(Tổ Quốc) -Những năm trở lại đây, các khóa học bồi dưỡng văn chương ngắn hạn đều đặn được mở ra, liệu học viên theo học những khóa học này có cần thiết?
Tác dụng nhất định
Sở dĩ đặt ra vấn đề trên bởi có một nghịch lý không khó để nhận ra, có không ít người được học hẳn 4 năm đại học chuyên về viết văn mà còn trầy trật mới khẳng định được tên tuổi và đi theo con đường văn học. Số trụ với nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, phần lớn là “bỏ văn chạy lấy người”, sang làm một ngành nghề khác không dính dáng gì tới văn chương. Ai may mắn thì được làm nghề gần gũi với văn chương, còn không thì có khi làm một nghề khác chả dính dáng gì đến. Vậy thì học ở những lớp bồi dưỡng văn chương kéo dài chỉ dăm ba tuần liệu có phải là “cưỡi ngựa xem hoa” với văn chương không?
Thực ra nói thế cũng có thể đúng, cũng có thể không, bởi có thể đúng với người này nhưng lại chưa chắc đúng với người khác.
Bởi thực tế, việc học 4 năm đại học phần lớn dành cho người viết trẻ, vừa rời ghế phổ thông, còn chưa rõ ràng có thể đi trọn con đường văn chương hay không. Họ tốt nghiệp, có một tấm bằng, không theo văn nghiệp thì tấm bằng đó vẫn có thể xin được một công việc khác. Còn với việc học bồi dưỡng ngắn hạn, phần lớn là những người đã chững chạc, từng trải, có một ngành nghề khá ổn định, có khi không phải văn chương, thậm chí đã về hưu. Họ đến với lớp học bởi nhiều lý do. Có người yêu thích văn chương nên muốn tìm hiểu sâu hơn. Có người đang dấn thân vào văn chương nhưng không có điều kiện, thời gian theo học dài hạn, chỉ tranh thủ học ngắn hạn như một giải pháp để bồi đắp kiến thức. Hoặc có khi chỉ là những cây bút tỉnh lẻ muốn tham dự lớp học để được nhìn tận mắt, được trở thành học trò của một số nhà văn nổi tiếng… Nói một cách khác là có cung thì sẽ có cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Nhà văn sau vài chục năm cầm bút , sau hàng chục đầu sách, đều ít nhiều rút ra từ bản thân mình những kinh nghiệm văn chương quý báu. Kinh nghiệm này có thể viết được một cuốn sách và cũng có thể chỉ truyền đạt lại trong một buổi học, một buổi trò chuyện. Vì vậy, nếu thực sự nghiêm túc, có tinh thần học hỏi văn chương thì việc học ngắn hạn như thế này rất bổ ích và thiết thực.
Bất kỳ lớp học nào mở ra cũng mang theo những kỳ vọng. Nhưng không phải kỳ vọng nào cũng trở thành hiện thực. Đây cũng là điều xảy ra với nhiều ngành nghề khác chứ không riêng văn chương. Tuy nhiên văn chương không phải một ngành nghề “hot”, hấp dẫn và dễ dàng. Vì thế, trước thông tin Hội Nhà văn Hà Nội có ý định tiếp tục mở Trung tâm bồi dưỡng viết văn khiến không ít người đặt ra câu hỏi liệu có cần thiết và có thừa không?
Có cần thêm một địa chỉ mở lớp bồi dưỡng văn chương?
Nhìn lại những năm qua, có thể thấy dường như chỉ có hai địa chỉ mở lớp bồi dưỡng văn chương duy trì khá đều đặn là Hội Nhà văn Việt Nam với lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du cách đây 10 năm đã mở lớp đầu tiên. Tiếp đến, muộn hơn là lớp bồi dưỡng ngắn hạn với thời gian khoảng 2 tuần của khoa Viết văn – Báo chí thuộc trường Đại học Văn hóa.
Ngoài ra, một số Hội văn học nghệ thuật địa phương hay một số công ty tư nhân cũng đã từng mở lớp bồi dưỡng văn chương, nhưng chưa đều đặn và tạo ra tiếng vang.
Và mặc dù được coi là hai địa chỉ khá uy tín, đều đặn trong việc mở lớp bồi dưỡng văn chương nhưng không phải không có những thăng trầm.
Với khoa Viết văn, thời gian đầu, lớp bồi dưỡng được mở ra gần nhau hơn. Càng về sau thì khoảng cách thời gian càng xa hơn. Khóa đầu mở lớp vào năm 2012, khóa II, III cùng năm 2013, khóa IV năm 2014 và khóa V tận 2017. Đây có lẽ là sự điều chỉnh theo nhu cầu và thực tế. Vì cũng như khóa học 4 năm, sau một thời gian mỗi năm tuyển sinh một lần, khoa đã điều chỉnh lại vài ba năm tuyển một lớp.
Còn ở Trung tâm bồi dưỡng Viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam, có những năm hàng trăm học viên đăng ký, nhưng có năm số học viên theo học không được như kỳ vọng. Có năm phải chuyển sang tuyển sinh và học ở địa phương ngoài Hà Nội.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Theo nhà văn Đồng Thị Chúc – Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội thì trước đây, khoảng cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước, Hội Văn học nghệ thuật Nhà văn Hà Nội cũng từng mở lớp bồi dưỡng Viết văn, nhưng chỉ duy trì được vài năm rồi thôi. Nhưng không phải cái gì khôi phục lại cũng đạt kết quả.
Thiết nghĩ việc Hội Nhà văn Hà Nội có ý định mở thêm Trung tâm bồi dưỡng viết văn cần thận trọng xem xét. Bởi nếu chỉ vì mục đích bồi dưỡng văn chương cho Hội viên thì việc duy trì các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, giao lưu… cũng đã khá thiết thực. Còn mục đích bồi dưỡng cho người cầm bút ngoài Hội thì e rằng học viên sẽ cân nhắc học ở một cơ sở trường lớp, có bề dày với tiền thân là trường viết văn Nguyễn Du, có thể mời được những nhà văn sáng giá nhất của văn đàn đến giảng dạy với một bên là một Hội nghề nghiệp Trung ương đã có không ít tên tuổi nhà văn nổi tiếng. Trước “hai sự cạnh tranh” khá nặng ký như vậy, nếu Hội Nhà văn Hà Nội không có sự khác biệt, hấp dẫn, e rằng, việc mở ra chỉ làm bộ máy hoạt động của Hội thêm cồng kềnh, khó hiệu quả.
Còn suy cho cùng, trường học vĩ đại nhất, lâu dài nhất đối với người viết văn vẫn là tự học, là chính cuộc sống đang chảy trôi hàng ngày.