(Tổ Quốc) - Ngày thường, lịch phát thanh của cô Liên (một phát thanh viên cơ sở) chỉ vào hai khung giờ, buổi sáng từ 5h30 - 6h, buổi chiều từ 16h30 -17h, nhưng những ngày này thì gần như cả ngày phải bám trụ tại nhà văn hóa thôn vì cứ cách 2 giờ đồng hồ là lại phải phát thanh tuyên truyền một lần. Covid-19 đã “ùa đến” nơi cô ở giống như một "cơn sóng thần” khiến cho tất cả đều ngỡ ngàng.
Cuộc họp lúc nửa đêm
Đêm ngày mồng 5 rạng sáng ngày mồng 6 tháng 5 năm 2021, cô Liên bị đánh thức bởi cú điện thoại của Trưởng thôn Kiều (xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) yêu cầu triệu tập cuộc họp bất thường. Nghe thông tin "Covid đã về làng", vẫn chưa hết bàng hoàng nhưng cô đã vội vã lao ra khỏi nhà. Cuộc họp có sự tham gia đầy đủ của các thành phần của thôn, đồng thời với sự tham gia chỉ đạo của lãnh đạo xã để bàn tính phương án, kịch bản đối phó với "Covid -19" mà hơn một năm qua người dân trong thôn vẫn chỉ mới nghe nói qua tivi, đài báo. "Trước là nghe thấy tít tận đâu, còn nay thì đã về tới quê mình rồi", cô Liên nói.
Ngay trong đêm đó, tổ Covid-19 cộng đồng của thôn được kích hoạt (thành viên trong tổ chủ yếu là trưởng các ban ngành đoàn thể của địa phương như thanh niên, phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân quân, an ninh trật tự và tất nhiên không thể thiếu cô Liên, một phát thanh viên của thôn. Nhiệm vụ của cô Liên và các thành viên trong tổ công tác cộng đồng là ngay trong đêm thực hiện nhiệm vụ đi từng ngõ, gõ từng nhà để tìm các F1. 5 giờ sáng ngày mồng 6, cô Liên được giao nhiệm vụ phát bản tin chính thức phong tỏa cả thôn để phòng chống Covid.
Cũng như cô Liên, cô Nguyễn Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của thôn ngay trong đêm đã cùng với các thành viên trong tổ Covid cộng đồng truy tìm và mời lên nhà văn hóa thôn gần 150 F1. "Chưa bao giờ như đêm ấy, dịch đến quá bất ngờ, gần như cả thôn không ai ngủ trọn giấc, tiếng xe cộ đi lại, tiếng bước chân, tiếng người nói, tiếng chó sủa...Covid đã đến thật rồi".
Hoang mang, lo sợ bởi chẳng ai nghĩ dịch lại về tận quê mình, nhưng được sự hướng dẫn của các cán bộ y tế nên ngay trong đêm mọi người đều khẩn trương đi truy tìm các F1. Sáng sớm ngày mồng 6, tất cả gần 150 F1 trong thôn đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, buổi chiều cùng ngày 170 F1 (142 người ở thôn Kiều, số còn lại là những người ở các thôn lân cận - PV) được đưa đi cách ly tập trung. Từ hai trường hợp dương tính, sau đó thêm 2 người nữa cũng có kết quả dương tính. Cuộc sống của người dân thực sự đảo lộn xen lẫn lo âu. Thôn Kiều trở thành tâm dịch mới của huyện Tiên Du và tỉnh Bắc Ninh với 4 trường hợp nhiễm Sars-CoV-2.
