• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những người “đàn bà yêu” làm thơ…

27/06/2017 05:00

(Tổ Quốc) - 45 bài thơ yêu của 5 tác giả nữ vừa dễ thương, lại đằm thắm dịu dàng đúng với bản chất của đàn bà Á Đông: Mềm mại như nước nồng nàn như lửa, cũng có sự khắc khoải, trăn trở, giận, hờn, nhớ thương và cả nước mắt song chưa thật dữ dội.

Tôi làm thơ từ khi vừa mới… chớm yêu, và nghe đâu đó một câu châm ngôn mà ngẫm ra cũng thật có lý là: “Khi yêu, người ta có thể làm thơ”. Song ở bài viết này, lại là chuyện của những người… đàn bà biết làm thơ, và làm thơ hay lại… yêu, thì xem ra cái tình yêu này chắc hẵn sẽ có nhiều điều khác lạ, thú vị, không giống với cảnh giới của những người yêu nhau bình thường, thường tình trong thiên hạ chăng?

Năm khuôn mặt nữ xinh đẹp, sinh sống và công tác ở các địa phương khác nhau như Tp.HCM, Tây Ninh, Pleiku, Nghệ An, Thanh Hóa, tuổi đời cũng đã ngoài cái “mơ mộng, rung động đầu đời…” xa lắc, cùng hội ngộ với nhau trong một thi phẩm mang tên “Đàn bà yêu” như một khẳng định. Họ đã và đang yêu nồng nàn, cháy bỏng với những cung bậc khác nhau của tính cách, và mỗi người với 9 bài thơ yêu, cũng vừa tròn đầy với nhiều tâm cảm khi yêu.

Lord byron, nhà thơ lớn của nước Anh đã không ngần ngại khi thốt lên: “Alas! The love of women, it is known, to be lovely and a fearful thing”- Tạm dịch là: “Hỡi ôi! Tình yêu của đàn bà ai cũng biết là vừa dễ thương vừa đáng sợ”. Vậy “Đàn bà yêu” của cái xứ sở nhiệt đới này thông qua những bài thơ của mình có gì “dễ thương” và “đáng sợ” không? Thử lần lượt đi vào những nỗi niềm yêu ấy…

Năm người "đàn bà yêu"(*) và thơ 

Người trẻ tuổi nhất trong tập là Việt Hưng, người Thanh Hóa, giảng viên Đại học ở Thanh Hóa, đã xuất bản một tập thơ vào năm 2015. Thơ Hưng cũng thật dễ thương và da diết với những cung bậc tình yêu: “Giá có thể đón người bằng ngàn siết ghì/ từ sớm ban mai/ Vòng tay mềm qua cổ/ Cài lại cúc áo còn buông lơi/ Và hôn cho đến nhàu…” (Đêm tình nhân). Những nồng nàn, dịu ngọt: “Em khóc trên cung đường sóng trôi lén lút anh về/ Nguôi đi mọi dỗi hờn/ Nguôi đi với ghen tuông/ Nhớ mà đau đến vỡ…”. Chao ơi cái cụm từ “Nhớ mà đau đến vỡ” làm rung động đến sâu thẳm trái tim ai đó, sao nỡ có thể quên được nhỉ? Người đàn bà trí thức thế hệ 8X này, cũng gửi gắm tình yêu mê mải trong thế giới tưởng chừng như ảo ảnh, mông lung, nhưng lại rất thật là: “Từ khóa/ Từ khóa/ Từ khóa/ Gõ ngàn lần…/ Nhưng anh mắc kẹt đâu rồi giữa bàn phím tim em/ Chữ nào cũng nghẹn lên cồn cào muốn nấc/ Em biết muôn đời nỗi nhớ luôn tìm về sự thật/ Em đã quá thương… giọng nói anh rồi” (Từ khóa) và sự cam chịu, thiệt thòi: “Có thể ngày mai khi không kiếm tìm anh nữa/ Em sẽ tự mắc kẹt mình/ trong ngừng thở/ lặng im…” (Từ khóa). Hưng yêu mê đắm, nồng nàn và dễ thương, không có sự “đáng sợ” bởi với Hưng chỉ có: “Có lẽ bây giờ anh chẳng bận tâm đâu/ Nhưng em vẫn bạc đầu tìm lại/ Mãi đau đáu nỗi đau thời trẻ dại/ Thảm cỏ nhà người…/ Nơi cúc áo anh rơi…”. Hờn ghen thôi mà! Ai yêu mà chẳng có?!

