• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những ngày tháng không thể quên của các y, bác sĩ ở “chiến trường COVID-19” miền Nam

Thời sự 03/02/2022 07:54

(Tổ Quốc) - Đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 tại Việt Nam đã qua đi, thế nhưng, những ký ức về ngày tháng kiên cường, dũng cảm chiến đấu với COVID-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân vẫn còn in sâu trong tâm trí hàng nghìn y, bác sĩ.

Những ngày không quên các y, bác sĩ ở “chiến trường COVID-19” miền Nam - Ảnh 1.

Các y, bác sĩ thăm khám cho các bệnh nhân mắc Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 12

Chuyến hành quân vào miền Nam không thể quên

Nhớ lại những ngày đầu khi lên đường vào TP Hồ Chí Minh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, TS.BS Chu Thanh Sơn - Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: "Tuy đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng môi trường mới cũng khiến chúng tôi ban đầu có những bỡ ngỡ nhất định. Đối tượng bệnh nhân chúng tôi tiếp xúc trước đây là trẻ em, do đó khi điều trị bệnh nhân người lớn có một số khác biệt trong đặc điểm bệnh lý cũng như các bệnh nền kèm theo, việc tính toán liều thuốc, chăm sóc đòi hỏi chúng tôi có thời gian làm quen".

"Những khó khăn ban đầu nhanh chóng được khắc phục, những thiếu thốn vật chất, thuốc men, trang thiết bị trong ngắn hạn đã được bổ sung kịp thời. Chúng tôi cũng cố gắng phát huy tính linh hoạt sáng tạo, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có trong tay để không làm gián đoạn công tác điều trị" - BS Sơn cho biết.

Cũng theo BS Sơn, bệnh nhân nặng tại đây phần lớn là người trung tuổi, có bệnh nền phức tạp, nhưng với nền tảng được đào tạo bài bản về chuyên khoa hồi sức cấp cứu là điều thuận lợi giúp các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nhanh chóng thích nghi và lĩnh hội kiến thức mới.

Chỉ trong một thời gian ngắn, BS Sơn và các đồng nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác điều trị, đồng thời vận hành thuần thục các thiết bị máy móc hỗ trợ sự sống nâng cao như: máy thở, máy lọc máu, ECMO…, góp phần vào thành công trong việc điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Không giấu được sự xúc động, bác sĩ Sơn cho biết bản thân mình và mọi người trong đoàn đều cảm thấy rất may mắn vì cuộc chiến với kẻ thù vô hình lần này dù khó khăn nhưng không ai phải đơn độc mà bên cạnh luôn có các anh chị đồng nghiệp đồng hành, hỗ trợ.

"Với bản thân tôi, đây là chuyến đi mang lại nhiều điều quý giá, là trải nghiệm không thể quên trong đời. Ở TP Hồ Chí Minh, tôi được làm việc với những bác sĩ với trình độ chuyên môn cao, thực hiện các kỹ thuật hồi sức tiên tiến để giành giật sự sống cho mỗi người bệnh, dẫu nguồn lực y tế còn hạn chế hơn rất nhiều khi so sánh với các nước phát triển khác. Những chiến sĩ áo trắng vững chí, bền gan, họ có thể là những bạn điều dưỡng, những tình nguyện viên tuổi đời rất trẻ cho đến những bác sĩ dày dặn kinh nghiệm như "Bác sĩ 91" Trần Thanh Linh – người đã tham gia chống dịch từ những ngày đầu tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, cùng biết bao tấm gương khác. Họ đã và đang tạm bỏ lại sau lưng hạnh phúc của bản thân để tiếp tục miệt mài cống hiến cho cộng đồng" - BS Chu Thanh Sơn kể lại.

Lạc quan nghĩ đó là "chuyến du lịch nghỉ dưỡng ngắn hạn"

Nhớ lại ký ức của ngày bất ngờ nhận được lệnh triệu tập vào lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh, BS Lê Đức Thành Nhân - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện cho biết, ngày đi, danh sách các thành viên trong đoàn là những gì chúng tôi có. "Lúc ấy, không ai biết địa điểm công tác cũng như ngày trở về là khi nào. Thực ra, thời điểm đó, tôi có chút lo lắng nhưng rồi lại lạc quan nghĩ, chắc có thể đây chỉ là "chuyến du lịch nghỉ dưỡng ngắn hạn" vì khi đó tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh cũng chưa căng thẳng nhiều. Và rồi, cảm giác lo lắng nhanh chóng qua đi với suy nghĩ vui và tự hào vì được lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện tin tưởng giao phó vị trí trưởng đoàn công tác" - BS Nhân chia sẻ.

Những ngày không quên các y, bác sĩ ở “chiến trường COVID-19” miền Nam - Ảnh 2.

Đối với các y, bác sĩ, những ngày tháng chiến đấu với dịch COVID-19 tại miền Nam sẽ không bao giờ quên.

Tuy nhiên, khi đặt chân đến Bệnh viện Dã chiến số 3, BS Nhân cùng các đồng nghiệp mới cảm thấy áp lực bắt đầu trĩu nặng trên đôi vai mình. Bệnh viện Dã chiến số 3 được UBND TP. Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập vào ngày 7/7/2021 thì ngay hôm sau, 45 thành viên đoàn công tác đã có mặt tại đây và bắt tay vào công việc. Sau khi dọn dẹp phòng ốc và nghỉ ngơi, chuyến công tác mới thực sự bắt đầu…

Do nhân lực khiêm tốn, nên ngoài giờ trực các bác sĩ phải kiêm nhiệm thêm các bệnh phòng và làm hồ sơ sổ sách cùng với sự giúp đỡ của các bạn điều dưỡng. 6 ngày đầu là những ngày thực sự "khói lửa", lúc ấy chưa có đơn vị hậu cần nên khối lượng công việc rất lớn lại không thể san sẻ cho ai.