"Dịch đến nhà, đàn bà cũng đánh"
Anh Phạm Văn Trận, Trưởng thôn Kiều đồng thời cũng là Tổ trưởng tổ Covid-19 cộng đồng của địa phương cho biết: thôn Kiều có 394 hộ dân với 1.291 nhân khẩu. Sau khi có 04 ca dương tính với Sars-CoV-2, cả thôn có 142 trường hợp F1 trong diện phải đi cách ly y tế tập trung. Trong số này có 16 hộ gia đình cả nhà đều là F1, 12 cháu dưới 6 tuổi, đặc biệt có một cháu dưới 1 tuổi; có 9 cụ già, cụ cao tuổi nhất là 81 tuổi. Do bị phong tỏa, cách ly ngay trong đêm nên gần như tất cả người dân trong thôn đều "trở tay không kịp", mọi nhu yếu phẩm cần thiết không được chuẩn bị, mọi công việc không được bàn giao...vậy nhưng tất cả đều rất tuân thủ trước các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, đồng thời đáp ứng được các nhu cầu về nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày của hơn 1.000 nhân khẩu trong thôn, tổ Covid cộng đồng, với 31 thành viên được phân công thành các nhóm như tuần tra với nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở người dân thực hiện nguyên quy định 5K của Bộ Y tế, không đi ra ngoài đường khi không có việc thực sự cần thiết; nhóm vận chuyển và mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết theo yêu cầu của người dân. Theo đó, khi người dân có nhu cầu mua hàng hóa hoặc được người thân gửi từ bên ngoài khu vực cách ly vào sẽ do các thành viên trong tổ phụ trách mua, nhận và gửi đến trước cửa nhà của các gia đình trong thôn. Và cuối cùng là nhóm tiếp nhận, phân phát các mặt hàng nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân ủng hộ cho người dân trong khu vực cách ly.
Có một điều đặc biệt, có tới hơn một nửa thành viên trong tổ Covid cộng đồng của thôn là nữ giới. "Có lẽ do cái tên gọi của thôn là Kiều đã thể hiện cho cái đẹp rồi nên tổ Covid cộng đồng của thôn cũng không thể không có các cô, các chị được. Hơn nữa, các cụ ta xưa đã có câu, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, thì nay chống dịch như chống giặc".
Cô Hoa cho hay, là nữ giới mặc dù còn vướng bận công việc chăm lo cho gia đình, nhưng cô cùng các chị em trong tổ đều cố gắng thu xếp để tích cực hoạt động. Người thân trong gia đình cũng lo lắng sợ mình sẽ bị nhiễm bệnh còn mình thì cũng lo lắng nếu chẳng may lại mang bệnh về cho người thân của mình. Vì vậy, tất cả mọi người đều phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế. Khi về tới gia đình cũng phải giữ khoảng cách với người thân.
"Tình thương yêu giữa con người với con người"
Là F1 trong số 142 người dân của thôn Kiều phải đi cách ly tập trung ngay khi địa phương có người nhiễm bệnh nhưng chị Trần Thị Thiết, Hội trưởng hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hiên Vân vẫn không quên nhiệm vụ tuyên truyền để kêu gọi tất cả chị em hội viên trong toàn xã nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh, đồng thời phát động phong trào ủng hộ người dân trong khu vực cách ly, ủng hộ gia đình F0 (04 trường hợp nhiễm bệnh của thôn Kiều đều là thành viên trong cùng một gia đình).
Chia sẻ về nguồn cơn dịch bệnh bùng phát ở thôn mình rồi bản thân trở thành F1 phải đi cách ly tập trung chị Thiết cho biết: "Dịch ập về thôn, không ai mong muốn cả và cũng không ai nỡ oán trách gia đình F0 (anh N.Đ.V). Tất cả đều là tình làng, nghĩa xóm và tình yêu thương giữa con người với con người. Con trai của anh V. không may bị tai nạn giao thông từ dịp Tết nên phải nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Sau nhiều tháng điều trị tại đây đến dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, cháu được cho về nhà, người thân, họ hàng rồi làng xóm đến hỏi thăm, chia sẻ với gia đình trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Sau đó bố và bà nội cháu, rồi bản thân cháu cùng chị gái của mình xuất hiện các triệu trứng bệnh và được xác định dương tính. May mắn là mẹ, em trai và ông nội cháu chưa bị nhiễm. 170 F1 buộc phải đi cách ly tập trung, trong đó có nhiều cháu bé và cả người già, nhưng tất cả đều sẵn sàng và vui vẻ chấp hành. Người quê xưa nay vốn vậy, tình làng, nghĩa xóm là thế".