Người đàn bà thứ hai trong thi tập là cô giáo Trần Nhã My, dạy Anh văn tại Gò Dầu, Tây Ninh. Trần Nhã My đã có trong tay 2 tập thơ và vài giải thưởng của trung ương và địa phương. Yêu trong thơ My cũng rất dễ thương, gượng nhẹ, sợ tan… vỡ, thêm một chút huyễn hoặc của những câu chuyện cổ tích, đó là “Câu thơ anh ma quái/ Đùa vui tóc em, tràn lên môi em ngực em thắc thỏm/ câu thơ ma quái/ len vào giấc ngủ chập chờn sáng mai câu thơ/ theo em đi chợ câu thơ/ bay nghịch theo trái cầu lông/ em chơi buổi chiều câu thơ…” (Câu thơ của anh). Phải chăng là một ẩn ngữ, ví von đến ám ảnh… em? Và còn đây những mong manh, mỏng mảnh: “những mảnh vỡ em đem ghép lại thành những lăn tăn ý nghĩ/ lụn vụn những xúc phạm suy tưởng, chảy máu/ thảng thốt u mê một tiếng kêu.” (Mảnh vỡ không lời). Một suy tưởng đời thường đáng yêu: “Anh- phải đâu anh hùng hào kiệt/ Em- không là mỹ nữ giai nhân/ Lẫn vào phố đông chật chội/ Ngỡ mình đang lạc giữa chốn ba quân” (Huyễn hoặc ngày em). Những vu vơ, hoang mang cũng rất đàn bà: “Từ khi anh gọi em “Thánh nữ”/ Từ khi anh “nửa muốn chiếm đoạt”/ Từ khi anh “nửa muốn chiêm bái, quỳ lạy”/ Em không biết mình là ai…” (Em. Cham pa), cùng những dằn vặt của nội tâm: “Em như thế nào để được anh yêu/ em hỏi vào chiều/ ánh hoàng hôn dần lụi tắt/ em hỏi vào đêm/ đêm thẳm sâu suy nghĩ nhiều lắm/ rồi cũng lặng câm mắt đêm nhìn em chực khóc…” (Hỏi). Cũng rất… ngây thơ khi Trần Nhã My hỏi: “Chuyện cổ tích làm sao đánh mất”?/ Anh cười và nheo nheo mắt/ “Anh trộm nó rồi và đã kể em nghe” (Cổ tích của anh). Rồi trở thành… yếu đuối đến đáng yêu: “Bức tranh độc nhất của em/ Vẽ trong đêm cuồng không anh/ Nhớ- thương- giận- hờn, tràn ra bảng màu tội nghiệp” và “khuất vào những sáng tối mông lung/ Bức chân dung/ Có anh đang cười” (Đêm không anh). Trần Nhã My yêu như đứa trẻ giữ trong tay chùm bong bóng sợ vỡ và… bóng bay mất?