"Tôi còn nhớ lúc ấy số bệnh nhân F0 chúng tôi nhận vào tăng đột biến theo ngày, nên việc dự trù thiếu suất ăn là việc khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các y bác sĩ, điều dưỡng ai cũng đồng lòng nhường lại suất ăn của mình cho các bệnh nhân. Khi đó, tôi đã rất phiền não vì sợ rằng việc quá tải sẽ bào mòn sức khỏe và ý chí của các anh chị em. Nhưng đáp lại sự lo lắng thái quá của tôi, mọi người đã thể hiện một tinh thần vô cùng kiên cường và nhiệt quyết, một tinh thần rất Việt Nam… Sau thời gian đó, khi có các anh em dân quân hỗ trợ thì mọi việc trở nên tươi sáng hơn, nhân viên y tế chúng tôi có thời gian tập trung sâu vào chuyên môn, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, guồng quay công việc cũng dần trở về quỹ đạo" - BS Nhân chia sẻ.

Có những ngày cơ thể rã rời vì làm việc nhiều giờ trong đồ bảo hộ

"Đó là những ngày tháng không thể quên đối với tôi. Những ngày đó, tôi và các đồng nghiệp tập trung cho "cuộc sống khác" thường nhật tại khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 ở trường THCS Huỳnh Tấn Phát (phường Bình Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19", Thượng úy, BS Lê Hữu Khánh, khoa Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ.

Những ngày không quên các y, bác sĩ ở “chiến trường COVID-19” miền Nam - Ảnh 3.

Các y, bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ phải làm việc nhiều giờ đồng hồ, chỉ có lúc ăn uống cũng là nghỉ ngơi đối với họ.

Nhớ về thời điểm những ngày cuối tháng 8, khi đang học tập tại Học viên Quân Y thì nhận được lệnh lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch, BS Lê Hữu Khánh cho biết, trải nghiệm những ngày đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, được phân công thực hiện nhiệm vụ tại một khu chung cư và sau 1 tuần sàng lọc khu chung cư đã thành vùng xanh, bác sĩ đề nghị lên phường được mở rộng địa bàn hoạt động để giúp được nhiều người ở xung quanh và vùng đỏ.

"Sau đó phường tổ chức lại cho nhóm tôi về khu cách ly, ban đầu cũng khá lo lắng, vì tổ có 3 người mà phụ trách cả điểm trường được trưng dụng thành khu cách ly tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 với số lượng bệnh nhân F0 nhiều. Trong đầu chúng tôi đặt ra muôn vàn câu hỏi: Liệu điểm trường có đảm bảo các điều kiện không, nhưng trên tất cả là suy nghĩ mình nhất định làm được vì hơn lúc nào hết, lúc này nhân dân cần mình nhất và có thể giúp được nhiều người bệnh hơn", BS Khánh chia sẻ.

Cùng với đồng đội tại khu cách ly tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 , BS Khánh không hề nao núng và bỡ ngỡ, nhanh chóng thiết lập và sắp xếp công việc cũng như cuộc sống trong khu cách ly một cách gọn gàng.

"Khu cách ly là một trường cấp 2 sức chứa 200 bệnh nhân, tôi được phụ trách 196 bệnh nhân và có sự giúp đỡ thêm một cán bộ phường. Hàng ngày, chúng tôi túc trực cùng bệnh nhân F0 để xử lý mọi vấn đề khi cần. Buổi sáng, tôi đi khám bệnh nhân F0 và theo dõi bệnh nhân rất nặng hoặc bất thường, chiều lấy mẫu RT-PCR cho bệnh nhân đến kỳ xét nghiệm. Trong ngày, lúc nào có bệnh nhân nặng cần chuyển viện, tôi sẽ theo xe cấp cứu đưa bệnh nhân lên bệnh viện cao hơn. Nhiều hôm, cả kíp trực phải tất bật xuyên đêm thực hiện khử khuẩn, thu thập thông tin, xếp phòng, kiểm tra, theo dõi bệnh nhân…Xong việc trời cũng vừa sáng, cơ thể rã rời vì phải làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ trong bộ quần áo bảo hộ cộng thêm cường độ, áp lực lớn của nhiệm vụ, nhưng chúng tôi ai nấy đều rất nỗ lực, chỉ mong giúp đỡ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân", BS Khánh kể lại.

BS Khánh vẫn nhớ: "Để người bệnh tin tưởng sẽ vượt qua và chiến thắng được bệnh dịch, chúng tôi luôn chăm lo, động viên, chia sẻ, giải tỏa tâm lý để họ yên tâm cách ly, điều trị. Có những ngày các ca F0 tăng, áp lực khi có bệnh nhân phải chuyển tuyến, chúng tôi luôn động viên nhau, nỗ lực, tập trung hết sức để cứu chữa bệnh nhân. Ngày đầu, để khám và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, tôi dùng loa nhà trường nói chuyện với bệnh nhân, vừa bộc bạch một chút về bản thân, vừa chia sẻ những khó khăn bà con phải chịu, buổi chiều bật nhạc vui nhộn đẩy lùi COVID-19 để bà con lạc quan, yêu đời. Sau đó thành lập nhóm zalo đại diện các phòng để tiện trao đổi và chia sẻ vừa đảm bảo an toàn phòng dịch".

Đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 đến thời điểm này đã qua đi, thế nhưng, đối với người dân miền Nam nói riêng, cả nước nói chung, những hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ chắc chắn sẽ không bao giờ quên trong trái tim họ./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