• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những người âm thầm giữ văn hóa Hà Nội - Bài 2: Trân quý người giữ nghề

Văn hoá 18/07/2021 18:24

(Tổ Quốc) - Dù khó khăn nhưng còn rất nhiều người, bằng nhiều cách khác nhau vẫn âm thầm lặng lẽ giữ gìn nghề truyền thống để dòng chảy văn hóa truyền thống Hà Nội ngàn năm văn hiến được nối dài và trường tồn với thời gian.

Quyết không bỏ nghề

Mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh hàng hóa từ máy móc và sự thu hẹp của thị trường do dịch bệnh Covid -19 nhưng thật tự hào và trân trọng khi vẫn còn những con người bình dị âm thầm bồi đắp cho dòng chảy văn hóa Hà Nội. Họ là người thợ rèn cuối cùng ở phố cổ, là gia đình còn sót lại của phố cổ làm thiên nga bông, là người còn nặng lòng với "tiến sĩ giấy" mỗi dịp Tết trung thu.

Ông Nguyễn Phương Hùng (26 phố Lò Rèn, Hà Nội) vẫn cháy hết mình với đam mê với nghề rèn truyền thống khiến nhiều người không khỏi thán phục. Nghề rèn rất vất vả, mùa hè thì nóng nực được cộng hưởng từ những thùng dầu sôi, bếp than hồng rực lên tới hàng trăm độ, mùa đông thì khô da nứt nẻ. Nhưng ông cho rằng "không vất vả", mà chỉ vất vả với người tư tưởng không muốn làm chứ với người đam mê, say mê nghề nghiệp thì không có gì vất vả. Thậm chí da dẻ còn hồng hào chứ ông không sợ bỏng hay sợ đen".

Dù khó khăn, vất vả nhưng những người cuối cùng còn theo nghề thủ công ở Hà Nội vẫn quyết bám nghề và giữ gìn vốn văn hóa truyền thống 

Với ông Hùng, mỗi ngày được cầm tay búa là một ngày vui, vui vì mình còn khoẻ còn rèn được, phần khác là mình vẫn giữ được nghề rèn truyền thống mà bây giờ không còn ai theo nghề nữa. Dù nhiều người trong gia đình khuyên ông "bỏ nghề", bán mảnh đất này đi để có cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng ông Hùng nhất quyết giữ lại cho con phố Lò Rèn của Hà Nội "đỏ lửa".

Hay như gia đình cuối cùng làm thiên nga bông ở phố cổ Hà Nội - cô Quách Thị Bắc (Hàng Lược, Hà Nội) dù khó khăn cũng không bỏ nghề. Cô kể mình "nặng lòng" với thiên nga bông từ khi chưa làm dâu phố cổ. Hồi đấy nhiều người là lắm và dường như cả phố Hàng Mã cũng làm. Nhưng rồi sau đó cứ thưa vắng dần và giờ còn mỗi nhà cô. Cô được học nghề từ chính mẹ chồng mấy chục năm về trước. Ban đầu cô phụ giúp mẹ những việc lặt vặt để hoàn thiện đàn thiên nga bông. Nhưng dần dần theo thời gian tình yêu nghề thủ công với đàn thiên nga bông cứ càng ngấm vào cô để rồi giờ mẹ chồng hơn 90 tuổi tiếp tục nối nghề… Cô cũng chia sẻ làm một giỏ thiên nga bông mất rất nhiều công và thời gian, mà thu nhập lại không được bao nhiêu. Tính trung bình mỗi ngày gia đình – thực tế chỉ có 2 mẹ con làm được khoảng 4-5 lẵng, giá bán một lẵng nhỏ là 60.000 đồng, lẵng to khoảng 120.000 đồng.

Những người âm thầm giữ văn hóa Hà Nội - Bài 2: Trân quý người giữ nghề - Ảnh 2.

Gia đình cô Bắc hiện nay chỉ có hai mẹ con làm thiên nga bông. Mẹ chồng đã hơn 90 tuồi và con dâu ngoài 60, nhưng chưa ai nối nghiệp nghề thủ công

Cô Bắc cũng cho biết, nhiều lúc nhìn có mỗi 2 mẹ con cứ lụi cụi làm mà thu nhập không cao, nhiều người khuyên nên bỏ nghề. Cô cũng từng tự hỏi, mình có lương hưu, cuộc sống cũng không quá bí bách, mà làm thiên nga bông một năm có một mùa, hay là mình bỏ nghề đi. Nhưng đấy chỉ là ý nghĩ thoáng qua, vì giữ nghề không chỉ là vì thu nhập mà còn là sự giữ gìn một nghề thủ công có từ lâu đời mà cha ông để lại. Nếu gia đình cô không giữ nghề này thì có thể nghề làm thiên nga bông cũng bị xóa sổ ở phố cổ.

Còn gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) làm ông tiến sĩ giấy. Làm tiến sĩ giấy tuy không tốn sức, nhưng mất rất nhiều thời gian, thu nhập lại eo hẹp nhưng không vì thế mà cô bỏ nghề. Nhiều năm về trước mỗi dịp Trung thu nhà cô nhiều đơn đặt hàng thì không khí làm tiến sĩ giấy khá nhộn nhịp.


