị vào tháng Giêng và gửi đến Ủy ban các Thành phố và Làng Hoa cấp tỉnh. Ban giám khảo cấp tỉnh sẽ đến từng địa phương để thị sát và chọn những ứng viên có tiềm năng được trao giải để gửi lên Hội đồng Vùng, cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và trao danh hiệu từ “Một Hoa” đến “Ba Hoa”. Sau đó, Ủy ban Vùng gửi ứng viên có tiềm năng đoạt được danh hiệu “Bốn Hoa” lên CNVVF.

Các thành viên ban giám khảo của CNVVF có hơn 20% là công chức, khoảng 18% làm việc trong lĩnh vực du lịch của Ủy ban Vùng, 25% là các chuyên gia về phong cảnh, làm vườn, quy hoạch và môi trường, 15% là các dân biểu địa phương và cuối cùng là các tình nguyện viên, thường là chủ vườn, thành viên của các tổ chức làm vườn hay đại diện của các hiệp hội.

Kể từ Ngày đón ban giám khảo, là ngày quan trọng với chính quyền địa phương, vào tháng 7 hàng năm, đến tháng 10 kết quả mới được công bố. Trong Ngày này, mỗi địa danh có khoảng ba giờ vừa dẫn đoàn đi tham quan vừa trình bày về chương trình phát triển không gian xanh, các biện pháp chăm sóc thân thiện với môi trường… Tiêu chí đánh giá thay đổi theo thời gian, khó khăn hơn và không chỉ dừng lại ở sắc đẹp của hoa, như giải thích của bà Juliette Carré, chuyên gia về phong cảnh của Ủy ban Kiến trúc, Đô thị và Môi trường (CAUE) tỉnh Aude, thành viên ban giám khảo của Ủy ban Tỉnh, khi đi thị thực ở thành phố Narbonne tháng 07/2017.

Cuộc thi “Thành phố và Làng Hoa” là một cuộc thi nhằm khen thưởng chất lượng toàn bộ quan cảnh sống. Vì thế, các tiêu chí được dựa trên những gì liên quan đến phối cảnh. Một phần tiêu chí khác liên quan đến di sản thực vật. Ở điểm này, Ban tổ chức chú ý quan sát các cây lớn, hoa cỏ và phát triển bền vững. Ban tổ chức cũng xem xét đến các cách tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, còn phải kể đến chất lượng quang cảnh sống, có nghĩa là chất lượng lớp phủ nền đất, tôn trọng di sản, không sử dụng thuốc trừ sâu và sử dụng ngày càng ít hóa chất.

Từ năm 2000, nhiều tiêu chí khác được đưa thêm vào bảng đánh giá và hiện có khoảng 61 tiêu chí, từ đa dạng thực vật đến đổi mới cách chăm sóc, từ việc bảo quản mặt tiền các tòa nhà đến giữ đường phố sạch sẽ, từ cách bố trí không gian xanh ở địa phương đến tính bền vững.

(Theo: Phap.fr)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