(Tổ Quốc) - Mục tiêu xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay có thể xác định là mục tiêu của cộng đồng, mục tiêu của tập thể, mục tiêu của giới văn học, nghệ thuật. Bảng giá trị hợp lý đúng đắn nhất vẫn đang ở phía trước, đang chờ đợi được chọn lựa, đúc kết và tôn vinh, thừa nhận.
Giá trị và hệ giá trị có sự dịch chuyển chọn lọc
Bàn về giá trị và hệ giá trị, PGS. TS Phan Trọng Thưởng đề nghị một cách hiểu đơn giản, được nhiều người thừa nhận: Giá trị và hệ giá trị là hoạt động nhận thức, đánh giá của con người về tất cả các hiện tượng, sự vật liên quan đến nhu cầu của con người. Giá trị và hệ giá trị luôn thay đổi, bổ sung, điều chỉnh, thậm chí là đào thải theo thời gian, thời kỳ, thời đại lịch sử, không loại trừ cả theo không gian địa lý, lịch sử và văn hóa. Do đó, giá trị và hệ giá trị luôn luôn là một phạm trù Động và Mở. Trong khi không ít giá trị mới đang được tạo lập, đang được khẳng định và đòi chỗ đứng trong bảng giá trị chung thì cũng không ít giá trị đang trở nên không còn phù hợp, lỗi thời và đòi được thay thế.
Trên bình diện giá trị chung, theo tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, đã từng bước hình thành hệ giá văn hóa tinh thần truyền thống mà giáo sư Trần Văn Giàu đã đúc kết gồm 7 giá trị cơ bản là: Yêu nước; Cần cù; Anh hùng; Sáng tạo; Lạc quan; Thương người; Vì nghĩa. Còn Giáo sư Phan Ngọc, lại từ một góc độ khác đúc kết thành các giá trị như: Tổ quốc, Gia đình, Cá nhân, Cộng đồng… trong tiến trình vận động của lịch sử.
Trên bình diện văn học, nghệ thuật, các phạm trù Chân – Thiện – Mỹ càng được xem là hệ giá trị truyền thống chi phối cả tiến trình vận động và phát triển của văn hóa và văn học, nghệ thuật. Ở đây tuy có cả kết quả của quá trình tiếp thu, tiếp biến, giao lưu ảnh hưởng giữa các giá trị mang tính khu vực, nhưng cốt lõi vẫn là hệ giá trị cơ bản chung đúc từ thực tiễn văn hóa và văn học, nghệ thuật.
Thực tiễn lịch sử cho thấy qua mỗi thời đại, thời kỳ, bảng giá trị xã hội hay hệ thống giá trị đều có sự dịch chuyển theo các hướng chọn lọc, đào thải, bổ sung và phát triển. (Thời Trung cổ, các giá trị tôn giáo và nhà thờ được đề cao. Sang thời đại phục hưng, các giá trị nhân văn được đề cao, con người trở thành cảm hứng sáng tạo, hay ở Việt Nam giữa thời chiến và thời bình, giữa trước và sau thời kỳ đổi mới v.v… hệ giá trị cũng dịch chuyển khác nhau). Theo quy luật, những giá trị lỗi thời, không còn phù hợp trước sau sẽ bị đào thải. Ngược lại, những giá trị tiến bộ, phù hợp, dù có vấp phải khó khăn, cản trở lúc đầu, vẫn có thể được dung nạp, bổ sung để tự làm giàu. Nhưng, để không thụ động ngồi chờ quy luật tự nhiên diễn ra, phát huy tính năng động tích cực, chủ động tạo ra các giá trị mới đáp ứng yêu cầu của đời sống thì nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra cho văn hóa, văn học, nghệ thuật là đòi hỏi khách quan, phù hợp với xu thế phát triển.
Những yếu tố tác động đến hệ giá trị
Ngay cả dịch Covid-19 đang diễn ra, tưởng không liên quan gì đến câu chuyện hệ giá trị mà chúng ta đang bàn, nhưng thực ra lại đang tác động sâu sắc, làm thay đổi quan niệm về giá trị sống, giá trị lao động kiến tạo của con người.
