• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những người âm thầm giữ văn hóa Hà Nội - Bài 3: Hướng đi nào cho nghề thủ công truyền thống vượt bão Covid -19?

Văn hoá 19/07/2021 08:01

(Tổ Quốc) - Nghề thủ công truyền thống không chỉ hứng cơn bão của sự xuất hiện máy móc tự động hóa, kinh tế thị trường mà còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19. Khó khăn "kép" có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy, thậm chí "xóa sổ" nghề thủ công truyền thống. Vậy vì sao cần giữ gìn cũng như hướng đi nào cho nghề thủ công truyền thống là câu hỏi đầy trăn trở.

Sự đứt gãy - giải nghệ nghề truyền thống không chỉ đơn thuần và dừng ở mức độ nghề nghiệp, mang ý nghĩa kinh tế thông thường với quan niệm không làm nghề này thì làm nghề khác. Đáng lo ngại hơn, "xóa sổ" một nghề truyền thống còn dẫn đến hệ lụy đứt gãy văn hóa. Văn hóa chứa đựng những giá trị vật thể và phi vật thể phản ánh được lịch sử, tập tục, thói quen, sự sáng tạo, phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng cũng như quan niệm xã hội của từng địa phương, từng thời điểm lịch sử. "Hàm lượng văn hóa của mỗi vùng miền đều tụ hội qua các sản phẩm thủ công truyền thống, thể hiện trên bàn tay vàng của các nghệ nhân làm cho hàm lượng văn hóa dân tộc cao. Đó là văn hóa dân gian và văn hóa truyền thống được thể hiện khá rõ" – ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đánh giá.

Những người âm thầm giữ nghề, giữ văn hóa Hà Nội - Bài 3: Hướng đi nào cho nghề thủ công truyền thống vượt bão Covid -19? - Ảnh 1.

Các nghệ nhân, cơ sở sản xuất cũng cần tranh thủ thời gian giãn việc để tìm tòi, cải tiến mẫu mã, làm sao cho sản phẩm đẹp hơn, tiện dụng hơn (ảnh minh họa/ Bảo Trung)

Đối với các làng nghề, giải pháp khắc phục được Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đưa ra là: mong muốn Nhà nước và các ngân hàng có cách chính sách giãn nợ, hay các chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất yên tâm duy trì. Bên cạnh đó ngay cả những người thợ, nghệ nhân, cơ sở sản xuất cần phát huy tinh thần, chịu thương chịu khó vốn có từ bao đời để động viên nhau duy trì sản xuất, giữ nghề ổn định đời sống.

Và điều quan trọng nữa là các nghệ nhân, cơ sở sản xuất cũng cần tranh thủ thời gian giãn việc để tìm tòi, cải tiến mẫu mã, làm sao cho sản phẩm đẹp hơn, tiện dụng hơn và bắt kịp xu hướng thị trường để khi xuất hiện trở lại có diện mạo mới, năng lượng mới và tính thuyết phục mạnh mẽ hơn – ông Lưu Duy Dần nhấn mạnh.

Về phía những gia đình làm nghề thủ công như cô Bắc, cô Tuyến đều mong muốn có sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức, cá nhân để nghề của gia đình được tiếp tục duy trì, được nhiều người biết đến. Không đặt nặng vấn đề kinh tế mà để duy trì nghề truyền thống cho các thế hệ sau cũng là bài toán cần tìm lời giải cho những nghề hiện chỉ còn sót lại trong phạm vi một gia đình.

Những người âm thầm giữ văn hóa Hà Nội - Bài 3: Hướng đi nào cho nghề thủ công truyền thống vượt bão Covid -19? - Ảnh 2.