Tiếp theo là Đào An Duyên, người đàn bà gốc Hà Nội, hiện là cô giáo tại Gia Lai, Pleiku, một vùng đất Tây Nguyên từng có những hình ảnh tình yêu rất dễ thương và lãng mạn như “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa đông…” (Vũ Hữu Định). Duyên cũng đã xuất bản riêng mình một tập thơ vào năm 2016. Tình yêu trong thơ Đào An Duyên dường như có lẫn chút… Thiền học của kiếp người khi mà Duyên quan niệm: “Vô thường tôi/ Vô thường anh/ Vô thường cả những yên bình xa xôi…” (Vô thường), phải chăng đó cũng là cam chịu để hẹn hò mai sau: “Thôi cũng đành mình đi qua đời nhau/ Ai oán khóc than đêm nay rồi biền biệt/ Em ạ, nếu còn điều gì nuối tiếc/ Thì cũng đành hẹn lại những xưa sau” (Lời tượng gỗ), ừ thì lời của tượng, song lẽ nào không ám ảnh bởi người viết? Cho dù rất muốn mạnh mẽ: “Đừng để em một mình lâu quá/ Sợ rồi em sẽ quen với cô đơn/ Đàn bà khi mạnh mẽ thác lũ nguồn cơn/ Chẳng đàn ông nào mong chìa vai ra được nữa” (Em chẳng mong mình thác lũ nguồn cơn). Muốn thể hiện nhưng lại chẳng mong. Một chút mâu thuẩn, song lại rất đáng yêu, là bởi: “Anh cứ vui những sáng những trưa/ Cứ trú mát ven đường làm khách trọ/ Chỉ cần trong lòng anh luôn nhớ/ Quen cô đơn rồi, em thác lũ nguồn cơn…”, thì ra cái bàn tay nhung… đã chìa ra móng vuốt? Đây có phải là điều “đáng sợ” như Lord Byron đã nói? Em “thác lũ nguồn cơn” nhưng không đanh đá, chua ngoa thì có gì là đáng sợ? Khi mà An Duyên bộc bạch: “Yêu em rồi anh có sợ mai sau/ Mai sau mai sau rồi mai sau nữa/ Cái ngày thời gian khiến mình không còn nhớ/ Cả gương mặt nhau rồi khoảng cách xóa mờ” Và đây nữa: “Em sẽ tập thôi không mong chờ/ Một cánh chim di trú phương Nam/ Khi mùa đông chạm cửa/ Nỗi nhớ hình gì em không biết nữa/ Em đưa tay ôm mình khi mùa gió ngang qua”(Nỗi nhớ hình gì). Vẫn những dự cảm sao buồn khi yêu, ùa vào: “Em đã muốn bước sau anh đến cuối con đường/ Em đã yêu như thể ngày mai mình sẽ chết/ Dù biết ảo ảnh tình/ Như cầu vồng bảy sắc sau mưa…” (Sông quên). Cái ảnh ảo, vô thường của tình yêu phải chăng cũng là điều dễ thương nhưng đáng sợ?

Lại chợt nhớ nhà văn Pháp Ernest Legouve đã khẳng định: Người ta rất lầm lẫn khi cho rằng phụ nữ nhút nhát. Trước tiếng gọi của tình yêu, phụ nữ luôn là người can đảm hơn đàn ông”. Trường hợp này có đúng với người đàn bà Nguyễn Thị Thanh Yến, cô kế toán ở thành Vinh, Nghệ An. Nghề nghiệp bên những con số, chẳng dính dáng nhiều đến những con chữ? Và cũng chưa có tập thơ nào cho riêng mình. Phải vậy chăng mà Thanh Yến muốn đi tìm cho mình một “Đáp án”: “Em- như một vần thơ trúc trắc/ bôi, xóa, ngắt câu, xuống dòng/ loay xoay tìm đáp án của riêng mình/ mãi đến giờ vẫn cứ rối tinh/ Anh- xa lạ với câu thơ em/ những ước mơ, khát vọng, ưu phiền/ là mẫu đàn ông của bao đàn bà khác em ao ước/ cớ sao vẫn cứ một mình…”. Đi tìm đáp án, thế mà cái đáp án cũng mịt mờ sương khói, đầy hoài nghi khi Thanh Yến kết bài thơ: “Như là dan díu từ những ngày xa/ như là lạc nhau từ ba kiếp trước/ chẳng ai hiểu được/ vì sao???”. Kinh Phật dạy: Phải yêu nhau từ ngàn kiếp mới thành vợ chồng, cho nên mới lạc nhau “ba kiếp” nên “chẳng ai hiểu được” rối rắm đấy nhưng cũng thật dễ hiểu thôi mà! Điều dễ thương mà Nguyễn Thị Thanh Yến đã biểu hiện, có lẽ hai câu thơ này đã nói hộ Yến rất nhiều khi nhận ra mình đã yêu: “Thu chuyển mình thay áo/ Em chuyển mình yêu anh” (Em muốn viết về những điều rất riêng). Dễ thương là vậy nhưng cũng thật khắc khoải và dữ dội: “Bỗng chốc em trở thành người đàn bà nguyên thủy nhất/ trộn lẫn vào nhau, nghẹn ngào, thổn thức/ muốn xé toang lồng ngực thuở trăng đầy”. Thế nhưng thơ yêu của Yến thì vẫn là những lời thủ thỉ, tâm tình, có lúc như muốn… đề cao, tôn thờ người mình yêu, không chút giận hờn, oán ghét: “Em là đàn bà có đôi chút ẩm ương/ vẫn thèm lắm phút giây tựa vai người / và thấy mình thật bé/ mặc nỗi đời trần thế/ bao khó khăn gai góc có anh rồi”, hoặc như: “Cái cứng đầu em đôi lúc vẫn mè nheo/ khóc lóc giận hờn cho anh phải dỗ” và đây nữa: “Đàn bà là em anh có biết không/ cứng như đá và yếu mềm như nước”. Rất chân thật, dũng cảm, bỏ qua những kiêu hãnh để nói được điều này: “Chẳng có người đàn bà nào không muốn cuối cuộc đời/ dẫu móm mém, da mồi, tóc bạc/ Vẫn có người nắm tay cùng nhau đi qua khuya sớm/ Miệng gọi nhau hai tiếng ông bà…” (Đàn bà). Điều có nhiều người muốn né tránh, song chân thật và chung thủy sẽ là hạnh phúc. Yêu chỉ cần những sự thật giản dị như thế!