Bên cạnh đó, một số sự kiện có sức ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ nhất đến hệ giá trị phải kể đến là: Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng và tan rã, kéo theo sự khủng hoảng của cả hệ thống chính trị trên thế giới. Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay vừa tạo cơ hội cho sự hình thành các giá trị mới, vừa tạo ra các nguy cơ mai một hệ giá trị các dân tộc. Thế giới đứng trước những vấn đề toàn cầu như: Vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo; vấn đề chống khủng bố; vấn đề biến đổi khí hậu; vấn đề tài nguyên môi trường; vấn đề chống dịch bệnh, đói nghèo v.v…
Ở Việt Nam, từ khi đổi mới và hội nhập đến nay, chúng ta có dịp chứng kiến những biến thiên của hệ giá trị. Đặc biệt là từ khi vận hành cơ chế thị trường, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp vốn chỉ thích hợp với thời chiến để giải phóng sức sản xuất, thừa nhận vai trò và lợi ích cá nhân v.v… thì hệ giá trị cả tinh thần và vật chất đều thay đổi.
Trong sự dịch chuyển đó, những giá trị tưởng như đã bị bỏ qua, rơi vào quên lãng thì nhờ đổi mới mà được nhận thức đánh giá lại, được chiêu tuyết lại như: Thơ mới, văn chương Tự lực văn đoàn, văn chương lãng mạn, nhạc tiền chiến và các hiện tượng văn học, nghệ thuật từng bị hàm oan một thời. Ngược lại, cũng không ít giá trị đích thực, được xem là vốn quý, là quốc bảo, quốc hồn, quốc túy… như: Chèo, Tuồng v.v… lại đang đứng trước nguy cơ mai một do thái độ của một bộ phận công chúng, không loại trừ cả những lý do khác.
Thực trạng này, nhắc chúng ta nhớ lại những năm đầu thế kỷ XX trong cuộc đụng độ tiếp xúc lịch sử với phương Tây, trước sự xâm nhập của các giá trị mới lạ, nghệ thuật truyền thống nói chung, Chèo, Tuồng, Rối nước cổ truyền nói riêng đã lâm vào tình trạng khủng hoảng mà cố Giáo sư Trần Quốc Vượng mô tả là sự "sụt giá", "giảm giá", "sự trốc rễ văn hóa"… trước các giá trị mới từ phương Tây. Không cần tìm đâu xa, hãy nhìn vào các lĩnh vực từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc đến các chương trình văn nghệ giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay sẽ dễ dàng nhận thấy thực trạng giá trị đang chao đảo như thế nào? Trước các câu hỏi đại loại như: Đâu là giá trị đích thực? Đâu là giá trị ảo? Yếu tố nào làm nên giá trị tác phẩm nghệ thuật? Giá cả? Doanh thu? Sở thích của công chúng? v.v… Thật khó xác định. Có lẽ mỗi người sẽ có một câu trả lời, một cách lý giải khác nhau mà chưa chắc ai đã nắm phần đúng.
Tình trạng trên khiến cho từ nhiều năm nay, giới phê bình văn học, nghệ thuật đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng thiếu chuẩn, lệch chuẩn, loạn chuẩn mà gốc rễ sâu xa của nó là sự khác biệt trong quan niệm nhận thức về giá trị; là sự thiếu vắng bộ tiêu chí đánh giá một cách khách quan, khoa học về tác phẩm nghệ thuật. Không ít trường hợp cùng một tác phẩm, người thì khen hết lời, kẻ thì chê hết nước. Điều đó cho thấy chúng ta đang cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Bảng giá trị văn học, nghệ thuật mới để trên đó, xây dựng các thang bậc giá trị làm thước đo, làm chuẩn mực để định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ và định hướng hoạt động thực tiễn.
