• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những mùa xuân bất tử

02/08/2017 13:00

(Tổ Quốc) - “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” kể lại câu chuyện của Trung tướng Châu Văn Mẫn do một người sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất chấp bút - nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, không ít chiến sĩ trải qua những ngày tháng đấu anh tranh dũng, chịu nhiều khổ ải nơi nhà lao Côn Đảo. Trung tướng Châu Văn Mẫn, người con của Quảng Nam, người trở về từ “địa ngục trần gian” đã kể một câu chuyện ấm đượm tình yêu nước, với những bước thăng trầm trong bao tháng ngày đấu tranh với kẻ thù.

Bìa sách

Câu chuyện được viết theo tuyến tính thời gian, được thiết kế theo 13 chương và phần phụ lục.

Mở đầu là vùng quê cách mạng thân yêu, nơi Châu Văn Mẫn sinh ra và lớn lên. Tiếp theo là các chương theo diễn biến từ thời thơ ấu đến những năm tha hương, đến với cách mạng, hoạt động bí mật; rồi giai đoạn bị đày ra nhà tù Côn Đảo, đấu tranh thoát khỏi “địa ngục trần gian” và đoàn tụ… Trung tướng Châu Văn Mẫn cũng dành một chương để nói về cảm xúc khi ra thăm lại Côn Đảo. Và ở đó ký ức ông được khơi gợi, để quyết định xây dựng cuốn hồi ký này với mong muốn gìn giữ những ký ức một thời và tri ân đồng đội. Trung tướng Châu Văn Mẫn đã kể trong hồi ký: “Dù đã rời đảo về đất liền sinh sống, công tác đã bao nhiêu năm nhưng dù thời gian trôi đi, trong ký ức đầy vết sẹo đau đớn của những đòn tra tấn của địch, làm sao tôi có thể quên được những tháng ngày cùng bè bạn “sống” ở mảnh đất này, những cái Tết cười ra nước mắt mà thấm đẫm tình đồng đội, những món ăn chế biến từ khoai lang mà chỉ có những người sống trong lao khổ với một ý chí kiên cường mới có thể “phát minh” ra”.

Ở chương VI, có đoạn viết: “Tại đây hình ảnh các tù nhân trong lồng đã khắc sâu trong tâm trí tôi, không thể tẩy xóa nổi. Người đàn ông với ba ngón tay bị cắt rời; một người khác đã chết có hộp sọ đã vỡ toác; và nhiều tu sĩ Phật giáo Huế - những người đấu tranh chống sự đàn áp các Phật tử - trong tình trạng thê lương. Tôi nhớ rõ mùi hôi thối khủng khiếp do tiêu chảy và các vết thương lở loét ở mắt cá chân các tù nhân do xiềng xích cắt vào…”

Nhiều anh em tù sát cánh bên ông trong những năm tháng ác liệt ấy, đã không còn được trở lại với đất liền, không được trở về với quê hương. Trung tướng Châu Văn Mẫn là một người may mắn vì khi trở lại với hòa bình, ông vẫn được tiếp tục với sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an nhân dân và vinh dự được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong từng trang hồi ký, ông luôn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, kính nhớ những người đồng đội cũ bằng những việc làm cụ thể.

Những năm qua, việc xuất bản hồi ký, đặc biệt hồi ký của các cựu chiến binh, cựu tù Côn Đảo, Phú Quốc không ít. Song cuốn sách “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” một lần nữa đem đến những hình ảnh sinh động, anh dũng về các chiến sĩ một thời đấu tranh ngoan cường trong lao tù đế quốc. Thông qua ngòi bút của một nhà thơ, cộng với tình cảm của một người ngưỡng mộ người cựu binh, chứng nhân trong giai đoạn bi tráng hào hùng của dân tộc, nên những trang viết dù giản dị vẫn cho người đọc hiểu thêm về cuộc chiến đấu ở Côn Đảo, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim tâm sự: “Với trách nhiệm của một người cầm bút, tôi đã ghi lại cuộc đời trung tướng Châu Văn Mẫn anh hùng, như một sự tri ân những giá trị bền vững mà các thế hệ nối tiếp có trách nhiệm cần phải gìn giữ. Mong rằng cuốn sách sẽ là tiếng nói chung của những con người anh hùng, có sức lan tỏa về một thời không thể nào quên”.

Nguyễn Văn Học

--------------------------

(*) “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo”, NXB Công an nhân dân, 2017

NỔI BẬT TRANG CHỦ