Chốt lại tập thơ là Trần Mai Hường, người đàn bà quê quán Hà Nội, hiện sinh sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh. Trần Mai Hường là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có trong tay 4 tập thơ riêng và 3 tập thơ in chung. Thơ Hường đã tạo cho mình một dấu ấn riêng, được nhiều bạn đọc yêu thích. Là người chủ biên của thi tập và là “chị cả” của 4 nàng thơ trên, thơ Yêu của Trần Mai Hường lại đằm thắm, nền nã và ít những ghen tuông, giận hờn, cho dù đời thực của Hường đã không như ý? Hãy nghe Hường bộc bạch: “Ngày mình thật yêu nhau bất ngờ định mệnh, tình sắc hương như thưở đất trao trời, bao đoan trang nguyện dốc lòng dâng hiến, nước mắt em kết mặn tặng riêng người…” và “Ai nói tình yêu là quà tặng, thượng đế chọn chúng mình trao trái ngọt nguyên sinh, ta tan vào nhau như giông, như thác, như thạch nham triệu triệu năm đợi phút bung mình…” (Cho ngày mình yêu), bởi những mật ngọt và mê dụ của tình yêu: “Đêm mặn nồng đến nhường kia/ em giấu nỗi em vào phiến đêm bão lốc/ mặc vùng vằng sai đúng/ cố thoát khỏi cung mê dại/ tự dỗ mình/ rồi tự thả mình trôi…” (Thơ lúc không giờ). Phải chăng sau những nồng nàn như lửa, một thời yêu dần xa, để có lúc chợt nhận ra: “Đốt anh/ tròn một giấc em/ Câu thần chú cháy/ lừng men dại khờ/ Chật đêm/ hổn hển/ thực- mơ/ Chiếu chăn thiêm thiếp/ như vừa trăm năm…” (Như vừa). Thoáng thôi, những yêu thương theo thời gian rồi cũng dần qua, chỉ mong một cuộc tình trăm năm trong kiếp nhân sinh, mà Thượng đế đã giành cho trái tim con người những rung cảm mà “Mê lạc miền thanh thảo/ Mùi trần gian dụ mời…” (Thú nhận). Hỏi rằng ai không muốn một lần đắm trong tình yêu để rồi mê mãi “mùi trần gian”. Có lẽ với Hường chỉ mới là những hoài niệm về một thời Yêu đẹp nhất đã vừa mới qua mà mỗi khi tưởng nhớ vẫn còn “Cứ lẫn chìm mà say”. Cái say yêu mới đẹp và dễ thương đến vậy…

45 bài thơ yêu của 5 tác giả nữ vừa dễ thương, lại đằm thắm dịu dàng đúng với bản chất của đàn bà Á Đông: Mềm mại như nước nồng nàn như lửa, cũng có sự khắc khoải, trăn trở, giận, hờn, nhớ thương và cả nước mắt song chưa thật dữ dội.

Và thiếu cả những… oán hờn, trách cứ thậm chí là “đáng sợ” như hận thù, nguyền… rủa như vốn có của cõi tình trần tục. Những cuộc tình được thi vị hóa, đẹp, mỏng manh và dễ vỡ, thiên về cảm xúc và cảm nhận. Người đàn bà dường như thật yếu đuối nhưng thủy chung, mong một thiên đường yêu êm đềm và lãng mạn… Có lẽ những người “đàn ông yêu” qua đây sẽ hiểu rõ hơn “một nửa” của mình khi yêu mà trân trọng yêu thương mãi mãi cho đến hạnh phúc cuối đời…

Trần Hoàng Vy

 ---------------

(*) Tập thơ “Đàn bà yêu”- Nxb Hội Nhà văn, 2017

NỔI BẬT TRANG CHỦ