Đặc biệt là trước tác động của làn sóng khoa học và công nghệ lần thứ 4 (4.0) đang tạo ra những thực thể mới, giá trị mới trong đời sống xã hội cũng như trong văn học, nghệ thuật.
Trong bối cảnh đó, văn học, nghệ thuật tự cho thấy là một lĩnh vực đang vận động không ngừng. Trong tiến trình vận động này có sự kế thừa, đổi mới, phát triển theo quy luật của nghệ thuật, nhưng cũng có cả quá trình đào thải, thanh lọc những yếu tố không còn giá trị phù hợp. Các quan niệm thẩm mỹ quen thuộc trước đây, các phạm trù tư tưởng nghệ thuật tưởng như bất biến trước đây, nay dưới tác động của nhiều nhân tố lịch sử-văn hóa mới, đặc biệt là dưới ánh sáng của các lý thuyết nghệ thuật mới, tư duy khoa học mới, bản chất nghệ thuật cũng như hệ giá trị nghệ thuật-thẩm mỹ cũng từng bước thay đổi. Loại hình văn học mạng xuất hiện kéo theo sự hình thành một lớp công chúng mới, một tập quán thưởng thức, tiếp nhận mới với những nhu cầu tinh thần – thẩm mỹ mới.
Tất cả những biến chuyển đó đã và đang đưa văn học, nghệ thuật đến những bến bờ mới, một giai đoạn phát triển mới. Công cụ làm việc của nhà văn, nhà nghệ sỹ hiện nay không chỉ là giấy, bút, mực theo kiểu truyền thống mà là các thiết bị kỹ thuật hiện đại. Câu chuyện bỏ bút lông, cầm bút sắt của trí giả cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX chỉ còn là câu chuyện của lịch sử văn hóa và văn học.
Theo đó, câu chuyện giá trị và giá cả của văn học, nghệ thuật từ khi vận hành cơ chế thị trường đến nay cũng không còn theo quy luật cũ nữa. Bài toán về giá trị của các nhà xuất bản, nay cũng khác xưa rồi.
Cần xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
Trước hết, đây là yêu cầu của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII và các nghị quyết trước đó như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa IX, Nghị quyết 33 khóa X v.v… Trong Nghị quyết lần này, Đảng đặt ra yêu cầu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Với ý thức là một bộ phận của văn hóa, văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài các yêu cầu trên.
Nhưng, điều cần phải nói thêm rằng đây không chỉ là yêu cầu của Đảng mà còn là yêu cầu tự thân, nội tại, khách quan của đời sống xã hội và văn học, nghệ thuật. Lâu nay, trong hoạt động thực tiễn từ phê bình, đánh giá đến các hoạt động xét giải thưởng v.v…, các Hội đồng chuyên môn luôn luôn phải đối mặt với các câu hỏi đại loại như: Thế nào là tác phẩm có giá trị? Giá trị cao? … Câu trả lời không thật dứt khoát vì các tiêu chí không thật rõ ràng. Từ văn bản đến thực tế luôn luôn tồn tại một khoảng cách. Nói đúng ra là cho đến nay, chúng ta đang thiếu hẳn một bộ tiêu chí giá trị làm thước đo, làm công cụ.
Hiện trạng đó gây không ít trở ngại trong hoạt động thực tiễn cả sáng tác lẫn lý luận, phê bình. Đây là chỗ trống để cho những động cơ vụ lợi, cảm tính, tùy tiện… xen vào. Trong thực tế, đã có lúc dư luận và báo giới đã khen nhầm hiện tượng nọ, hiện tượng kia… Trong lúc đó lại làm ngơ hoặc bỏ qua nhiều hiện tượng đáng ra phải có thái độ phê phán một cách khách quan, khoa học.
Ngay cả giới nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, trước các tác động từ tâm chấn lý thuyết cũng tỏ ra hoang mang, bối rối, không còn đủ tỉnh táo để phân biệt yếu tố nào là cốt yếu, cơ bản tạo nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm: Nội dung hay hình thức? Tư tưởng nghệ thuật hay kỹ thuật? … Tất nhiên, đây là lĩnh vực tri thức hẹp và khó, câu trả lời không dành cho nhiều người. Nhưng chính vì thế mà cần đến vai trò định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ và định hướng tiếp nhận của các nhà chuyên môn.