Những người âm thầm giữ văn hóa Hà Nội - Bài 2: Trân quý người giữ nghề - Ảnh 3.

Những năm trước vào dịp trung thu có nhiều đơn hàng làm tiến sĩ giấy

Từ nhỏ cô đã gắn bó với tiến sĩ giấy cho đến bây giờ nên rất yêu nghề. Hơn nữa cô cho biết đây là nghề gia truyền không muốn để đến đời mình thì bị thất truyền và muốn giữ lại những nét đẹp trong ngày Tết Trung thu cho con cháu sau này. Tiến sĩ giấy còn là món đồ chơi gắn với tinh thần hiếu học của cha ông ta. Sau đêm phá cỗ, ông to để trong tủ uy nghi, ông nhỏ bày ở bàn học nhắc nhở các con cháu chăm chỉ học hành, phấn đấu thành tài. Bởi vậy, dù trải qua thăng trầm của nghề bao năm qua cũng như năm nay chưa nhận được đơn đặt hàng nhưng cô vẫn không bỏ nghề. Cô giữ nghề truyền thống cũng là cách để giữ gìn tinh thần nhân văn, tốt đẹp của cha ông.

Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ về những người còn nặng lòng với nghề truyền thống của Thủ đô. Trên thực tế, còn rất nhiều người, bằng nhiều cách khác nhau vẫn âm thầm lặng lẽ giữ gìn nghề truyền thống để cho dòng chảy văn hóa truyền thống Hà Nội ngàn năm văn hiến được nối dài và trường tồn với thời gian.

Còn đó những trăn trở…

Người thợ rèn cuối cùng ở phố cổ Hà Nội (Việt Hùng- Anh Tú thực hiện)

Nếu như các làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với những khó khăn vì đại dịch Covid -19 thì có rất nhiều kiến nghị từ các cơ quan nhà nước, hiệp hội… nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Nhưng với những hộ gia đình làm nghề truyền thống "đơn độc" thì chưa thuộc diện được đề nghị hỗ trợ. Vì phần lớn thiệt hại của hộ gia đình nhỏ lẻ làm nghề thủ công chưa lớn. Nghề thủ công như gia đình cô Bắc, cô Tuyến… gần như là nghề "tay trái", không phải thu nhập chính. Do đó không kéo theo chi phí thuê mặt bằng, chi phí thuê nhân công lớn.

Nhưng điều trăn trở và đáng lo ngại lại là nguy cơ thất truyền, đứt gãy một nghề thủ công của cha ông để lại. Nhiều gia đình làm nghề thủ công truyền thống khá lo lắng khi không có người kế cận. Thậm chí các thành viên trong gia đình còn khuyên "bỏ nghề". Như trường hợp nhà cô Bắc, mẹ chồng đã hơn 90 tuổi, cô cũng ở tuổi ngoài 60, nhưng con trai thì bận rộn với một nghề khác. Thỉnh thoảng cũng có một vài đoàn sinh viên đến tìm hiểu, viết bài, lấy tư liệu, có cả người đến học việc song gần như cũng chưa ai đủ kiên nhẫn, sự tài hoa và tình yêu nghề để quyết tâm theo học và gắn bó với nghề.

Lo ngại chợ trung thu truyền thống và các hoạt động tổ chức vui chơi dịp rằm tháng 8 năm nay khó diễn ra sẽ khiến một số đồ chơi trung thu truyền thống cũng không được bày bán 

Còn ông Hùng chia sẻ có hai người con và đều đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Tuy nhiên, không ai có ý định sẽ kế nghiệp cha. Ông Hùng cho biết nếu sau này ông già yếu, không còn đủ sức để làm và cũng không ai nối nghiệp thì có lẽ ông phải chấp nhận phương án cuối cùng mà bản thân không hề muốn là bán cửa hàng.

Nhiều năm qua, vào mỗi dịp Tết Trung thu gia đình cô Bắc, cô Tuyến được một số đơn vị như Bảo tàng Dân tộc học, Ban quản lý Ngôi nhà di sản ở phố cổ Mã Mây… đặt hàng, xuất hiện trên truyền hình, báo chí, hay được mời giao lưu, hướng dẫn các em nhỏ làm các đồ chơi mang đậm truyền thống văn hoá của người Việt. Đây cũng là dịp để những đồ chơi như tiến sĩ giấy, thiên nga bông đến với nhiều thế hệ, tạo sức lan tỏa cũng như tình yêu văn hóa truyền thống. Còn năm nay, rất có thể diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường thì các hoạt động này sẽ bị thu hẹp hoặc không diễn ra. Như vậy cơ hội để truyền tải những nét đẹp cũng như giá trị văn hóa tinh thần từ các đồ chơi trung thu truyền thống sẽ hẹp đi…

* Hình ảnh sử dụng trong bài được thực hiện khi Hà Nội chưa giãn cách


Bài: Hà Anh, ảnh Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