Các nghệ nhân, cơ sở sản xuất cần phát huy tinh thần, chịu thương chịu khó vốn có từ bao đời để động viên nhau duy trì sản xuất, giữ nghề ổn định đời sống (ảnh Bảo Trung)

Chúng ta chưa đi sâu và có phần đang lúng túng trong việc khuyến khích việc kinh doanh của hộ gia đình. Qua dịch Covid-19, vai trò của kinh doanh hộ rất tốt, không cần nhiều nhân lực, không nhất thiết phải giải tán nhiều, không phải thuê mặt bằng và không phải tính toán những khó khăn. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra lý do tại sao có thể phát triển bằng chính sức lực của những doanh nghiệp hộ gia đình để từ đó có những giải pháp phù hợp là điều được Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trăn trở.

Kỳ vọng ở những gia đình có nghề truyền thống khi con em đi học các trường đại học có tính chất văn học - lịch sử… sau khi tốt nghiệp lại trở về gia đình hay các làng nghề để nối nghề và phát triển nghề. Họ sẽ là một thế hệ trẻ có trang bị nền tảng kiến thức vừa kế thừa, phát huy sáng tạo, có chọn lọc rất mới mẻ, mà không mất đi tinh hoa truyền thống. Thế hệ trẻ áp dụng những kiến thức đã học vào quá trình sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, lấy tuổi trẻ sáng tạo làm cuộc thi đua phát động sáng tác những mẫu mã truyền thống sẽ kích thích và thu hút thế hệ trẻ với nghề truyền thống - Ông Lưu Duy Dần gợi mở.

Phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch văn hóa. Nếu có sự liên kết, phối hợp tốt sẽ vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, vừa giúp ngành du lịch trở thành cầu nối ngắn nhất đưa các sản phẩm truyền thống vào thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời cũng góp phần quảng bá hình ảnh và văn hóa truyền thống địa phương tới du khách trong và người nước.

Là người gắn bó với làng nghề nhiều năm, ông Lưu Duy Dần cũng cho rằng để các làng nghề nói chung và những gia đình có nghề thủ công nói riêng vượt qua bão Covid -19 thì cũng cần phải chú trọng khâu quảng bá sản phẩm gắn với giá trị văn hóa bên trong để sản phẩm đến được với đông đảo khách hàng. Cùng với đó là tôn vinh đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề bằng những danh hiệu và coi họ là tài sản, vốn quý. Họ là người tạo ra được sức sống văn hóa nông thôn, văn hóa dân gian.

Những người âm thầm giữ nghề, giữ văn hóa Hà Nội - Bài 3: Hướng đi nào cho nghề thủ công truyền thống vượt bão Covid -19? - Ảnh 3.

Giữ gìn nghề truyền thống là giữ gìn văn hóa cho thế hệ sau (ảnh minh họa/ Bảo Trung)

Với những nghề có nguy cơ "thất truyền" như ở gia đình cô Bắc làm thiên nga bông, ngoài việc giữ nghề, truyền đạt tình yêu nghề và giá trị nghề thông qua các chương trình truyền hình, giao lưu, chúng tôi có gợi mở nên viết một cuốn sách thật tỉ mỉ về nghề thủ công cô đang theo. Cuốn sách đó sẽ được truyền lại cho nhiều người, và biết đâu một ngày nào đó ai đọc được có đủ đam mê lại theo cô học nghề. Cô Bắc có chút trầm ngâm nghĩ ngợi…

Hà Nội ngàn năm văn hiến, được bồi đắp bằng những giá trị văn hóa của lớp lớp thế hệ cha ông để lại. Nhưng để những giá trị đó trường tồn với thời gian, không bị lu mờ hay mất đi trước nỗi lo thường trực của cơm áo gạo tiền, là sự nâng niu, trân trọng và ý thức giữ gìn của biết bao nghệ nhân tài hoa. Đó thực sự là những "ứng xử đẹp" với văn hóa truyền thống, có sức lan tỏa, khiến chúng ta và cả thế hệ trẻ phải suy ngẫm và đặt dấu hỏi: mình phải làm gì trước những con người bình dị vẫn âm thầm giữ nghề, giữ văn hóa Hà Nội?.


Bài - Hà Anh; ảnh - Bảo Trung

*Hình ảnh sử dụng trong bài được thực hiện khi Hà Nội chưa giãn cách

Bài - Hà Anh; ảnh - Bảo Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