(Tổ Quốc) - Mảnh đất nghìn năm văn hiến, bốn phương hội tụ đã bồi đắp nên một mảnh đất mang đậm dấu ấn, tinh hoa văn hóa dân tộc, đã tròn 1010 năm tuổi. Nền tảng tinh thần nghìn năm văn hiến của Thăng Long luôn là niềm tự hào của người Hà Nội, được gìn giữ, khơi nguồn trong dòng chảy lịch sử, tạo sức sống trường tồn cho lớp lớp các thế hệ.
Như một lẽ tự nhiên, những con người ở muôn nơi, khi hội tụ về mảnh đất này, đều gắn bó máu thịt. Và Hà Nội, luôn để lại một dấu ấn khó phai trong ký ức mỗi người.
Nhà thơ Vũ Quần Phương là 1 trong 10 gương mặt vừa được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020. Được nói chuyện với ông mới thấy, nhà thơ không chỉ yêu Hà Nội mà còn luôn đau đáu việc trao truyền những giá trị văn hóa của Hà Nội đến thế hệ sau.
Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ, mặc dù quê ở Nam Định, với hơn 80 tuổi đời nhưng chỉ có 3 năm sống ở quê nội vì chiến tranh, còn lại tất cả thời gian ông đều sống ở Hà Nội. Vì thế ông có rất nhiều kỷ niệm với Hà Nội và có thể đứng ở bất kỳ nơi nào của mảnh đất này để nói về văn hóa, lịch sử. Bởi vậy, từng có đài truyền hình mời ông đi nói chuyện về văn hóa Hà Nội kéo dài đến 100 chương trình để mang đến cho khán giả đương đại những thông tin như Rạp xiếc nào của Hà Nội cổ nhất, xe xích lô Hà Nội có từ bao giờ…
Vì gắn bó với Hà Nội nên ông cũng đau đáu với những giá trị văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Ông tin rằng với những giá trị văn hóa của Hà Nội đã và đang có, nếu giới trẻ ngày nay được biết đến, sẽ nhân lên tình yêu với Hà Nội. Từ đó, ý thức giữ gìn giá trị này sẽ lan tỏa, trao truyền cho muôn đời sau. Ông đã có những đề xuất gửi đến Hà Nội để mong Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại, nhưng vẫn giữ được hồn cốt cũng như giá trị văn hóa. Chẳng hạn đề xuất chụp ảnh lưu giữ lại những con phố xưa và nay, để mọi người biết được con phố ngày nay đã thay đổi như thế nào. Hoặc ông mong muốn giữ lại nét cổ kính một số di tích để không bị bê tông lấn át. Bởi ông cho rằng, đó là những "di tích trong ký ức" mà không phải mảnh đất nào cũng có được như đất và người Hà Nội. Đừng để ký ức của Hà Nội không có nơi bấu víu.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Thuận là người góp phần nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền Việt Nam, đưa thương hiệu tơ tằm Việt phát triển không chỉ thị trường trong nước mà còn bay xa hơn trên trường quốc tế. Để ghi nhận những đóng góp của bà, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 9 "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021.
Sinh ra và lớn lên tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) - một nơi có truyền thống lâu đời về nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Hơn 60 năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, đã có những lúc bà trải qua khó khăn khi tơ lụa Việt truyền thống mất dần chỗ đứng, rồi nhiều gia đình phải bỏ nghề, kiếm kế mưu sinh. Song bằng tình yêu nghề, yêu sợi tơ, sợi chỉ đã giúp bà vượt qua hết, tự tìm hướng đi mới.
Trong quá trình gìn giữ và phát triển nghề lụa truyền thống, bà luôn đề cao cái tâm của người làm nghề chân chính đối với từng sản phẩm, nhất là việc truyền dạy cho thế hệ trẻ tại quê hương. Hằng năm, cứ dịp hè là bà lại tổ chức các lớp học nghề cho các cháu. Theo bà, đây là hoạt động rất có ý nghĩa, vừa tạo công ăn việc làm vừa giúp các cháu quen dần và hiểu thêm về nghề truyền thống của cha ông…
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn đau đáu tìm ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, kết hợp tinh hoa giữa truyền thống và hiện đại. Chỉ với suy nghĩ là con tằm đã dệt cho mình cái kén thật đẹp thì tại sao không cho con tằm dệt ra những tấm chăn đẹp! Và thành quả đến thật bất ngờ, năm 2010, sáng kiến tằm tự dệt đã cho ra những sản phẩm đầu tiên và được mọi người đón nhận. Những chiếc chăn bông, gối cao cấp ra đời không chỉ người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác như: Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ…
Sự tài hoa, óc sáng tạo của bà không chỉ dừng lại ở những sản phẩm mới lạ, độc đáo mà còn được biết đến là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Hiện sản phẩm lụa tơ sen đang được hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương tiếp tục đánh giá, công nhận 03 sản phẩm trên đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp Quốc gia.
Những con người, bằng bàn tay chăm chỉ, bằng khối óc sáng tạo, đã và đang làm đẹp hơn, phong phú hơn, giàu có hơn cho mảnh đất ngàn năm văn hiến. Mảnh đất ngàn năm cũng làm say lòng cả những người khách quốc tế. Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội năm 2021 đã trao Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội cho Triển lãm ảnh và cuốn sách Hà Nội 1967 - 1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt.
Được tổ chức vào tháng 10/2020, triển lãm ảnh Hà Nội 1967 - 1975 do Viện Goethe Việt Nam, Camera Work, Manzi Art Space tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến do nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt chụp trong giai đoạn lịch sử nói trên. Cùng với triển lãm, cuốn sách ảnh cùng tên cũng đã được NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành.
Từ năm 1967 đến 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại 6 lần nữa. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.
130 bức ảnh màu và đen trắng đã được tuyển chọn và in sách với tiêu chí chỉ tập trung vào đời sống chân thật nhất, dung dị nhất của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh qua con mắt của một nhiếp ảnh gia nước ngoài, cụ thể là 3 serie: Hà Nội đời thường, Trẻ em thời chiến và Lính phi công Mỹ bị giam trong nhà tù Hỏa Lò.
Từ Đức, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chia sẻ: "Thật không may, tôi đã không thể đến tham dự triển lãm vì đại dịch Covid-19. Cuốn sách ảnh Hà Nội 1967-1975 này đã được xuất bản để đồng hành với cuộc triển lãm. Đây là một trong những cuốn sách hay nhất trong sự nghiệp của tôi về mặt thiết kế và chất lượng. Tôi cũng rất hài lòng với lời tựa tuyệt vời của nhà thơ Đỗ Phấn, người đã biến những bức ảnh của tôi thành lời rất đẹp. Giải thưởng tuyệt vời này không chỉ là một sự tôn vinh cho tôi, cho nhiếp ảnh của tôi mà còn cho các nhà thiết kế cuốn sách, nhà xuất bản, phòng trưng bày Berlin, Camera Work của tôi, Viện Goethe tại Việt Nam, tất cả những người có liên quan và đã thực hiện dự án này".
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây Thomas Billhardt nhớ lại: "Hà Nội, Việt Nam đã cuốn hút tôi ngay từ đầu. Sự dịu dàng của con người, âm nhạc nhẹ nhàng và tất cả những điều đáng yêu đó tương phản với ý chí mạnh mẽ và sự khô cứng của con người trong thời chiến. Văn hóa, tình yêu thơ ca và ẩm thực tuyệt vời đã nhanh chóng khiến tôi trở thành một người bạn và một người ngưỡng mộ Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên này được thể hiện lặp đi lặp lại trong tất cả các chuyến đi của tôi"./.