Do tính chất phức tạp, khó khăn của nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị nên đòi hỏi chúng ta phải quán triệt các yêu cầu:
Bảng giá trị (hệ giá trị) văn học, nghệ thuật phải gắn bó hữu cơ, thống nhất với Bảng giá trị xã hội chung đã được đúc kết (gồm 7 điểm theo GS Trần Văn Giàu tổng kết hay đúc kết của GS Phan Ngọc).
Tôn trọng và kế thừa, phát triển hợp lý, có quan điểm lịch sử đối với bảng giá trị văn học, nghệ thuật truyền thống (Chân-Thiện-Mỹ).
Bảng giá trị văn học mới phải phù hợp với xu thế vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật và đời sống xã hội. Nó phải trở thành công cụ, phương tiện hoạt động thực tiễn, tác động tích cực đến quá trình phát triển của văn học, nghệ thuật.
Bảng giá trị đưa ra phải đảm bảo các đặc trưng, đặc thù của văn học, nghệ thuật; phải thỏa mãn được các tiêu chí về văn hóa; đồng thời, phải phù hợp với thực tiễn văn hóa, văn học, nghệ thuật; phù hợp với truyền thống dân tộc v.v…
Đồng thời, đó là bảng giá trị phù hợp với xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế những vẫn giữ được các đặc thù, bản sắc dân tộc, mang phẩm chất hiện đại.
Được cộng đồng sáng tạo, diễn giải, tiếp nhận và sử dụng, trở thành khát vọng giá trị chung.
Các mục tiêu cần hướng tới
Quá trình hình thành các giá trị cũng như việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật không diễn ra một cách chóng vánh, vội vã trong ngày một, ngày hai mà đòi hỏi một quá trình tiệm tiến, tiệm cận. Sẽ khó có thể có một sáng kiến cá nhân nào tạo ra ngay được một bảng giá trị (hệ giá trị) văn học, nghệ thuật mong muốn.
Tuy vậy, hệ giá trị (bảng giá trị) mà chúng ta cần không phải tự nhiên mà có. Nó cần được nghiên cứu, đúc rút, gạn lọc từ thực tiễn văn học, nghệ thuật và cũng cần phải có người đề xuất.
Theo thiển ý của chúng tôi, chắc chắn hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay còn có thể bổ sung nhiều yếu tố hơn nữa. Và chắc chắn sẽ không một cá nhân nào là tác giả duy nhất của Hệ giá trị này.
Sứ mệnh hay trách nhiệm lớn nhất của việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật thuộc về tập thể, cộng đồng. Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là đề xuất ý kiến cá nhân, so sánh chọn lựa các phương án để đưa ra được hệ giá trị hợp lý nhất, đúng đắn nhất. Cho nên mục tiêu xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay có thể xác định là mục tiêu của cộng đồng, mục tiêu của tập thể, mục tiêu của giới văn học, nghệ thuật. Bảng giá trị hợp lý đúng đắn nhất vẫn đang ở phía trước, đang chờ đợi được chọn lựa, đúc kết và tôn vinh, thừa nhận.
Khi đã xây dựng được Bảng giá trị văn học, nghệ thuật, mục tiêu kế tiếp đặt ra sẽ là trên cơ sở Bảng giá trị văn học, nghệ thuật mới, xây dựng các thang giá trị, hệ giá trị chuẩn mực như một công cụ hữu hiệu để đo lường thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực tiễn. Khi đó chúng ta mới có thể khắc phục được tình trạng loạn chuẩn, thiếu chuẩn, lệch chuẩn trong nhận thức và thẩm định giá trị văn học, nghệ thuật hiện nay./.
(Lược từ bài thuyết trình của PGS.TS Phan Trọng Thưởng- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tại lớp tập huấn Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức năm 2021 tại Hà Nội)