(Tổ Quốc) - Ở những tác phẩm gốm Chi, dù là đồ dùng trong gia đình hay những đồ trang trí nội thất, cho đến những bức phù điêu, những mảnh gốm nhỏ gắn trong các tác phẩm tạo hình mosaic… đều toát lên một vẻ đẹp là bản sắc, đặc trưng riêng có.
Vẹo vọ, thô nháp, xù xì, lớp men loang lổ, hình thù rất khó để định nghĩa… với những ai chưa biết thì bảo đó là những sản phẩm hỏng. Vậy nhưng tổng hòa những nét đó lại là tác phẩm đáng yêu, bình dị và gần gụi, với chất liệu thân thuộc với người Việt, đặc biệt, đó là đặc trưng của những tác phẩm thuộc sở hữu của một tên tuổi gốm mà nhắc tới thì khá nhiều người sẽ không khỏi trầm trồ, một tên tuổi gốm có tiếng trong làng gốm Việt. Gốm Chi.
Trong làng gốm nghệ thuật, cái tên Gốm Chi vốn không phải là cái tên xa lạ và mới mẻ, bởi người khai sinh ra tên tuổi thương hiệu gốm này vốn là một người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Văn Chi. Bắt đầu xây dựng tên tuổi từ những ngày mới lập gia đình ở Hà Nội- một mảnh đất là khởi nguồn cảm hứng cho nhiều con người, nhiều thế hệ- làm nghề gốm tự do, nghệ sĩ Nguyễn Văn Chi đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho gốm, từ chọn lựa đất, chất men, dựng lò… để cho ra thành phẩm là những tác phẩm gốm nghệ thuật, vừa sản xuất dành cho số đông lẫn cả những cá nhân riêng lẻ.
Tên tuổi và thương hiệu gốm Chi được biết đến qua những bức tranh gốm nghệ thuật khổ lớn ở các cửa ô Hà Nội vào cuối những năm 1980s, những bức tranh lớn ở bảo tàng Hùng Vương, hay những bức phù điêu ghi lại chiến công trận Lũng Phầy, Lạng Sơn năm xưa, và được khẳng định qua những công trình di tích văn hóa từ những năm 1990, cũng là thời điểm nghệ nhân Nguyễn Văn Chi nhận lời và làm được các loại ngói cổ Thanh lưu ly, Hoàng lưu ly khi ngành văn hóa Thừa Thiên- Huế lên kế hoạch tu bổ, trùng tu các công trình lăng tẩm, cung điện ở Huế.
Ở những tác phẩm gốm Chi, dù là đồ dùng trong gia đình hay những đồ trang trí nội thất, cho đến những bức phù điêu, những mảnh gốm nhỏ gắn trong các tác phẩm tạo hình mosaic… đều toát lên một vẻ đẹp là bản sắc, đặc trưng riêng có. Theo người con thứ hai của nghệ nhân Nguyễn Văn Chi, anh Nguyễn Hồng Tân, thì mỗi tác phẩm gốm đều là sản phẩm của tạo hình, chất liệu, màu men và cách trang trí, nhưng trên tất cả, đó là tình yêu được chuyển tải, thổi hồn vào trong mỗi tác phẩm gốm. Tình yêu đó được ba người con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Chi tiếp nhận và truyền lửa cho những thế hệ tiếp sau này. Cũng chính tình yêu đó đã khiến cho nhiều khách hàng ở khắp nơi trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Pháp, Italia… có cùng niềm đam mê và tình yêu với gốm tìm tới thương hiệu Gốm Chi, họ đã trở thành những người bạn của gốm Chi từ những năm 1986 tới nay và chung tay lan tỏa tình yêu với gốm, đưa Gốm Chi đến với những người thân và bạn bè của mình.
Tìm đến Gốm Chi trong một ngày cuối thu đầu đông, khi cái lạnh của mùa đông đang chực tràn về, bắt gặp một phố cổ Hà Nội xao xuyến, ấm áp. Những ngôi nhà gốm liêu xiêu, mỗi ngôi nhà là một vẻ nhưng vẫn mang cái đặc trưng của những ngôi nhà trong phố cổ Hà Nội không lẫn đâu được, những tác phẩm đã hiện diện trong nhiều sự kiện kỷ niệm văn hóa của Hà Nội, gắn liền với tên tuổi gốm Chi mà không nghệ sĩ nào khác có thể lấn sân. Vẫn bát đĩa, bình lọ, ấm chén… nhưng xưởng gốm giờ đã mở rộng với quy mô sản xuất và số nhân lực làm việc thường xuyên ở đây lên tới cả chục người, nhộn nhịp người vào ra nhất là những ngày cuối tuần khi liên tiếp các mẻ gốm mới ra lò.
Trong khu tiểu cảnh được các nghệ sĩ sắp đặt phía sau xưởng, dưới giàn lan ánh hồng đang thả từng chùm hoa tim tím lặng lẽ, bên hồ cá nở đầy hoa súng, tôi gặp một người nghệ sĩ từng cộng tác với gốm Chi nhiều năm, anh Nguyễn Mạnh Đức (Công ty CP Mỹ thuật Trung ương) và được anh hé lộ thêm nhiều thông tin về các tác phẩm điêu khắc, tranh mosaic anh đã và đang làm, có một phần chung sức rất lớn của gốm Chi. Những mảnh gốm nho nhỏ đã theo chân những người nghệ sĩ tới các công trình ở nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S, mà sắp tới là một “khải hoàn môn” của Việt Nam được xây dựng trên cửa khẩu Móng Cái, sẽ gồm những bức phù điêu gốm truyền tải các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Nguyễn Tân Hồng, người con trai út trong gia đình nói, gốm Chi vẫn trung thành với những dòng sản phẩm gia dụng truyền thống, nhưng giờ các anh sẽ tập trung thêm cho các tác phẩm nghệ thuật bởi đó chính là những tác phẩm để các anh có thể khẳng định, ghi lại dấu ấn làm nghệ thuật của mỗi người trong gia đình. Bên cạnh đó, 2 năm trở lại đây, những workshop làm các sản phẩm gốm được các anh mở ra hàng tuần tại chính ngôi nhà mà bố các anh đã chọn làm chỗ an cư cho gia đình khi tới Hà Nội- ngôi nhà số 43 Vạn Kiếp, mở ra một hướng đi và cũng là một địa điểm văn hóa dành cho những người yêu nghệ thuật khi tìm đến gốm Chi. Các buổi workshop làm gốm với gốm Chi thu hút hàng trăm em nhỏ và phụ huynh tham dự, trải nghiệm làm gốm thủ công với một gia đình làm nghề thủ công truyền thống cũng là giúp các em xây dựng được một tình yêu đối với các nghề truyền thống gia đình Việt Nam. Đó cũng là một cách để giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đẹp đẽ trong đời sống người dân Việt đến các thế hệ sau này.
Minh Thư