Vượt qua nỗi lo lắng về nguy cơ mắc bệnh của bản thân, chị Thiết mặc dù đang sống trong khu vực cách ly tập trung nhưng vẫn viết thư kêu gọi chị em hội viên cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi với gia đình F0 cùng bà con thôn Kiều. Sau một thời gian ngắn phát động, chị và các chị em trong hội quyên góp được 13 triệu tiền mặt cùng một số nhu yếu phẩm như trứng, mì, nước khoáng. Hạt gạo cắn đôi, số tiền trên được chia làm nhiều phần, phần để ủng hộ gia đình F0, phần để ủng hộ tinh thần cho tổ Covid cộng đồng của địa phương; mua nhu yếu phẩm (trứng, mỳ, nước khoáng) ủng hộ người dân trong thôn đang sống trong khu vực phong tỏa và phần để ủng hộ cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn của thôn trong tình cảnh bị cách ly, không đi được làm và không có thu nhập.
Về cuộc sống tại khu cách ly tập trung, chị vui vẻ cho hay, trong này được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 40.000đ/ngày, cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, những bữa cơm với đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt tất cả đều đã được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, may mắn vì chưa ai dương tính.
Cũng như chị Thiết, nhiều chị em trong tổ Covid cộng đồng đã và đang kêu gọi được những tấm lòng hảo tâm của các đơn vị, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ người dân trong thôn trong lúc khó khăn này.
Người dân đồng hành cùng chính quyền- "giặc nào cũng thắng"
Ông Nguyễn Khánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiên Vân, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xã cho biết, tính đến nay sau 14 ngày kể từ ngày phát hiện trường hợp nhiễm Sars-CoV-2 tại thôn Kiều, trên địa bàn xã chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới nào. "Có thể nói đây là thành quả bước đầu rất đáng ghi nhận và phấn khởi của địa phương. Thành quả này đến từ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, quyết liệt của cấp trên, sự nỗ lực của các ban ngành đoàn thể của địa phương và đặc biệt là sự chung tay, chung sức, chung lòng của toàn thể người dân trong xã, nhất là người dân thôn Kiều, những người đang phải sống trong khu vực cách ly y tế, thực hiện nghiêm việc tự cách ly tại nhà".
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Khánh Hùng, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, nên địa phương không được lơ là, chủ quan mà phải tích cực và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, hành động để có thể nhanh chóng khống chế tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, tái khởi động cuộc sống bình thường cho người dân phát triển kinh tế, đời sống...và đặc biệt là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Để làm tốt điều này, xã đã yêu cầu tất cả các thôn chưa có người nhiễm bệnh phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, tăng cường hoạt động của tất cả các tổ Covid cộng đồng theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà để truy vết các trường hợp F1, F2 và nhắc nhở người dân tránh tập trung đông người. Đối với thôn Kiều, khu vực đang thực hiện phong tỏa cách ly y tế cần đảm bảo vừa phòng dịch hiệu quả, vừa đáp ứng tốt nhu cầu nhu yếu phẩm sinh hoạt của người dân, duy trì thực hiện tốt việc tự cách ly tại nhà "nhà nào ở yên nhà đó".
Ông Vũ Thọ Nghiêm (71 tuổi) một công dân thôn Kiều bày tỏ, dịch bệnh bất ngờ kéo đến, cuộc sống của tất cả các gia đình trong thôn đều bị xáo trộn, có hoang mang, lo lắng trong những ngày đầu. Nhưng đến nay, tất cả đều rất yên tâm, lạc quan và tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. "Tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của các ngành, các cấp chính quyền đồng thời là sự đồng lòng của người dân thì mặc dù dịch bệnh có đáng sợ nhưng chúng ta sẽ vượt qua. Cái đáng sợ nhất lúc này chính là ý thức của mỗi người dân. Mỗi một người biết tự giác chấp hành theo các quy định về phóng chống dịch bệnh thì các y bác sĩ đỡ vất vả, các lực lượng công an, quân đội không phải dầm sương dãi nắng. Ngược lại, người dân ý thức không tốt sẽ gây ra những hậu quả khôn lường".
Đồng hồ trên tường điểm 5 giờ chiều, cả không gian yên tĩnh của thôn Kiều như bừng tỉnh bởi tiếng loa phát thanh của cô Liên. Chiều đầu hè oi bức là thế, nhưng trên các tuyến đường trong thôn không một bóng người. Ngoài kia, cánh đồng lúa đã ngả màu, một mùa vàng nữa lại sắp tới chờ người thôn Kiều trở lại cuộc sống như trước ./.