• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những người âm thầm giữ văn hóa Hà Nội – Bài 1: Nghề thủ công truyền thống lao đao trong bão Covid-19

Văn hoá 18/07/2021 15:21

(Tổ Quốc) - Nhiều ngành nghề truyền thống của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều chịu ảnh hưởng khá nặng nề của đại dịch Covid -19. Đáng trân quý và tự hào là các nghệ nhân Thủ đô dù đứng trước những khó khăn nhưng vẫn một lòng giữ nghề như giữ gìn vốn văn hóa quý báu của Hà Nội.

Các làng nghề thủ công gặp khó

Hà Nội xưa không chỉ có 36 phố phường, 36 phố nghề mà còn có rất nhiều nghề thủ công truyền thống nức tiếng ở các làng quê. Hà Nội cũng là nơi hội tụ, giao lưu, kết tinh, lan tỏa nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Hà Nội có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó 12 làng được công nhân danh hiệu làng nghề, 301 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống.

Hà Nội sau khi sáp nhập thêm Hà Tây, một phần của Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận, sự phát triển của làng nghề càng mạnh lên. Cả nước có 52 nghề, Hà Nội chiếm 51 nghề (trừ nghề sản xuất nhạc cụ dân tộc). Chính vì vậy đây là nơi hội tụ cao nhất và nhiều nghệ nhân nổi tiếng nhất được sinh ra ở nơi này. Nghề làm gốm, nghề thêu, nghề đúc đồng, nghề mây tre đan… đều bắt nguồn từ Hà Nội.

Những làng nghề truyền thống của Hà Nội từng hiện diện trong "Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại


Thủ đô Hà Nội là nơi có nghề thủ công truyền thống mạnh nhất và lịch sử tỏa sáng từ đó. Các phố cổ thời xưa ông cha để lại là nơi thờ tổ nghề và rất được tôn trọng. Nhiều sản phẩm của làng nghề đa dạng, phong phú, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Những sản phẩm truyền thống của người Hà Nội hiện diện trong mỗi gia đình như một niềm tự hào và trân quý. Không ít nghề thủ công đã có thời thịnh vượng, nhộn nhịp và sầm uất, tạo ra nguồn kinh tế chính nuôi sống nhiều thế hệ gia đình. Nghề truyền thống có thể lan tỏa ở mức độ rộng, tạo nên một bản sắc riêng cho địa phương. Bởi vậy nghề thủ công được trao truyền tiếp nối một cách tự nhiên từ đời này đến đời khác thấm đẫm tinh hoa của văn hóa tinh thần.

Thế nhưng, 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid đã khiến làng nghề nói chung và nghề thủ công truyền thống gặp nhiều khó khăn. Một cuộc khảo sát với trên 100 doanh nghiệp vào giữa tháng 6/2021 cho thấy, có đến 84% số hộ gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; Thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; Phải cắt giảm lao động chiếm 52%; Bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; Bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.

Nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội như: Làng sản xuất mỹ nghệ Sơn Đồng (Hà Tây, Hà Nội), Sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, (Thường Tín, Hà Nội), làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội)… đều gặp những khó khăn nhất định. Một số nơi thì hàng loạt các đối tác nước ngoài của làng nghề phải ngừng giao dịch. Sản phẩm làm ra phải cất đi để chờ cơ hội, vốn liếng bị ứ đọng, thợ mất việc, hoặc giảm giờ làm…

Năm nay chưa biết thế nào...

Ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến nhiều người làm nghề thủ công truyền thống chưa biết sẽ xoay sở ra sao

 Còn với các hộ gia đình "đơn độc" làm nghề truyền thống, khi chưa có "bão Covid -19" đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức thì dịch bệnh là một "cú bồi" khó chống đỡ. Khi chưa có Covid -19, họ phải đối diện với một cuộc cạnh tranh không cân xứng giữa máy móc hiện đại, cơ chế thị trường. Máy móc hiện đại đã đem đến công nghệ sản xuất hàng loạt nhanh gọn, rẻ tiền ra đời thay cho lao động thủ công khéo léo, tỉ mỉ. Từ đó dẫn đến nhiều nghề thủ công dần bị cạnh tranh, mai một, mất đi vị thế vốn có. Thu nhập từ nghề thủ công cũng khó có thể nuôi sống được người thợ. Và như một quy luật tất yếu nghề thủ công ngày càng thưa vắng, những người thợ cũng dần dần tìm cho mình một ngành nghề khác hợp thời hơn. Người cố trụ với nghề phần lớn vì tình yêu nghề, giữ gìn nghề truyền thống.

Gia đình cô Quách Thị Bắc (Hàng Lược, Hà Nội) – được cho là người cuối cùng làm thiên nga bông còn sót lại trong con phố cổ giữa Thủ đô chia sẻ: "Năm ngoái do ảnh hưởng Covid -19 gia đình đã phải gặp khó khăn, nhưng năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp hơn nên càng khó khăn. Bình thường mọi năm tôi đã có nhiều đơn đặt hàng và tầm đến tháng 7 âm lịch gia đình tôi bắt đầu làm dần những công đoạn dễ nhất. Năm nay thì số lượng đơn đặt hàng vô cùng ít. Chưa kể với tình hình dịch bệnh ở Hà Nội còn khó lường thì có thể chợ trung thu truyền thống ở phố cổ khó mà diễn ra. Nếu như vậy thì phần lớn gia đình tôi chỉ bán thiên nga bông cho những người đã đặt hàng và vào nhà lấy. Thực sự là tôi thấy khá buồn".

Năm nay các gia đình chưa biết tình hình ra sao. Cũng có thể có đơn hàng muộn hơn mà cũng có thể không

Cũng là người còn "nặng lòng" với thứ đồ chơi truyền thống là gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) làm ông tiến sĩ giấy có cùng lo lắng vì thời điểm này chưa có đơn đặt hàng. Mọi năm nhiều đơn đặt hàng thì cuối tháng 5 âm lịch gia đình cô đã bắt đầu làm. "Còn năm nay thì thực sự là … chưa biết được!. Cũng có thể có đơn hàng muộn hơn mà cũng có thể không. Nhưng gia đình tôi không thể làm sẵn được vì tiến sĩ giấy là mặt hàng cồng kềnh. Nếu làm ra không bán được thì không có chỗ mà để" – cô Tuyết cho biết.

Hình ảnh những đoàn khách du lịch nước ngoài, nhiều từng nhóm sinh viên thực tập… kéo về nhà cô Bắc, cô Tuyết với vẻ mặt hân hoan, trầm trồ trước mỗi sản phẩm thủ công được ra đời từ bàn tay khéo léo của người nghệ nhân dường như đã trở thành quá khứ.

 Hình ảnh sử dụng trong bài được thực hiện khi Hà Nội chưa giãn cách

Bài: Hà Anh, ảnh: Bảo Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